Quả đúng như vậy, “ọc nóc” chính là con nòng nọc, nhìn “ghê” nhưng một khi nướng lên, nếm thử một lần sẽ không bao giờ quên…
Món a pung |
HOÀNG SƠN |
Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn gọi nòng nọc ếch với các tên khác nhau, nhưng tôi ấn tượng nhất là cách gọi “cá ọc nóc” của một số người dân đồng bào Pa Kôh, Tà Ôi tại H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Người ta cắt nghĩa đơn giản rằng, “cá” vì nó sống dưới nước, bơi được như cá, “ọc nóc” là bởi bụng của nó to, tròn như kiểu “ăn no nóc cái bụng”. Cũng bởi hình dáng kỳ dị của “cá ọc nóc” mà những món liên quan đến nó cũng thử thách sự can đảm của người ăn.
Hồi mới được anh Lê Thanh Tong (người Tà Ôi, trú xã A Ngo) mời ăn thử “cá ọc nóc” nướng lá chuối, tôi cầm đũa mà cứ lần lữa... Hiểu ý, anh Tong cười bảo: “Ai lần đầu thấy món này cũng thế. Nhưng đừng sợ, anh cứ nếm thử một lần”. Lần này, tôi trở lại lúc tiết trời se lạnh của xứ núi đang độ lập xuân. Anh Tong cho biết, thời điểm này “cá ọc nóc” đang sinh sôi nhưng ngon nhất phải là “cá” suối, là con của loài ếch xanh trứ danh với chất thịt thơm ngon.
Anh Tong cho tôi cái hẹn “mục sở thị” cách chế biến món “cá ọc nóc” nướng lá chuối vào lúc chiều tối… Đến nơi, tôi đã thấy anh Tong làm sạch ruột “cá”. “Sơ chế đơn giản vậy thôi rồi cho tất cả vào lá chuối. Gia vị nướng cũng chẳng có “công thức” chung nào cả. Riêng tôi thấy ngon nhất khi cho hành lá, ngò tây, ớt hiểm… và thêm chút muối”, anh Tong nói.
“Giờ mình sẽ nướng trong vòng 1 tiếng đồng hồ”, anh Tong nói, tay trở qua trở lại đùm lá chuối. Anh kể, cộng đồng dân tộc thiểu số tại A Lưới gọi món này là a pung. A pung thường chỉ xuất hiện trong mỗi dịp lễ tết và dọn đãi khách quý. Món này ngon nhất là khi “cá” chưa hóa ếch. Nói đoạn, anh lấy tay thọc thọc vào đùm lá chuối. Bốn lớp lá ngoài cùng đã hóa than vỡ ra để lộ lớp lá trong cùng đã ngả vàng. Vậy là món nướng đã chín.
Tôi nhẹ nhàng mở bung nút lá chuối. Tôi ngửi thấy mùi thơm của thịt “cá” tươi hòa mùi đặc trưng của ngò tây, lá chuối… Gắp một miếng đưa vào miệng, cảm giác đầu tiên là thịt “ọc nóc” chín tới rất mềm. Nhai thêm miếng nữa, vị ngọt của loài vật “vừa cá vừa ếch” này tan đều trong miệng, ngon đến khó tả. Vừa nuốt xuống thì vị cay của ớt hiểm ập đến, vị giác như “bùng nổ”…
Tôi đang hít hà thì anh Tong đưa một cái cốc bảo uống đi. Nhấp một ngụm thấy vị chua chua, chát chát, nhấp ngụm nữa hơi men xộc lên mũi. Đó là rượu đoác đặc sản của bà con A Lưới. Anh Tong nháy mắt: “Anh đã thấy hương vị tết vùng cao về chưa?”. Chúng tôi cười ồ. Ngoài kia, sương núi đang xuống…
Tôi được anh Ploong Plênh (chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin H.Tây Giang, Quảng Nam) rủ về thăm nhà trong dịp tết này cùng lời hứa sẽ cho thưởng thức món nòng nọc ếch nướng lá chuối (đha jâm a nhưng) với phong cách của người Cơ Tu. Cách chế biến món này cũng tương tự đồng bào A Lưới. Chỉ khác là gia vị truyền thống được nêm nếm vào gói lá chuối. “Làm món này, tôi thường cho thêm ít gừng, tiêu rừng (mắc khén) và chút muối để không bị “phá” vị. Còn cứ làm thêm chén muối giã nhuyễn cùng ớt hiểm, ai muốn mặn nhạt thì cứ chấm thôi”, anh Plênh chia sẻ.
Bình luận (0)