Trường học trong chùa
Người dân trong vùng thường gọi chùa Khmer Wat Sala Phôthi Sêrey Sakô là chùa Mới, do mới xây dựng năm 1938, trong khi hầu hết những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng đều có hàng trăm năm tuổi.
Hòa thượng Thạch Phết, trụ trì chùa, cho biết khi xây dựng chùa, ngôi chính điện được thiết kế với kiến trúc, hoa văn tương tự chùa Dơi, nhưng qua thời gian đã bị xuống cấp trầm trọng. Đến năm 2011, chính điện được khởi công xây dựng lại và hoàn thiện năm 2018.
Ngoài việc sử dụng hoa văn truyền thống của người Khmer Nam bộ, khi xây mới, chùa được phối hợp thêm một số mô típ kiến trúc của Ấn Độ, Thái Lan. Chính điện khang trang với phần mái xây cao, gồm 3 tầng xếp chồng lên nhau. Điểm đặc biệt nhất trong kiến trúc mái chùa là hình tượng thái tử Tất Đạt Đa phi bạch mã vào rừng (khi xuất gia) được đặt tại phần nóc giữa chính điện.
"Kiến trúc, hoa văn của ngôi chính điện sử dụng một số hoa văn truyền thống của người Khmer Nam bộ, phối hợp hài hòa trong việc sử dụng một số mô típ kiến trúc của Ấn Độ và Thái Lan nhằm làm phong phú và đẹp hơn cho ngôi chùa", hòa thượng Thạch Phết cho biết.
Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có Trường tiểu học P.2 với 20 phòng, Trường sơ cấp Pali xây dựng năm 1995. Nổi bật là ngôi tháp thờ tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối, cao 1,5 m, nặng khoảng 3 tấn, do hòa thượng Thạch Phết thỉnh từ Campuchia về năm 2013. Đến năm 2015, hòa thượng thỉnh thêm 1 tượng Phật Thích Ca nữa và đặt thờ trong ngôi nhà Sala.
Ngôi chùa Khmer duy nhất có mộ cá Ông
Nhiều Phật tử và du khách thập phương biết đến chùa Mới vì đây là ngôi chùa Khmer duy nhất có ngôi mộ cá voi xây dựng khang trang trong khuôn viên chùa. Ấn tượng hơn hết là hình tượng cá được đắp bằng xi măng sống động, nằm trên bệ đỡ cao gần 1m, được trang trí như đại dương thu nhỏ.
Người dân địa phương kể lại, năm 2013, tại bờ biển Vĩnh Châu, có một con cá voi mắc cạn. Cá có chiều dài hơn 12,5 m, chiều ngang 2,4 m, cao 1,4 m, ước nặng trên 10 tấn. Tuy nhiên, cá suy kiệt rồi chết dù chính quyền địa phương và người dân nỗ lực ứng cứu.
Sau khi cá chết, hòa thượng Thạch Phết cùng bà con Phật tử đóng góp công sức, tiền của long trọng cung nghinh cá về chùa, gọi là cá Ông, rồi xây mộ và tổ chức lễ chôn cất theo phong tục của ngư dân miền biển. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định chính xác đây là loại cá voi gì.
Hằng năm, cùng với việc tổ chức sinh hoạt văn hóa, lễ hội theo Phật giáo Nam tông, chùa Mới còn làm lễ cầu an cho cá voi vào ngày 7.9 âm lịch.
Từ ngày đưa cá voi về chôn cất, rất đông khách thập phương đến thắp hương, cầu nguyện cho cá, nhất là người dân sống bằng nghề đi biển. Cao điểm, vào các ngày lễ, hội, chùa thu hút hàng ngàn người đến tham quan, cúng bái mộ cá Ông.
Ngoài mộ cá voi được xây dựng để thờ cúng bên ngoài, trong phòng khách của chùa còn thờ 1 cặp hàm cá voi, cao khoảng 2 m.
Hằng ngày, du khách và Phật tử đến viếng ngôi chùa Khmer này đều đến thắp nhang, vuốt hàm cá Ông, cầu nguyện cho bản thân có sức khỏe, gia đình bình an.
Bình luận (0)