Trăn trở hạn mặn miền Tây
Chỉ mới bắt đầu được gần 1 tháng nhưng anh đã làm được gần 30 tác phẩm về đặc sản miền Tây bằng đất sét. Tất cả đều là những hình ảnh thân thương gợi nhớ về vùng đồng bằng sông nước và anh gọi đó là “Góc miền Tây” của riêng mình.
Anh Đạt bên Góc miền Tây độc đáo của mình
|
Mặc dù không sinh ra và lớn lên ở miền Tây, nhưng là một người yêu nghệ thuật, thích khám phá và tìm hiểu về cuộc sống xung quanh nên anh Đạt đi rất nhiều nơi để thực hiện những bộ ảnh độc đáo về con người và cuộc sống ở từng vùng miền. Chính vì thế, miền Tây với anh không còn xa lạ, và những ký ức của anh về vùng đồng bằng sông nước này luôn đẹp và yên bình.
Cá chiên xù làm bằng đất sét
|
Hình ảnh cua đồng khi vừa mới bắt về còn lấm lem bùn đất nhìn y như thật
|
Thế nhưng hạn mặn ở miền Tây vừa qua khiến anh phải trăn trở. “Hạn mặn lũ không về nên cá linh cũng không về, đặc biệt là những vùng như Đồng Tháp, người dân chủ yếu sống nhờ vào nghề cá linh, nhưng giờ không còn nữa nên người dân cũng rất điêu đứng. Rồi cũng vì hạn mặn nên nhiều con cá là đặc sản của vùng đồng bằng sông nước cũng gần như không còn nữa. Thật sự là rất xót...”, anh Đạt chia sẻ.
Đặc sản mắm cá linh miền Tây
|
Cá lóc nướng và cá nàng hai
|
Chính vì thế mà anh muốn làm một Góc miền Tây để giữ trọn những ký ức và hình ảnh đẹp. Nhưng anh muốn làm từ chất liệu gì đó gần gũi với người dân để giữ được cái hồn cho Góc miền Tây.
Đuông dừa nước mắm nhìn y như thật
|
Khô được làm bằng đất sét
|
“Trong quá trình làm, mình nghiên cứu nhiều chất liệu, rồi nghĩ tại sao không dùng đến đất sét. Đất sét hiện nay thì lại có rất nhiều loại như đất sét Nhật, đất sét Thái… nhưng chúng đều rất đắt. Sau đó mình phát hiện ra là đất sét Việt Nam chất lượng hơn nhiều. Vì nó dai hơn, rẻ hơn và không độc hại...”, anh Đạt chia sẻ.
Tái hiện những hình ảnh thân thương
Hiện tại ở Góc miền Tây, anh Đạt tái hiện chủ yếu về các món đặc sản của miền Tây như mắm cá linh, đuông dừa, cá chiên xù, cá lóc đồng nướng, khô…, vì theo anh thường khi nhắc đến việc ăn uống người ta sẽ nhớ nhiều hơn, từ đó sẽ gợi nhớ về ký ức với đặc sản quê nhà.
Dụng ý của hình ảnh này để tái hiện câu thành ngữ: "Lươn ngắn lại chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm"
|
Ngoài các món ăn, anh Đạt cũng khắc họa những hình ảnh dân dã của người miền Tây như hình ảnh lưới cá, những giỏ cá bống, giỏ cua vẫn còn lắm lem bùn đất… Rồi hình ảnh những khu rừng tràm, rừng đước với những con cá thòi lòi ngoi lên bờ thân thuộc… Và mỗi hình ảnh anh đều gửi ẩn ý của mình, như hình ảnh rừng tràm, rừng đước thì anh khắc họa gần như trụi hết lá nhưng trên ngọn vẫn còn 2 chiếc lá với ngụ ý là dù thiên nhiên có khắc nghiệt nhưng vẫn còn những mầm sống luôn vươn lên mỗi ngày...
Đất sét Việt làm y như thiệt
Công đoạn làm cá bằng đất sét
|
Nhìn hình ảnh con cá lóc đồng nướng bằng đất sét như cá thật, ai cũng phải trầm trồ. Theo anh Đạt để có thể thổi được hồn vào những tác phẩm bằng đất sét này thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là phải hiểu rõ về loại lý tính của đất sét đang dùng. Tùy loại đất sẽ có nhiều cách tạo hiệu ứng khác nhau như ngâm nước, đốt, xoa cồn, phun sơn, cán mỏng... Sau đó là cách pha màu phù hợp, vì nhiều loại đất sẽ biến màu sau khi khô, hoặc một thời gian sau gặp ẩm sẽ bệt màu không còn giữ màu như ban đầu. Cuối cùng là đưa thông điệp vào đất sét, tạo ra những tác phẩm theo ý tưởng của người thực hiện.
Đối với cách làm mắm cá linh bằng đất sét, anh Đạt kể đầu tiên phải suy nghĩ nguyên liệu để làm nước mắm và cá (mắm cái). Sau đó dùng đất sét tạo hình cá, và lúc đất sét chưa khô, phải phủ ngay một lớp sơn tạo màu da cá (gồm màu ngọc trai và màu xám xanh trên lưng), đúng thời gian thích hợp, dùng que tạo từng vẩy cá mỏng trên thân, sau đó tạo phần đốm lườn cá. Đến công đoạn xếp cá vào trong khạp nhỏ, lúc đất chưa khô, thật nhẹ tay vì đất còn mềm dễ bị méo mó. Sau đó đổ dung dịch mắm cá làm bằng keo epoxy pha với màu vàng và bột gỗ tạo lợn cợn thịt trong mắm. Chờ sau khoảng 16 tiếng là hoàn thành tác phẩm.
Hình ảnh phơi cá khô quen thuộc của người miền Tây
|
Hình ảnh chiếc xuồng gắn liền với sông nước miền Tây
|
Còn đối với hình ảnh con đuông dừa ấn tượng thì anh Đạt cho biết cách làm tương tự như làm cá nhưng phải để đất sét khô hơn sau đó phủ lớp màu vàng nhẹ bằng màu sơn acrylic. Tiếp đến chờ sơn khô, dùng tay miết nhẹ tạo độ sần trên đuông, sau đó dùng lửa thổi nhẹ cho lớp vảy sơn rỗ trên bề mặt tạo da, tô màu phần đầu đuông nâu đen. Phần nước mắm làm bằng keo epoxy pha màu đổ nhẹ vào sau khi xếp đuông vào chén, dùng đất sét cắt nhỏ làm hạt ớt và tạo hình lát ớt. Đặc biệt lưu ý là khi thả lát ớt và hạt vào sau 4 tiếng đổ epoxy, vì bỏ vào sớm, ớt và hạt sẽ chìm hết xuống đáy.
Ngoài góc miền Tây độc đáo này thì anh Đạt còn sở hữu hơn 10.000 tranh cá 3D do anh chế tác
|
Chính vì sự tỉ mỉ và sáng tạo của mình, anh Đạt đã tạo được Góc miền Tây gợi nhớ bao ký ức của tuổi thơ cho nhiều người. Với những đặc sản miền Tây bằng đất sét độc đáo, anh Đạt đặt câu khẩu hiệu cho những sản phẩm của mình là “Đất sét Việt làm như thiệt” với mong muốn sẽ khẳng định được giá trị và nhân rộng các loại hình làm từ đất sét Việt.
Bình luận (0)