Hơn 60 năm gắn bó với đờn ca tài tử
Nghệ nhân Hai Đức kể, quê hương có truyền thống đờn ca tài tử nên từ nhỏ ông đã yêu thích và đam mê bộ môn nghệ thuật này. Thấy vậy, khi ông 13 tuổi, ông nội và cha đã dành thời gian tập cho ông đàn và luyện hát những bài vọng cổ, trích đoạn cải lương…
Vì quá đam mê, ông cất công "tầm sư học đạo" và may mắn được thọ giáo 2 danh sư bậc nhất miền Tây thời bấy giờ là Sáu Hóa, Hai Duyên.
Từ một cậu bé đam mê đờn ca, qua quá trình học tập với những người thầy có tiếng, ngón đàn của ông Đức ngày một điêu luyện, say đắm lòng người. Không chỉ tiếng đàn, giọng ca của ông cũng được rèn giũa. Từ đó, ông đi đàn cho các gánh cải lương.
Năm 19 tuổi, ông Đức bắt đầu gia nhập một số đoàn cải lương, trong đó có đoàn cải lương Hương Tràm... Cũng từ đây, tên tuổi ông dần được giới văn nghệ sĩ và người mộ điệu cải lương biết đến.
Tuy nhiên, theo ông Đức, nghề đờn ca có nhiều lúc thăng trầm, vui nhiều mà buồn cũng không ít. "Có thời gian dài không sống được với nghề, tôi phải đi bán quần áo dạo ở khắp vùng Rạch Giá, Cà Mau… Nhưng rồi, với tình yêu nghề, tôi vẫn trở lại hoạt động đờn ca tài tử cho đến nay", ông Đức chia sẻ.
Đến nay, sau hơn 60 năm theo đuổi đam mê, dù không đi con đường chuyên nghiệp đúng chất nữa nhưng lúc nào ông Đức cũng xem đờn ca tài tử là tri kỷ, là tiếng lòng.
Đàn sến 3 dây mang thương hiệu "Hai Đức Cần Thơ"
Nhắc đến nghệ nhân Trần Văn Đức, dấu ấn để đời và được xem là cống hiến lớn nhất của ông cho đờn ca tài tử chính là sáng chế thành công cây đàn sến 3 dây mang thương hiệu "Hai Đức Cần Thơ".
"Cây đàn sến truyền thống chỉ có 2 dây, 12 phím. 2 dây tượng trưng cho "trời" và "đất". Tôi làm đàn sến 3 dây tức là thêm yếu tố "người" với sự xúc cảm, yêu thương. Nhờ thêm dây thêm phím, tiếng đàn thêm được chữ "tì" kết âm với dây số 1. Dây số 3 vừa trợ âm cho tiếng đàn trầm ấm, nhất là những chữ xuống 'xàng' sẽ mượt mà, trữ tình hơn", nghệ nhân Hai Đức lý giải.
Đàn sến 3 dây được nghệ nhân Hai Đức biểu diễn khắp các sân khấu cải lương, lễ hội, các cuộc liên hoan đờn ca tài tử và cả những lúc cuộc sống khó khăn phải chạy sô ở các quán xá, nhà hàng…
Nghệ nhân Huỳnh Văn Đơn (62 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, đàn sến 3 dây khi đàn phát huy hết công hiệu trong những điệu oán và bắc, gần như đạt đến sự hoàn hảo khi dây 1 biểu trưng cho trời, dây thứ 2 biểu trưng cho người và dây thứ 3 biểu trưng cho đất. Cả 3 tương trợ nhau rất tốt.
"Tiếng đàn khi phát ra biến hóa điệu nghệ, khi trỗi khúc nhạc vui làm rộn rã lòng người mà khi khảy khúc nhạc ai, oán, càng não nùng, man mác... làm nâng cảm xúc của cây đàn này lên gấp nhiều lần", ông Đơn đánh giá.
Soạn giả Nhâm Hùng nhận xét: "Sự sáng tạo đàn sến 3 dây của nghệ nhân Hai Đức góp phần cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương thêm sắc thái mới lạ, làm phong phú cho món ăn tinh thần của người dân vùng sông nước Nam bộ".
Mong được truyền nghề cho thế hệ trẻ
Giờ đây, ở tuổi xế chiều, nghệ nhân Hai Đức vẫn đều đặn hoạt động nghệ thuật cùng với những tri âm. Nhiều năm qua, ông còn cộng tác với giảng viên Trường ĐH Cần Thơ để giới thiệu đờn ca tài tử cho học viên nước ngoài. Ông góp phần giúp các học viên, nghiên cứu sinh nước ngoài hoàn thành luận án với những đề tài về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nhiều sinh viên xem ông như người thầy và là "pho từ điển sống" về đờn ca tài tử Nam bộ.
"Những năm gần đây, tuy không theo con đường chuyên nghiệp, tôi vẫn mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ. Thật may, tôi được nhiều trường ở Cần Thơ mời tham gia hướng dẫn âm nhạc cho sinh viên ngành văn hóa, du lịch, sinh viên Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ… đến Cần Thơ học tập. Nhờ đó, tôi có cơ hội giới thiệu về quê hương, đất nước, văn hóa, âm nhạc Việt Nam và cây đàn sến 3 dây độc đáo này", ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, điều ông Đức trăn trở là đến giờ vẫn chưa tìm được người để kế thừa ngón đàn tuyệt kỹ. Bởi người trẻ ít chịu theo nghề và để truyền thụ được đàn sến cũng rất cần người biết cảm nhận nó. "Rất ít người trẻ có đam mê và cảm thụ được đàn sến. Thêm nữa, để truyền dạy đàn sến, cần có nhiều thời gian. Đàn sến bây giờ rất ít người theo học, vì dễ đàn nhưng rất khó đàn hay", ông Đức nói.
Với những cống hiến sâu rộng với nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ nhân Hai Đức vừa đón niềm vui khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Bình luận (0)