Đảo cò này nằm giữa hồ An Vũ 1 (thuộc Công viên Nam Hòa, P.Lê Lợi. TP.Hưng Yên).
Người dân địa phương cho hay, từ đầu những năm 90 (thế kỷ 20) đã thấy cò kéo về đầm Lò Lồi (tên cổ của hồ An Vũ) - khi đó chỉ là một bãi sình lầy.
Năm 2003, TP.Hưng Yên cải tạo đầm Lò Lồi thành Công viên Nam Hòa và đề xuất với UBND tỉnh Hưng Yên phương án bảo tồn đàn cò.
Công viên Nam Hòa hoàn thành năm 2005. Cùng năm, đảo cò được tôn cao và trồng cây xanh (chủ yếu là tre bát độ) với diện tích 3.883 m2, lòng hồ rộng 12,78 ha được làm sạch lấy nguồn thức ăn dồi dào cho cò. Từ đó tới nay, cò rủ nhau về đảo làm tổ, sinh sản ngày càng đông.
|
Theo ông Doãn Quốc Hoàn, Giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường & Công trình đô thị Hưng Yên (đơn vị trực tiếp quản lý đảo cò), ước tính trên đảo hiện có khoảng trên 400.000 con với đủ các giống: cò đen, cò trắng, cò mỏ vàng, mỏ trắng...
Những người dân địa phương cho biết, sáng sớm và chiều tối là thời điểm dễ quan sát cò nhất. Từ bất kỳ tòa nhà cao tầng nào trong thành phố, người ta đều có thể nhìn thấy rợp cánh cò trắng chao lượn trên không. Chúng tản đi kiếm ăn rồi lại bay rợp trời về tổ mỗi buổi chiều.
|
Người dân ở đây đã quen với nhịp sống có những cánh cò. Trước mỗi trận mưa lớn, cò đập cánh chao liệng hàng giờ đồng hồ như báo hiệu, còn âm thanh vỗ cánh, gọi bầy của cò mỗi sớm đối với người dân lại giống như đồng hồ báo giờ giấc.
“Cứ đến 5 giờ chiều là cò về trắng hồ. Lúc đó bà con đi thể dục vừa được ngắm cò bay!”, ông Phạm Văn Sơn, 70 tuổi, người dân phố Lê Lợi kể.
Đảo cò cách bờ chỉ 70 m, mực nước hồ rất nông, chỉ có một bảo vệ trông coi cả công viên rộng 20,48 ha nên không khó nếu ai muốn vào đảo nhặt trứng. Tuy nhiên, an ninh ở đảo cò lại an toàn, thanh bình đến bất ngờ.
Hình ảnh chúng tôi thường gặp ở TP.Hưng Yên là những con cò dạn dĩ đậu trước cửa các tiệm cà phê. Cò bay lạc vào vườn nhà dân sẽ được người dân thả về trời. Không một tấm biển cấm tắm giặt, xả rác nhưng nước hồ An Vũ vẫn trong veo. Từng đàn cò liệng ra mép nước rỉa lông mà không gặp bất kỳ sự chọc phá nào từ những người hóng mát.
|
Từ ngày đảo cò thu hút du khách, một số quán nước, nhà hàng cũng được mở ven hồ. Không nói thách, chặt chém, chủ quán nào cũng niềm nở kể cho khách nghe nhịp điệu cò sinh sống. Họ chia sẻ, cò cho họ... việc làm, nhất là vào dịp hè, đông du khách từ các nơi đổ về đảo tham quan.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Doãn Quốc Hoàn, Giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường & Công trình đô thị Hưng Yên cho hay đơn vị này đang dồn mọi tâm huyết để bảo tồn đảo cò.
“Công ty đang nghiên cứu trồng tre gai, tre bát độ giữ đất, lấy thêm chỗ sinh sản cho cò. Chúng tôi cũng hạn chế tối đa những xáo trộn trên đảo, nếu không cò sẽ hoảng sợ bay đi mất. Nếu có một tổ chức khoa học nghiên cứu đầy đủ các giống cò trên đảo, việc chăm sóc, bảo tồn sẽ dễ hơn. Chúng tôi muốn Hưng Yên được biết đến nhiều hơn nữa nhờ đảo cò này”, ông Hoàn bày tỏ.
Thực tế, gần đây, nhiều bạn trẻ Hưng Yên đã tự chụp hình, quay phim đảo cò và chia sẻ trên các trang mạng xã hội Facebook, blog cá nhân... như một cách quảng bá “hòn đảo” còn say ngủ trong bản đồ du lịch Việt Nam này.
Thúy Hằng
Bình luận (0)