Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát có 2 cổng chính ra vào, thuộc ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
|
Tín ngưỡng dân gian
Nguyên thủy đây là ngôi từ đường, nơi an nghỉ của vợ chồng Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, về sau trở thành ngôi miếu thờ và được tổ chức lễ hội khá qui mô. Đây là dạng tín ngưỡng dân gian, giao lưu văn hóa giữa người Việt, Khmer và Hoa, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa vào năm 1996.
Theo Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích của Nguyễn Liên Phong, Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763-1820) tên thật là Duồng, người Khmer ở làng Nguyệt Lãng, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Trước năm 1802 ông theo Nguyễn Ánh, được phong chức Cai đội quản đồn Xiêm binh ở Trà Ôn, có công nên được chúa Nguyễn Ánh ban quốc tính. Năm 1802 ông được thăng Cai cơ, lập đồn ở bảo Trà Ôn, kiêm quản hai phủ Trà Vinh và Mân Thít thuộc doanh Vĩnh Trấn. Đến năm 1810 vua Gia Long cho đổi đồn Xiêm binh thành đồn Uy Viễn. Năm 1811 ông được phong làm Tiền quân Thống chế Điều bát Dung Ngọc hầu, coi việc hậu cần, lương thực. Năm 1819 ông được Thoại Ngọc Hầu phân công đốc thúc dân phu đào kinh Vĩnh Tế và mất vào năm 1820.
|
|
Khi ông mất, triều đình cử người đến điếu phúng, tống táng theo nghi lễ và xây cất từ đường thờ phụng. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì Thống chế Nguyễn Văn Tồn bị nhiễm bệnh dịch trong lúc tham gia đốc thúc đào kinh Vĩnh Tế. Năm đó có dịch lớn, giết chết hàng ngàn dân phu và lan rộng ở nhiều tỉnh Nam Kỳ. Vợ chồng Thống chế Nguyễn Văn Tồn mất cùng một ngày sau Tết Canh Thìn 1820.
Thống chế Nguyễn Văn Tồn có một người con tên Vy, được vua Minh Mạng phong làm Vệ úy ở đồn Tịnh Biên, Châu Đốc. Sau biến cố Lê Văn Khôi làm loạn, có người tố cáo Vy theo giặc Khôi nên bị bắt giam và chết trong ngục. Vua Minh Mạng không tiếp tục truy cứu, nhưng hậu duệ của ông bị suy sụp. Từ đó việc hương hỏa miếu Thống chế Điều bát do dân địa phương lo liệu.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sau khi vợ chồng Thống chế Điều bát mất thì dịch bệnh tự dưng chấm dứt. Bấy giờ người dân vùng Trà Ôn - Mân Thít cho rằng ông hiển linh phù hộ dân làng khỏi dịch bệnh nên kéo đến lăng mộ làm lễ cúng vái ông, mong được che chở và tín ngưỡng thờ ông Thống chế Điều bát xuất phát từ đó.
Khoảng năm 1904, có một vị Hương cả đứng ra trùng tu lại từ đường rồi một số người Hoa tụ họp thành lập “Mỹ Thanh hội quán” để lo việc hương hỏa cho vị công thần này và từ đường biến thành miếu thờ. Sau đó dân làng tiếp tục làm đơn xin triều đình Huế cấp sắc. Tuy nhiên, lúc bấy giờ đất Nam Kỳ đã thuộc Pháp nên mãi đến năm 1944, vào triều Bảo Đại, Thống chế Điều bát mới được phong là Quang ý Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Và đạo sắc này mãi đến năm 1950 mới về tới Vĩnh Long, được người dân tìm thấy rước về thờ.
Gian truân giữ gìn hiện vật
Về kiến trúc, phần lăng có chính tẩm, võ ca và nhà khách, được xây cất theo lối đình Nam bộ với vật liệu bằng gỗ, lợp ngói, nền gạch, vách tường. Trong chính tẩm, bàn thờ giữa thờ tượng chân dung Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, bên phải thờ tượng phu nhân Thống chế Điều bát. Bên trái thờ Bình Tây phó tướng Nguyễn An. Trước bàn thờ chính là bàn Hội đồng thờ các danh nhân như Tả quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây tướng quân Trương Định, Anh hùng Nguyễn Trung Trực… Việc bố trí các bàn thờ theo bố cục truyền thống của đình làng Nam bộ.
Phần mộ của Tiền quân Thống chế Điều bát và phu nhân tọa lạc phía sau lăng, được xây theo kiểu song táng, xung quanh xây tường vôi, bình phong, trụ đá… trang trí hoa văn hình lá, giao long và cặp kỳ lân đứng hầu nơi cửa. Khu vực này được giữ nguyên trạng từ xưa đến giờ.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó ban Quản lý di tích lăng thì việc đem các danh nhân vào thờ chỉ mới những năm gần đây, hồi xưa không có. Những pho tượng chân dung Tiền quân Thống chế Điều bát và phu nhân thì do nghệ nhân địa phương đắp theo hình vẽ tưởng tượng. Riêng sắc phong được cất giữ cẩn thận trong hộp, mỗi năm được thỉnh ra làm lễ cúng.
Sau khi được công nhận di tích lịch sử văn hóa, lăng Thống chế Điều bát được nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu. Khu vực chánh tẩm được tô lại bằng xi măng, làm mới sân khấu, tôn tạo và lót lại nền gạch, lợp lại mái ngói, cất nhà hậu, nhà khách, đắp lại hoa văn, bổ sung hoành phi câu đối… Hiện vật xưa còn lại là sắc phong thời vua Bảo Đại, cái mão quan - tương truyền là mão của Tiền quân Thống chế Điều bát và giàn lỗ bộ bằng đồng có khắc chữ “Mỹ Thanh hội quán”.
|
|
Nhưng theo ông Phước thì việc gìn giữ đạo sắc và chiếc mão cũng khá gian truân. Thời chiến tranh, sợ bị bom pháo làm hư hại, bà Dương Thị Vạn đã thỉnh đạo sắc và chiếc mão về nhà thờ phụng. Sau năm 1975, Huyện đội Trà Ôn mượn lăng miếu làm chỗ đóng quân. Sau đó giao lại cho Ban cải tạo Nông nghiệp huyện làm trụ sở hội họp. Lúc bấy giờ người giữ lăng là ông Nguyễn Văn Sáu tiếp tục đem sắc phong và mão về nhà thờ cúng. Vì vậy hằng năm, nhớ ngày giỗ dân làng tụ họp ở nhà ông Sáu để cúng bái.
Cũng theo ông Phước thì tín ngưỡng của người dân địa phương đối với Tiền quân Thống chế Điều bát rất lớn nên khu vực lăng không ai lấn chiếm, cây cối bị tàn phá sau chiến tranh được trồng lại. Những năm gần đây, ngày giỗ Thống chế Điều bát là ngày lễ hội lớn ở Trà Ôn. Từ đêm giao thừa, dân các nơi đổ về tham dự, có năm lên đến hàng chục ngàn người.
Trong những ngày lễ hội có nhiều sư thầy và phật tử các chùa Khmer ở Trà Ôn đến đọc kinh cầu an cùng với các lễ Túc yết, chánh tế, tế Tiền hiền, Hậu hiền, xây chầu, Đại bội theo nghi thức cúng đình của người Việt. Phần hội thì có hát bội, nhạc lễ của người Việt, múa lân, nhạc ngũ âm của dân tộc Hoa và Khmer. Do trùng với những ngày Tết Nguyên đán nên lễ giỗ Thống chế Điều bát còn mang ý nghĩa cầu tài, cầu lộc.
Điều đáng chú ý là cho đến bây giờ, ngay cả ngày thường vẫn có nhiều người, trong đó có cả nam nữ thanh niên, học sinh vào lăng Tiền quân Thống chế Điều bát thắp nhang, cúng viếng.
Bình luận (0)