Lệ Thủy, dải đất hẹp nhất của đoạn thắt Quảng Bình với những điều kiện tự nhiên và con người khác biệt đã tạo nên giai điệu hò khoan độc đáo.
Xứ Lệ Thủy sản sinh ra điệu hò khoan độc đáo - Ảnh: Ngọc Liên |
Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai ơ về ơ về Lệ Thủy ơi người ơi/Hỡi người ơi người ơi thong dong/Hỡi người ơi người ơi thong dong/Ờ hơ ơ hơ, Lệ Thủy gạo trắng nước ơ trong...
Theo nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Tuân, đất và người ở đây đã được hun đúc trong đấu tranh sinh tồn với chiến tranh, bão lụt, gió Lào bỏng cháy suốt mấy ngàn năm chưa bao giờ yên. Sân khấu cuộc đời đó đã tạo nên hơi thở của dân ca; tâm hồn thi ca của con người đã hun đúc lên kết quả trên gian khó. Chiến tranh và thiên tai mất mùa, trắng tay, đói kém; đồng sâu, nước cả, lao động nhọc nhằn. Vậy nhưng con người vẫn phải sống, vẫn phải tròn bổn phận. Những tâm tư đó đã được gửi gắm vào trong dân ca mà than thở, mà san sẻ. Đó chính là cội nguồn cảm hứng của hò khoan Lệ Thủy.
Chẳng ở đâu như Lệ Thủy, vui hò hát đã đành, đằng này cái thú được hò hát len vào cả khi buồn, khi lao động mệt nhọc. Hò là hô là khoan/Hô khoan ơ hơ giọng hò khoan ừ hự ai ơi/Quê là mẹ ơ hồ/Hò là hô là khoan/Hô khoan ơ hơ giọng hò khoan ừ hự ai ơi/Quê là mẹ, mái ngân vang sớm chiều, ơ hờ/Hò là hô là khoan/Em lên trên rừng đốn một khúc gỗ là trắc/Là hô hồ khoan/Đem về em khắc chặt bốn câu thơ/Là hô hồ khoan/Câu thương câu nhớ câu đợi câu chờ… Hô khoan xin mời tất cả à xố ơi khoan.
Giá trị của hò khoan
Trong hò khoan, người ta quy ước rõ kiểu cách tham gia của từng thành viên. Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng”, còn hò con là người “xố”. Cái hò thì con xố và vai diễn này cũng không cố định. Lúc này họ là hò cái và lúc sau họ lại đóng vai hò con “tất cả đều là nghệ sĩ”. Theo một số nhà nghiên cứu, hò khoan Lệ Thủy có 5 làn điệu cơ bản (có tài liệu nói 6 làn điệu hoặc 9 làn điệu; nhiều người gọi là “mái”): mái ruổi thuộc nhóm những mái hò sông nước chậm rãi, khoan thai; mái ba cũng là một làn điệu gắn với sông nước, mái hò tiêu biểu về tính linh hoạt trong ứng tác, hò mái ba thường dùng khi thuyền nặng, đi qua những quãng sông chảy xiết, ngược nước, ở nơi đầm phá gió to; mái xắp là làn điệu hay dùng trong khi giã gạo; mái chè được cấu trúc một đoạn ba câu với ba vế xố, thường là thể thơ lục bát, trong đó câu tám được bẻ làm đôi cho hai vế xố; mái nện thường được hò khi chèo thuyền, khi cày ruộng, khi đưa linh.
Trong quá trình phát triển, từ những làn điệu cơ bản đã nói, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra các “lối hò”. Lối hò, nói cách đơn giản đó là kiểu hò theo những lề lối ước định sẵn. Có thể kể ra đây nhiều lối hò quy ước sưu tầm được trong dân gian: hò nhân nghĩa, hò nhân nghĩa xa cách, nhân nghĩa kết vấn, hò giao duyên, hò xa cách, hò xa cách kết vấn, hò đền ơn, hò đâm bắt, hò bồn ba, hò đố, hò xấc leo, hò đấu trí, hò ghểnh, hò thợ mộc, hò lĩa trâu, hò Kiều, hò Tam Quốc, Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, Thoại Khanh - Châu Tuấn, hò giã gạo, hò đưa linh, hò lính mộ, hò bài chòi… “Bước tới nơi đây xin chào chung chào chạ/Có người khách lạ nên phải chào riêng; em không chào thì ra câu khinh lệ/Em mở lời chào thì tục lệ phân minh/Anh ở xa chưa rõ sự tình/Anh có đôi rồi chẳng biết, em một mình nỏ hay”, đây là một lối hò mở đầu trong hò giã gạo.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Tuân, trong số gần 2.000 câu hò sưu tầm được thấy rằng nội dung mà hò khoan đề cập rất phong phú, như tình yêu quê hương đất nước; nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, chữ trung; tình nghĩa vợ chồng và tình yêu đôi lứa không thể thiếu trong hò khoan Lệ Thủy: “Gió mát trăng thanh bạn lành chưa thấy mặt/Thoảng nghe tiếng hò lúc nhặt, lúc khoan/Đêm nằm mà dạ không an/Nghe lời bạn thốt, băng ngàn ra đi”. Mỗi câu hò có thể dài ngắn tùy ý theo nội dung định nói, định diễn tả. Thường thì một câu hò khoan có kết cấu thể lục bát hoặc song thất lục bát. Song có những câu hò phá lệ được chắp nối nhiều ý xen vào giữa và giữ nhịp điệu tái lại nhiều lần trước khi vào câu kết. Chẳng hạn câu hò sau đây được coi là một trong những câu dài nhất trong kho tàng hò khoan Lệ Thủy: “Phụ mẫu em đòi chi anh đây đi cũng đủ/Lưng hũ hột xoài lưng oi hột mít/Một bì khoai lang một sàng bánh tổ/Một ổ gà ung một thùng mắm thúi/Một trịu cá rô một ang gạo thóc; một bọc chè tươi/Em về thưa với song thân phụ mẫu/Đến tối hai mươi anh sang nhà”.
Trong hò khoan nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, nói lái, nhân hóa hay cách sử dụng nhuần nhị nhiều thành ngữ, tục ngữ, từ địa phương, từ đồng âm dị nghĩa. Sự kết hợp bởi lời thơ với tiếng đệm, tiếng lót, tiếng láy đạt đến đỉnh cao: “Hỏi anh chi sắc hơn dao/Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời”. Hay dùng cái cách nói lái: “Bánh đầy mâm răng gọi là bánh ít/Lửa không miệng răng lại nói lửa cười”.
Hò tiếc thương người ra đi
Hò đưa linh xuất hiện rất đậm đặc ở các xã ven sông Kiến Giang, cụ thể hơn đó là các xã mà người Lệ Thủy hay quen gọi “xã vùng dưới, vùng giữa”. Vùng này chiêm trũng thường bị lũ lụt liên miên hằng năm, mỗi đợt kéo dài nhiều ngày. Bởi vậy, cư dân ở đây thường đưa linh cữu người thân lên núi để an táng. Khi đi, người ta kết thuyền, đặt quan tài lên, chèo ngược dòng Kiến Giang. Chèo suốt đêm đến gần sáng, để kịp hạ huyệt khi mặt trời chưa ló rạng. Suốt chặng đường dài đó chỉ có tiếng phèng la, trống điểm và tiếng hò khoan.
Hò đưa linh thường là do các nghệ nhân làm “hò cái”, đội “âm công” là “hò con”, đế xố, diễn xướng. Vai trò các nghệ nhân dân gian trong hò đưa linh rất quan trọng bởi trong một không gian lễ nghi đượm chất buồn đau ấy thì người hò cái phải “thuộc bài”. Không những thế, người hò cái còn phải biết lựa chọn các mái hò sao cho âm hưởng của nó phù hợp với khung cảnh. Người hò con là thành viên trong đội âm công, được tập hợp từ các con, cháu, người thân của tang gia. Ngoài chức năng xố con, họ còn nhiệm vụ diễn xướng chèo cạn lúc ở nhà, lúc chèo thuyền đưa linh trên sông, lúc nện đất lấp mồ. Mới thấy hò khoan ở Lệ Thủy phong phú đến thế nào, máu hò khoan nhiều đến thế nào trong huyết quản của con dân Lệ Thủy.
|
Bình luận (0)