Hằng năm, cứ đến ngày này, người dân khắp nơi lại nô nức về Phủ Dày trẩy hội. Bởi trong tâm niệm của mỗi người luôn ghi nhớ câu: "Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ" là câu nói được truyền đời từ nhiều năm nay, ý chỉ tính theo lịch âm, tháng 8 có lễ hội Đền Trần, tháng 3 có lễ hội Phủ Dày.
Bên cạnh việc thực hành tín ngưỡng, những sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, hội Hoa trượng góp phần làm phong phú không gian lễ hội, đưa Phủ Dày trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với du khách.
Do đó, mỗi dịp khai hội, du khách ở khắp nơi về đây trẩy hội Phủ Dày, tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh (người được suy tôn là Mẫu nghi thiên hạ).
Lễ hội Phủ Dày được tổ chức từ ngày 3 - 8 tháng 3 Âm lịch hằng năm.
Bên cạnh các lễ nghi theo tín ngưỡng thờ Mẫu, điểm đặc trưng của lễ hội là những hình thức sinh hoạt văn hóa, tâm linh phong phú như hội Hoa trượng, lễ rước thỉnh kinh, rước đuốc, đấu vật, đấu lân sư tử...
Hội Hoa trượng nghĩa là trò kéo chữ, trong lễ hội Phủ Dày được người dân đưa vào. Từ lâu, hội Hoa trượng đã trở thành một phần mở rộng của lễ hội Phủ Dày gắn liền với công lao của Vương phi Trần Thị Ngọc Đài (1577-1669), người thôn Thông Khê, tổng Đồng Đội, H.Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng nay là thôn Thông Khê, xã Cộng Hòa, H.Vụ Bản (Nam Định).
Tương truyền rằng, trong một lần chúa Trịnh huy động người dân về kinh thành đắp đê ngăn lũ, khi cùng Chúa đi giám sát việc đắp đê, Vương phi Trần Thị Ngọc Đài thấy những người dân nghèo khổ, bà đã xin chúa Trịnh miễn cho dân Thiên Bản không phải đi lao dịch đắp đê ở kinh thành. Nhớ lời bà dặn khi về qua Phủ Dày làm lễ tạ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người dân xếp cuốc xẻng thành chữ "Cung tạ", tạ ơn Mẫu đã che chở cho dân.
Từ đó, hội Hoa trượng đã trở thành một hoạt động tiêu biểu trong lễ hội Phủ Dày, được cộng đồng địa phương duy trì và phát triển đến ngày nay.
Đã có thời gian lễ hội Phủ Dày không được tổ chức, cho đến năm 1995 trở lại đây, lễ hội được mở lại, hội Hoa trượng được tổ chức vào ngày 7 Âm lịch tại phủ Vân Cát, ngày 8 Âm lịch tại phủ Tiên Hương (xã Kim Thái).
Để thực hiện hội Hoa trượng cần có hàng trăm người tham gia. Người tham dự hội Hoa trượng là những thanh niên khỏe mạnh đến từ các làng trong khu vực; tổng cờ (người chỉ huy xếp chữ) và lão trượng (người kiểm duyệt chữ) là những người được cộng đồng tín nhiệm, thường phải là người cao tuổi, thành tâm, am hiểu hội Hoa trượng, có sức khỏe, gia đình nền nếp.
Trong hội Hoa trượng, phu cờ mặc áo cánh vàng, quần trắng, thắt lưng vải đỏ thắt múi đầu rìu, đầu buộc khăn lụa, thả trễ một bên tai, xếp hàng đôi tiến vào sân rộng các phủ Vân Cát và Tiên Hương. Các hàng, còn gọi là dây, mỗi hàng khoảng từ 40 - 50 quân, do các tổng cờ chỉ huy. Khi xếp, trên tay phu cờ cầm một Hoa trượng. Hoa trượng là gậy tre dài chừng 4 m, một đầu có trang trí lông gà, thân gậy được trang trí nhiều khoang xanh, đỏ, vàng.
Sau khi làm lễ bái lạy, dưới sự chỉ huy của tổng cờ, các hàng phu cờ nhịp nhàng di chuyển vào các vị trí đã định, ngồi xuống, hạ gậy để tạo thành các nét chữ cần xếp. Tổng cờ trình với lão trượng đi xem và duyệt chữ. Lão trượng, mặc trang phục võ quan màu đỏ, tay cầm cờ, có lọng che, đi từ trên xuống dưới kiểm tra, duyệt các nét chữ. Khi đã duyệt các nét chữ xong, tổng cờ dẫn phu cờ đi theo chỉ dẫn, vòng qua giếng phủ rồi tụ hợp về sân diễn như lúc ban đầu. Cứ như thế, theo nhịp trống, các tổng cờ điều khiển các phu cờ xếp các chữ tiếp theo. Các chữ Hán thường xếp là Mẫu nghi thiên hạ, Quốc thái dân an, Thiên hạ thái bình. Khi đã xếp xong các chữ, phu hội chạy một vòng hồ, sau đó vào sân phủ lễ tạ.
Ngày nay, nghi lễ xin chữ tổ chức hội Hoa trượng được tổ chức đơn giản, không tiến hành tại chùa - phủ Thông do di tích không còn. Hơn nữa, các chữ được xếp hằng năm sẽ do ban tổ chức và thủ nhang cùng đại diện dân làng thống nhất, sau đó tổ chức làm lễ tại hai phủ Tiên Hương và Vân Cát. Người tham gia xếp chữ do các bản hội, đệ tử mong muốn được tham gia, phục vụ tiệc Mẫu đến thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Định, hội Hoa trượng mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn của người dân với những công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong ba vị Tam Tòa Thánh Mẫu, một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Bên cạnh đó, hội Hoa trượng còn thể hiện mong ước của người dân gửi gắm những ước vọng về sự che chở trong cuộc sống, phản ánh tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước sống hòa đồng, coi trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống.
Bình luận (0)