Độc đáo 'lán cách ly 0 đồng' chống dịch Covid-19 ở Sơn La

25/08/2021 15:44 GMT+7

Những ngày qua, hơn 130 “lán cách ly 0 đồng” bằng tre, nứa được dựng lên tại các thôn, bản của H.Mai Sơn ( Sơn La ), nhằm giảm tải và hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo Covid -19 trong các khu cách ly tập trung.

Trước thực trạng người dân từ các vùng dịch trở về địa phương quá đông trong thời gian gần đây dẫn đến quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy H.Mai Sơn, đã có sáng kiến triển khai mô hình “lán cách ly 0 đồng”.
Ông Cường cho biết: “Mai Sơn là huyện xuất hiện ca F0 đầu tiên tại Sơn La hồi giữa tháng 5 và đã được điều trị khỏi bệnh, không lây nhiễm ra bên ngoài. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 đến nay, có hơn 1.900 trên tổng số 5.213 công dân đi làm ăn xa đã trở về địa phương tránh dịch, nếu quản lý không tốt, rất có thể là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19”.
Rút kinh nghiệm từ H.Phù Yên, nơi phát hiện hơn 130 ca lây nhiễm trong khu cách ly tập trung, ông Cường đã giao Phòng Kinh tế, hạ tầng của huyện thiết kế mẫu. Thay vì ở 4 - 6 người/phòng khép kín trong khu cách ly, lán cách ly được đặt tại các khu đất rộng, không gian thoáng, gần gũi thiên thiên nhiên, cách xa nhà dân và có lực lượng giám sát. Mỗi người ở một lán có diện tích 8 - 10 m2, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như: đầy đủ điện, nước, nhà tắm, nhà vệ sinh.

Người dân địa phương đóng góp ngày công làm "lán cách ly 0 đồng"

Ảnh Thanh An

“Nhiều người dân muốn về quê tránh nhưng lại sợ đi cách ly tập trung bị lây nhiễm chéo. Nếu để dịch bệnh lây ra cộng đồng còn nguy hiểm hơn vì ở miền núi không thể có điều kiện y tế như các thành phố. Vì vậy, chúng tôi muốn giải tỏa tâm lý cho họ bằng cách đưa các lán cách ly về từng bản. Gần nhà, gần gũi thiên nhiên, thuận tiện hơn cho người nhà nấu cơm đưa đồ ăn tiếp tế và dễ quản lý hơn”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng H.Mai Sơn, khó khăn nhất khi triển khai mô hình này là lựa chọn địa điểm dựng lán và kinh phí xây dựng. Lán cách ly phải đảm bảo điều kiện rộng rãi, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu, nhưng vẫn phải an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, những khó khăn đều đã được hóa giải, người dân rất ủng hộ, người quyên góp vật liệu, tấm lợp, bạt quây, người góp ngày công. “Sở dĩ gọi là “lán cách ly 0 đồng” vì nguyên liệu dựng lán đều có sẵn tại địa phương như tre nứa, gỗ, lá cọ, lá dừa… Chi phí thi công hoàn toàn do người dân tự đóng góp với sự trợ giúp của lực lượng quân đội tại địa phương, đến nay mỗi bản đều đã xây dựng xong từ 2 - 3 lán mà không mất thêm khoản chi phí nào”.
Bắt đầu triển khai xây dựng từ 15.8 tại xã Phiêng Pằn, đến nay đã có 133 lán được xây dựng tại 18 xã có người dân từ các vùng dịch trở về. Cùng mục tiêu xây dựng gần 300 lán cách ly, H.Mai Sơn đã lên kế hoạch đưa ra phương án giám sát chi tiết. Theo đó, gia đình có người cách ly tự chuẩn bị chăn, đệm, bữa ăn hàng ngày cho người cách ly. Lực lượng chức năng, đoàn thể địa phương được huy động phân công giám sát, theo dõi chặt chẽ quá trình cách ly.
Ông Nguyễn Việt Cường cho hay: “Mô hình “lán cách ly 0 đồng” là giải pháp chủ động đối phó tình hình dịch bệnh bùng phát. Không chỉ giúp người dân có tâm lý thoải mái khi trở về địa phương, qua đó, chúng tôi mong muốn giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
Tỉnh Sơn La dự báo, số người dân đi làm ăn xa trở về địa phương sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với cách làm độc đáo, linh hoạt của H.Mai Sơn, tỉnh này dự kiến sẽ nhân rộng mô hình đến tất cả các huyện với mục tiêu mỗi thôn, bản đều có ít nhất một khu lán cách ly Covid-19 dự phòng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, tính đến sáng nay, 25.8, trên địa bàn đã có 166 ca mắc Covid-19. Riêng H.Phù Yên ghi nhận 165 ca, trong đó 142 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung, 23 ca phát tại cộng đồng có liên quan đến các F0 đã phát hiện tại cộng đồng trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.