Gò Công là nơi còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ nhất Tiền Giang. Trong đó, có 2 công trình độc đáo, tiêu biểu.
Nhà Đốc phủ Hải - Ảnh: Hoàng Phương |
Nhà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải
Tọa lạc tại số 49 Hai Bà Trưng (TX.Gò Công), trước năm 1999, nhà Đốc phủ Hải được trưng dụng làm Nhà truyền thống thị xã. Từ năm 2000 đến nay, ngôi nhà được trả lại tên cũ, do Trung tâm văn hóa - thể thao TX.Gò Công quản lý và công trình kiến trúc đã qua 3 lần tu sửa, nâng cấp.
Theo tư liệu lịch sử, vào giữa thập niên 1860, đây là ngôi nhà chữ đinh 3 gian, lợp lá, sau nâng cấp lợp ngói âm dương, là nơi bà Trần Thị Sanh (bà hầu của anh hùng Trương Định) sinh sống. Mấy năm sau, ông huyện Huỳnh Đình Ngươn cho tu sửa thành ngôi nhà rộng rãi, nguy nga hơn. Đến khoảng năm 1890, Đốc phủ Nguyễn Văn Hải cho xây thêm tiền sảnh, 2 nhà vuông hai bên phía sau và sắm sửa thêm nhiều đồ đạc. Những năm đầu thế kỷ 20, ngôi nhà được tu bổ thêm như xây tường, làm hàng rào sắt, xây lẫm lúa. Tổng thể ngôi nhà hiện tại gồm 3 phần: nhà chính, hai nhà vuông và lẫm lúa.
Nhìn từ bên ngoài, tiền sảnh đậm chất kiến trúc phương Tây, trên các đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn dây nho. Khi vào bên trong, người ta thấy rõ sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa Pháp - Việt. Các bộ liễn đối được khảm xà cừ óng ánh. Trên đố cửa, vòm cửa và các bao lam chạm khắc nhiều đề tài khác nhau như hoa, bướm, chim, chùm nho, con cáo, con dơi... Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài còn khá nguyên vẹn.
Hiện ngôi nhà còn lưu giữ nhiều đồ dùng quý hiếm như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Hoa và VN thế kỷ 18... Giường thất bảo khảm xà cừ chạm nổi hoa lá. Trong không gian Á Đông của ngôi nhà còn có khá nhiều vật dụng của phương Tây như những hộp đèn, chiếc tủ mang nhãn hiệu Pháp, đèn treo trần nhà kiểu châu Âu... Nhiều đồ gỗ trong nhà đều được sản xuất theo phong cách cổ điển Pháp được các nghệ nhân thời bấy giờ chạm nổi hoặc khảm xà cừ.
Nhờ sự pha trộn Đông - Tây trong lối kiến trúc độc đáo và sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt trong nội thất, nhà Đốc phủ Hải không những nổi tiếng ở Gò Công mà còn được nhiều nơi biết đến, thậm chí nhiều người nước ngoài đến tham quan và bày tỏ sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của ngôi nhà. Ít có nơi nào được nhiều nhà sản xuất phim và các đài truyền hình trong nước quan tâm, chọn bối cảnh để quay phim như nhà Đốc phủ Hải, nhất là những phim mô tả cuộc sống của người dân Nam bộ ở giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ông Đặng Văn Thương, phụ trách công tác bảo tồn truyền thống TX.Gò Công, cho biết hiện ngôi nhà cho HTV9 mượn bối cảnh làm phim Lời nguyền. Mỗi năm trung bình có 1 - 2 đoàn như thế, có phim thời gian quay kéo dài hơn một tháng.
Dinh tỉnh trưởng Gò Công
Được xây dựng vào năm 1885, dinh Tham biện, sau là dinh Tỉnh trưởng Gò Công (tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Côn, TX.Gò Công), là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên tại Nam Kỳ lục tỉnh khi thực dân Pháp đặt nền móng đô hộ. Công trình đồ sộ này có quy mô một trệt, một lầu với diện tích sử dụng 1.400 m2, nằm trong khuôn viên rất rộng, cảnh quan nên thơ.
Dinh Tỉnh trưởng Gò Công - Ảnh: Hoàng Phương
|
Bà Nguyễn Công Minh, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TX.Gò Công, cho biết sau năm 1975, dinh Tỉnh trưởng Gò Công từng là trụ sở của rất nhiều cơ quan, gần đây được giao lại cho trung tâm quản lý. Từ năm 2006 đến 2011, di tích này còn được chính quyền ký hợp đồng cho Công ty TNHH Yến Gò Công thuê để làm nơi nuôi yến. Bị dư luận, báo chí phản ứng gay gắt nên sau đó hợp đồng được thanh lý. Nhưng chim yến vẫn theo tập quán bay về, vì vậy phải bịt kín các ô cửa lại. Bây giờ chim yến không còn nhưng ngôi nhà lại trở thành nơi trú ngụ của loài dơi, cũng ô nhiễm không kém.
Hiện nay toàn bộ ngôi nhà đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trên các bức tường đã xuất hiện nhiều chỗ bong tróc và những vết nứt. Hệ thống cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ đều có dấu hiệu hư, mục. Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho việc trùng tu, bảo tồn các công trình cổ của địa phương rất khiêm tốn.
Mới đây, Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang đã cho lập dự án sửa chữa, trùng tu lại di tích này với kinh phí dự kiến khoảng hơn 20 tỉ đồng, nhưng dự án hiện vẫn còn nằm trên giấy. Vào năm 1985, Pháp đã có văn bản gửi cho chính quyền Gò Công, thông báo công trình này đã hết hạn sử dụng, vì đã được xây trước đó 100 năm.
Bình luận (0)