Bên cạnh các loại phở bò, phở gà đã quá quen thuộc với dân miền Tây, quán Làng Báo (đường Trần Văn Hoài, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vừa có thêm món mới: phở cá.
>> Thưởng thức phở chua Lạng Sơn ở Sài Gòn
>> Phở ngon của Sài Gòn
|
Chủ quán là người miền ngoài, vào Cần Thơ sinh sống đã lâu. Anh tâm sự ngày còn nhỏ, mỗi chiều đi chăn trâu về đến đầu làng, thích nhất là đi ngang qua quán phở cá. Bụng thì đói mà mùi thơm ngào ngạt từ quán phở bay ra làm người cứ run lên. Tiền không có nên chỉ hít hơi thôi, rồi lại phải lùa trâu về nhà. Bây giờ có điều kiện mở quán ăn uống, anh muốn đem bằng được món đặc sản này vào miền Tây.
Phở cá không giống như các món phở khác, từ cách nấu cho đến mùi vị. Điểm nhấn của món này nằm ở phần thịt cá. Cá lóc luộc qua, gỡ lấy thịt, tách thành từng miếng nhỏ cỡ ngón tay, đem chiên vàng hai mặt. Đầu bếp quậy hỗn hợp gồm nước mắm, muối, đường, bột ngọt, một ít ngũ vị hương rồi cho cá vào ướp và chừng nửa giờ sau đem nấu liu riu trên bếp. Khi thấy gia vị thấm đều, phần thịt cá khô lại là được. Phần đầu và xương cá còn lại, cộng với xương ống để nấu nước dùng. Rau ăn với phở cá không thể thiếu thì là, một loại rau có mùi vị đặc trưng của miền Bắc, giúp khử mùi tanh của cá. Ngoài ra, phở cá còn có rau nhút, húng lủi, gốc hành…
Tô phở cá bốc khói vừa được bưng ra đã thấy hấp dẫn. Sợi phở ăn dai dai, nước trong, có vị ngọt tự nhiên và không quá béo. Thực khách gắp miếng cá chấm vào chén nước mắm nguyên chất có để vài lát ớt rồi cho vào miệng nhai chậm. Thịt cá dẻ, thấm gia vị và thơm mùi ngũ vị hương cứ tan dần trong thực quản. Các loại rau ăn kèm đều có vị riêng nhưng hòa quyện với nhau, góp phần làm tăng hương vị cho tô phở cá.
Từ xưa tới nay, người dân sông nước miền Tây vốn cởi mở, sẵn sàng đón chào các món ngon, lạ từ nhiều vùng miền trên cả nước. Thêm phở cá, danh sách các món ăn ở TP. Cần Thơ lại càng phong phú hơn.
Hương Giang
Bình luận (0)