TNO

Độc đáo quán cà phê làm từ hơn 100 khung cửa ở Sài Gòn

05/08/2014 07:35 GMT+7

Ở cà phê Kujuz, muốn vào, bạn phải gọi cửa vì cánh cổng luôn đóng im ỉm. Không một bản nhạc nào được phát ra, không có lấy một người phục vụ.

Ở cà phê Kujuz, muốn vào, bạn phải gọi cửa vì cánh cổng luôn đóng im ỉm. Không một bản nhạc nào được phát ra, không có lấy một người phục vụ. Ở Kujuz, khách phải tự pha cà phê, thậm chí tự rửa ly (nếu thích).

>> Khám phá quán cà phê trên cây độc đáo nhất Sài Gòn
>> Ngắm quán cafe... không tường tuyệt đẹp của Võ Trọng Nghĩa

 Độc đáo quán cà phê tự làm từ hơn 100 khung cửa ở Sài Gòn 1

Trông Kujuz (số 5 Trần Quý Khoách, Q1) không giống một quán cà phê cho lắm. Nó giống như một ngôi nhà hơn. Nhưng hẳn chủ nhân của nó là một người rất có “gu” để dựng nên một ngôi nhà vừa cho cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát vừa ấm áp, trầm mặc. Một ngôi nhà vừa xưa cũ, cổ kính nhưng rõ ràng là rất hiện đại, mới mẻ. Và ý niệm cho sự ra đời của "ngôi nhà - quán cà phê" ấy cũng rất lạ, dẫu nó đáp ứng một trong những nhu cầu cơ bản nhất, xưa cổ nhất của con người: cần một nơi thật yên ắng để suy nghĩ, để bình tâm trước một cuộc sống không bao giờ thiếu những xáo trộn.

Tất nhiên, người ta đến quán cà phê không chỉ để suy gẫm. Nếu như khách không đến Kujuz để đọc sách, để tập trung làm việc hay để miên man với những ý nghĩ thì cà phê vẫn là nơi gợi mở cõi lòng để đáp ứng một nhu cầu khác, cũng cơ bản nhất, cổ xưa nhất của con người: được chia sẻ và được lắng nghe. Chỉ có khác một chút là mọi chia sẻ ở đây đều ở mức độ… rù rì, mọi người tự giác tôn trọng nhau, giữ sự yên ắng cho nhau. Một nhóm bạn muốn bàn tán xôn xao, muốn “tám” rộn rã tự khắc đã không thích Kujuz. Một cặp đôi muốn tranh luận với “volume” từ trung bình trở lên sẽ tự khắc thấy mình “chõi” mà hạ giọng hoặc rút lui vô điều kiện.

“Một không gian gợi mở để khuyến khích người ta nói ra những điều chất chứa trong lòng vẫn là điều rất quan trọng của một quán cà phê”, chủ nhân của Kujuz - anh Đặng Thiên Chương chia sẻ. Anh nói tiếp: “Có những quán cà phê rất sang, rất đẹp, làm người vô cũng thấy mình sang ra. Còn Kujuz muốn khách bước vô thấy lòng mình chùng xuống, thấy lay động cảm xúc và thấy muốn kể”. Và những khung cửa sổ chính là công cụ mà anh Chương sử dụng để khởi đầu câu chuyện. “Thuở nhỏ, tôi rất thích nhìn vào những khung cửa sổ. Đằng sau mỗi khung cửa hẳn là có rất nhiều câu chuyện…”

Vậy là suốt 4 tháng trời, anh Chương lê la khắp các khu nội thất cũ, rinh về cơ man nào là những khung cửa cũ bằng gỗ. Chương tìm cho bằng được những khung cửa đẹp và có màu sắc hợp với bảng màu mà anh đã thiết kế sẵn, bởi sẽ không có một khung cửa nào được sơn lại. Cũng giống như thiết kế chung của Kujuz, anh muốn giữ nguyên vẹn màu của thời gian trên tất cả những khung cửa cũ. “Sự xưa cũ dễ dàng dẫn dắt con người ta vào một cảm xúc và thấy muốn kể…”, Chương chia sẻ. Vậy là trên dưới 100 ô cửa lớn bé đã được lắp vào ngôi nhà 2 tầng có tổng diện tích sử dụng chỉ tròm trèm 80 mét vuông ấy. Và giữa những khung cửa đương nhiên là kính. Cơ man nào là kính! “Tôi muốn bức tường ở Kujuz chỉ có tính ước lệ thôi, để người bên ngoài có thể nhìn qua những khung cửa kính mà thấy bên trong, thấy mình muốn kể, còn người ở trong có thể ngắm chim chóc, mây trời… bên ngoài”, Chương kể.

Âm thanh lớn nhất tại Kujuz là tiếng leng keng phát ra từ một cái chuông be bé sau cánh cổng luôn đóng im ỉm. Khách muốn vào Kujuz phải thò tay qua ô trống nhỏ xíu trên cánh cổng to đùng để rung chuông. Ngoài ra, Kujuz không hề mở nhạc, dẫu là tiếng nhạc nền im dịu nhất. Ông chủ 7x giải thích cho triết lý của mình: “Thành phố này có quá nhiều tiếng động. Ngay cả khi về nhà, nhiều người cũng đã có thói quen bật tivi ngay. Chúng ta quen sống giữa những tiếng động mà đôi khi quên mất rằng mình cần được yên tĩnh”. Vậy là anh quyết tâm tạo ra một không gian thật nhẹ nhàng, yên lành ngay giữa quận 1 của thành phố sôi động nhất Việt Nam.

Đã không có nhạc, Kujuz còn không có người phục vụ nốt, chỉ có một người trông coi chung duy nhất. Khách đến đây phải tự tay vào bếp mà chọn nguyên liệu, pha chế thức uống. Gọi “vào bếp” là theo thói quen chứ bếp ở Kujuz được đặt ở vị trí trung tâm nhất, nơi đặt vài cái chạn đã đầy bụi thời gian, nơi có thanh gỗ treo ly cũ kỹ mà chủ nhân đem về nhân một chuyến lê la ở khu chợ cũ tại Pháp, nơi phía trên là bóng đèn trang trí (tất nhiên cũng cũ nốt) dùng cho phòng khách (nhưng đã được gỡ bỏ hết những chi tiết trang trí rườm rà)… Kujuz muốn bếp là nơi đẹp nhất, trung tâm nhất để khuyến khích mọi người tự vào bếp, tự tay pha cho mình một ly sô cô la ngon hay một tách trà thơm – đó cũng là một cách để giảm stress hiệu quả - anh Chương nói. Còn tự chọn nguyên liệu, biết đang chọn đưa vào cơ thể thứ gì là cách mà anh Chương cho là cổ vũ mọi người tự chăm chút cơ thể mình.

Đã nói đến quán cà phê không thể nào không nói đến thức uống. Phải dùng từ “cực kỳ nghèo nàn” khi nói về danh sách đồ uống ở Kujuz (mà thực ra cũng chẳng có danh sách nào ở đây): chỉ có cà phê, trà, sô cô la, sữa và chanh. Chỉ có điều ông chủ kỹ tính cố gắng chọn những nguyên liệu mà theo anh là tự nhiên nhất, nguyên chất nhất và nhờ thế mà rất ngon.

Còn giá cả? Ông chủ quán tự thừa nhận: “Nếu như khách vào Kujuz chỉ để 'Cho một cà phê đá' rồi phải trả 50.000 thì quả là cái giá quá đắt, ngay cả ở những quán cà phê hạng sang.” Nhưng cũng theo anh Chương, đó là giá rẻ cho một người đang muốn tìm một không gian yên lặng để đọc sách, viết lách hay đơn giản là tìm một khoảng lặng cho tâm hồn. 50.000 là giá cho khoảng thời gian 3 giờ và chỉ dùng 1 loại thức uống, còn nếu khách muốn ở bao lâu tùy thích, uống bao nhiêu tùy thích hoặc đi ra ngoài, sau đó quay lại trong ngày thì chỉ phải trả 100.000 đồng.

Hẳn bạn sẽ thắc mắc cái quán cà phê suốt ngày đóng cửa im ỉm và sẽ không mở sau 8 giờ tối ấy đón bao nhiêu khách một ngày. Trung bình trên dưới 20 người, ngày đông nhất cũng chỉ 30, 40 khách là câu trả lời của ông chủ quán. Anh tự tin: “Nếu muốn tôi đã có thể tăng con số đó lên nhưng như thế sẽ đi ngược lại với mục tiêu ngay từ đầu: mai mối sự giao tế trong yên lặng.

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 2
Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào
ngôi nhà be bé mang tên Kujuz

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 3
Gian bếp được đặt ở vị trí trung tâm nhất, nơi bạn có thể thoải mái sáng tạo

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 4

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 5

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 6
Nhiều vật dụng ở đây rất xinh xắn và được chăm chút tỉ mỉ

Độc đáo quán cà phê tự làm từ hơn 100 khung cửa ở Sài Gòn 17
Nhìn từ khoảng thông tầng

Độc đáo quán cà phê tự làm từ hơn 100 khung cửa ở Sài Gòn 18
Chỗ ngồi thi vị trên tầng 2

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 6

Độc đáo quán cà phê tự làm từ hơn 100 khung cửa ở Sài Gòn 19
Mọi khung cửa đều nhuốm màu thời gian…

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 7
Cả rào gỗ cũng là nơi thời gian đi qua…

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 8
Nhưng cầu thang sắt với màu vàng chói như thầm nói
bạn không phải chìm vào sự hoài cổ ủ ê mà bạn luôn tỉnh táo
biết rằng, những thứ đẹp đẽ theo thời gian là kỷ niệm,
nhưng bạn phải sống trong thời gian của bạn, trong hiện tại của bạn.

Ảnh 1: Khoảng 100 khung cửa, đa số lắp kính đã được “dán” vào ngôi nhà be bé mang tên Kujuz 10
Những ô cửa mở ra mà nhìn được mây có thể xoa dịu một nỗi buồn, lại có thể nâng tầm những niềm vui...

Độc đáo quán cà phê tự làm từ hơn 100 khung cửa ở Sài Gòn 15
Với cánh cổng sậm màu luôn đóng im ỉm, Kujuz trông không giống một quán cà phê cho lắm

Độc đáo quán cà phê tự làm từ hơn 100 khung cửa ở Sài Gòn 16
Đây có lẽ là nơi phát ra tiếng động lớn nhất ở Kujuz

CÀ PHÊ KUJUZ
5 Trần Quý Khoách, P.Tân Định, Q1, TP.HCM
ĐT: 090 387 33 10

 

Kiều Oanh
Ảnh: Giang Vũ/QCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.