Theo CNN, các ki-ốt này được biết đến với cái tên "Trung tâm Shikiri", có thể di chuyển và được cấp năng lượng từ nhiều tấm pin mặt trời 100 watt. Nó sạc đến 30 chiếc điện thoại cùng một lúc và có thể phục vụ như các điểm truy cập wifi.
Người dùng ki-ốt trả 5 cent để sạc đầy điện thoại và trả 3 cent để dùng 10 phút wifi. Đây là sản phẩm của hãng African Renewable Energy Distributor (ARED). Người dùng cũng có thể mua thời gian có sóng điện thoại và đăng ký StarTimes, mạng truyền hình phổ biến trong khu vực.
Các ki-ốt của ARED đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân Rwanda giữ kết nối với nhau, đặc biệt là ở những vùng mà điện thoại di động là phổ biến nhưng chuyện sạc pin thì không dễ chút nào. Năm 2017, cứ mỗi 100 người Rwanda thì có 72 thuê bao di động, song chỉ 34% dân số nước này có điện để dùng, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB).
Henri Nyakarundi, doanh nhân sinh ra ở Rwanda, lớn lên tại Burundi và sau này chuyển đến Mỹ sinh sống, cho biết nhu cầu trạm sạc là rất rõ ràng với ông mỗi khi ông về thăm quê. Nhìn thấy cơ hội khởi động doanh nghiệp và mở thêm việc làm cho người dân, Nyakarundi trở lại Rwanda vào năm 2013 để thành lập ARED.
|
ARED cho nhiều đại lý thuê các trạm sạc thông qua mô hình nhượng quyền, thu trung bình 1% hoa hồng trên doanh số của đại lý. Quảng cáo được hiển thị bên cạnh các ki-ốt cũng là nguồn thu cho ARED. Hiện tại, hãng vận hành 68 ki-ốt ở Rwanda, tăng mạnh từ mức 23 ki-ốt hồi năm 2017. Những ki-ốt trên phục vụ 200.000 khách hàng, xử lý gần 500.000 giao dịch kỹ thuật số trong sáu năm.
Tại các vùng nông thôn Rwanda, nhiều người phụ thuộc vào điện thoại di động để thanh toán và liên lạc. "Kết nối tăng mạnh trên khắp châu Phi. Đây là không gian mà chúng tôi muốn tham gia", ông Nyakarundi chia sẻ.
Cách đây hai năm, ARED mở rộng sang Uganda với vốn tài trợ từ nhà đầu tư Mỹ Gray Matters Capital. Hiện hãng có 10 ki-ốt tại Uganda. ARED cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Tài trợ Sáng kiến Truy cập Giá rẻ và huy động gần 275.000 USD từ một trang web gây quỹ cộng đồng của Đức vào năm 2018.
Dù là doanh nghiệp vì lợi nhuận, ARED kỳ vọng sẽ để lại tác động tốt lên xã hội. Các ki-ốt có thể gập lại và được đặt trên bánh xe. Vì thế, phụ nữ và người khuyết tật có thể trở thành đại lý. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cung cấp nội dung giáo dục và sức khỏe từ dịch vụ của chính phủ thông qua một ứng dụng ngoại tuyến, người dùng không phải truy cập wifi để tiếp cận nội dung.
Hiện các ki-ốt còn có mặt tại nhiều tổ chức từ thiện và trại tị nạn ở Uganda. "Những người này thường phải đi bộ hàng dặm để sạc điện thoại, sau đó đi thêm hàng dặm để có sóng", ông Nyakarundi nói. Mục tiêu cuối cùng của ARED là cung cấp cho người dùng ki-ốt 30 phút wifi miễn phí. Để đạt được điều này, Nyakarundi cho hay mình sẽ cho phép ứng dụng của bên thứ ba được giới thiệu, quảng cáo trên mạng lưới để có thêm doanh thu.
Bình luận (0)