Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam vừa liên kết NXB Trẻ xuất bản ấn phẩm Võ cổ truyền Việt Nam, một tác phẩm võ học hết sức đặc sắc. Có thể nói đây là một pho “toàn thư” về môn võ cổ truyền dân tộc, từ lịch sử đến lý luận và hệ thống 18 bài võ thống nhất.
Ngồi mở quyển sách còn thơm mùi giấy mới, võ sư Lê Kim Hòa như mân mê từng trang chữ, khuôn mặt ngời lên hạnh phúc. Là đồng tác giả, với vai trò chủ biên, ông dường như biết rõ ngọn ngành những bước đi thăng trầm của võ cổ truyền dân tộc qua từng cột mốc thời gian. Ông bồi hồi nhớ lại: “Hơn hai mươi năm trôi qua tưởng chừng như mới ngày nào. Võ cổ truyền từ những bước đi chập chững ban đầu, bây giờ đã có những bước tiến vượt bậc. Biết bao công sức và tâm huyết của các vị võ sư nhiều thế hệ đã đóng góp, vun bồi nên hào khí thượng võ. Nhiều người đã ra đi nhưng tên tuổi của họ vẫn còn gắn liền với bao huyền thoại võ lâm. Đó là các lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh, Mai Văn Phát, Phạm Đình Trọng, Phạm Cô Gia, Trần Tiến, Ngô Bông…”.
|
Từ nhiều nguồn cứ liệu có thể khẳng định võ cổ truyền có bề dày theo suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thế nhưng những biến động lịch sử đã có lúc làm cho võ cổ truyền bị mất mát, thất truyền và tản mác trong dân gian. Nhiều dòng võ, võ phái đã hình thành tự phát, không có tiếng nói chung. Đến lúc cần nhận diện bản sắc võ cổ truyền là gì, thật khó tìm ra một lời giải đáp trọn vẹn. Đề cập đến giai đoạn khó khăn này, sách Võ cổ truyền Việt Nam viết: “Đến năm 1987 các môn võ mới được phép hoạt động chính thức. Các ban chuyên môn ra đời nhằm bước đầu ổn định, xây dựng chương trình và tổ chức các cuộc hội diễn thi tài cống hiến cho quần chúng những nét hay nét đẹp. Có lẽ chưa bao giờ tâm tư giới võ rộng mở như vậy và phần đông mong muốn có được hệ thống huấn luyện thống nhất, nhằm xây dựng được một nền võ thuật, võ học đúng tầm”.
Bấy giờ TP.HCM là một trung tâm võ thuật lớn, với hơn 50 võ phái đăng ký hoạt động. Ý tưởng tìm kiếm, tuyển chọn một số bài bản chung để quy tụ các võ phái bắt đầu từ đây. Khi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ra đời 1991 cũng là lúc mọi sự chuẩn bị đã chín mùi. Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại TP.HCM tháng 4.1993 đã tập hợp 23 đoàn đại biểu với sự có mặt hơn 50 võ sư, chuẩn võ sư. Dưới sự chủ trì của TS Đoàn Thao, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, một bầu không khí làm việc, thảo luận sôi nổi, mổ xẻ đến nơi đến chốn những vấn đề còn gút mắc. Qua 8 ngày luận võ, đường đi nước bước như vỡ vạc dần ra, quần hùng càng xích gần nhau lại. Có nhiều bài võ được đem ra giới thiệu, một hội đồng các võ sư đã xem xét, bình chọn. Các bài Hùng kê quyền, Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao, Thái sơn côn được chọn đưa vào chương trình thống nhất.
|
Không khí hồ hởi, xúc động lòng người đến độ có võ sư khi lên phát biểu đã bật khóc. PGS- TS Mai Văn Muôn khi ấy đã nhận định: “Kể từ thời Quang Trung dựng cờ khởi nghĩa, trải qua mấy trăm năm võ cổ truyền mới có được một khí thế hào hùng như vậy”. Một trong những chứng nhân của ngày ấy, võ sư Trần Xuân Mẫn viết trong hồi ký: “Đó là cái ngày vô cùng hạnh phúc khó tìm thấy lại một lần nữa trong quãng đời võ nghiệp của mỗi chúng ta”. Từ hội nghị này, nền móng ban đầu cho việc chấn hưng nền võ học nước nhà đã được xác lập. Con đường đã rộng mở, các địa phương cả nước tổ chức sưu tầm nhiều bài võ hay còn lưu truyền trong các dòng võ gửi về Liên đoàn tham gia tuyển chọn trong các kỳ hội nghị. Một khối lượng đồ sộ nhiều bài võ hay, lạ, được truyền bá lâu đời cho thấy nền võ học cổ truyền vô cùng phong phú, đa dạng. Ở các kỳ hội nghị chuyên môn võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ hai và lần ba, chọn ra các bài Lão mai quyền, Siêu xung thiên, Ngọc trản quyền, Bát quái côn.
Để các bài quyền từ nhiều nguồn khác nhau hợp thành một hệ thống, cần có một nền móng căn bản. “Trong giai đoạn khôi phục, phát triển võ cổ truyền Việt Nam hiện nay, việc hệ thống hóa phần căn bản công trở thành quy định bắt buộc. Thống nhất được phần căn bản công chính là tiêu chuẩn hóa cách diễn đạt, cách ghi chép, cách truyền bá và đáp ứng được công tác biên soạn giáo trình. Và lại càng trở nên cấp thiết trong thời kỳ hội nhập, tranh tài với các môn võ khác trên thế giới” (Trích Võ cổ truyền Việt Nam). Có nhiều kỹ thuật đặc trưng chỉ có ở võ cổ truyền như 5 bộ ngựa: ngựa chiếc, ngựa biên, ngựa ba chân hổ… Bộ bông pháp với các kỹ thuật múa tay liên hoàn: bông mở, bông khép, bông chuyền, bông hoa sen…
Nét độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam là các bài võ luôn có bài thiệu. Thiệu là bài văn vần mô tả, mã hóa các động tác liên hoàn biến hóa trong một cuộc đấu với đối thủ vô hình. Đúng như ông cha ta từng nói “trong võ có văn”. Lâu ngày, lời thiệu cũng có sai lạc. Các nhà nghiên cứu Hán-Nôm như hòa thượng Thích Như Hiệp được mời tham gia hội nghị để biên tập, hiệu chỉnh câu thiệu đúng với động tác. Nhà nghiên cứu đông y và triết học cổ phương Đông Lê Văn Sửu đã trình bày khái quát những vấn đề cơ bản của thuyết âm dương, ngũ hành trong võ học cổ truyền.
Đến tháng 4.2011, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tổ chức 13 kỳ hội nghị chuyên môn, tuyển chọn, hệ thống 18 bài võ quy định, tiến hành phân thế 10 bài, cùng soạn thảo các bài thi đối luyện thống nhất. Hình hài của võ cổ truyền dân tộc đã khá hoàn chỉnh để tiến tới xây dựng một nền quốc võ trong tương lai.
Cao Thụ
Kỳ 2: Truyền thống thượng võ
Bình luận (0)