Vượt sông Cổ Chiên bằng phà Đình Khao hoặc phà An Bình đến cù lao Minh (H.Long Hồ, Vĩnh Long), người dân và du khách có thể đến tham quan vườn nho kẹo của ông Ngô Quốc Huy (46 tuổi), tọa lạc ấp Hòa Lợi, xã Hòa Ninh, H.Long Hồ.
Để đến được vườn nho kẹo này, du khách có thể di chuyển bằng xe máy hoặc tàu khách du lịch. Người dân ở đây thân thiện và hiếu khách, sẵn sàng chỉ đường cho mọi người đến tận nơi. Sau khoảng 15 phút di chuyển bằng xe máy và hỏi đường, PV Thanh Niên đã tìm đến được vườn nho kẹo của ông Huy.
Tiếp đón khách bằng nụ cười rất tươi và mời thưởng thức nho kẹo ngay khi bước vào cửa, ông Huy cho biết: "Vườn này mới khai trương ngày 1.6, mọi người cứ đến tham quan, chụp ảnh, check-in tự do hoàn toàn miễn phí. Mọi người có thể tự hái nho đã chín ăn thử, nếu hái mang về sẽ được cân tính tiền với giá 180.000 đồng/kg".
Ông Huy là thạc sĩ kinh tế, từng là giảng viên khoa Ngữ văn, Ngoại ngữ Trường Đại học Cửu Long, sau đó chuyển sang làm quản lý ở một số ngân hàng và hiện tại là tư vấn về lĩnh vực dầu khí. Sau khi người cha của ông Huy mất, ông về canh tác, tái cơ cấu lại mảnh vườn rộng 6.000m2 của cha để lưu giữ những kỷ niệm đẹp...
"Trước đây, khu vườn này trồng nhiều loại cây ăn trái nhưng không có năng suất vì lớp đất mặt chỉ 7 - 8 tấc, không đủ độ sâu cho cây ăn trái lâu năm phát triển. Sau đó tôi đã chọn giống nho kẹo ở Ninh Thuận về trồng thử nghiệm. Sau một năm chăm sóc, cây cho trái gần đạt yêu cầu. Cây nho ở đây hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thiên địch bảo vệ và bao trái nên trái nho hoàn toàn sạch", ông Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, thổ nhưỡng ở vùng đất này rất phù hợp với loại nho kẹo và hoàn toàn trồng theo chuẩn hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo trái nho an toàn tuyệt đối và có độ ngọt vượt hơn so với nho kẹo bản xứ.
Do nho không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên phải bao trái để tránh sâu hại
NAM LONG
"Hiện tại, có khoảng 2.000m2 nho đang cho trái sau một năm trồng. Tôi đang trồng tiếp 4.000m2 còn lại. Do vừa nghiên cứu vừa thực hiện nên vốn đầu tư ban đầu vào vườn nho khá cao, khoảng 200 triệu đồng/1.000m2. Tuy nhiên, hướng của tôi không phải là trồng nho mà là sản xuất sản phẩm từ trái nho. Cuối năm nay, tôi sẽ đi nước ngoài học cách chế biến để về thực hiện cho vườn nhà. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình cho người dân địa phương để tái cơ cấu loại cây mới thay cho các vườn cây già cỗi, kém năng suất và kết hợp làm du lịch...", ông Huy kỳ vọng.
Nhận thấy cây nho kẹo phù hợp thổ nhưỡng và sinh trưởng tốt, ông Huy đã trồng thêm 4.000m2 vườn của gia đình
NAM LONG
Có mặt ở vườn nho kẹo, anh Trương Hồng Phúc (40 tuổi, ngụ P.3, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) cho biết, ngày cuối tuần anh cùng một số người bạn đến thăm vườn nho bằng tàu du lịch, khá bất ngờ bởi trước giờ cù lao Minh chỉ nổi tiếng với cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, nhãn... chứ không nghĩ có vườn nho rộng đến vậy. "Tôi biết vườn nho qua bạn bè giới thiệu, đẹp hơn tưởng tượng nhiều, trái ngọt, tôi sẽ quay lại lần nữa khi vườn nho này rợp trái hơn", anh Phúc nói.
Nhiều du khách thích thú check in, chụp ảnh với vườn nho kẹo
NAM LONG
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Thành Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Ninh (H.Long Hồ), cho biết đây là mô hình mới của địa phương. Thời gian tới, UBND xã sẽ báo cáo về Phòng NN-PTNT đến khảo sát, tìm hiểu khả năng áp dụng của mô hình này và xem xét nhân rộng cho các vườn cây kém hiệu quả và các khu du lịch ở địa phương.
Bình luận (0)