Dọc đường Euro 2016: Chơi hết mình nhưng không đánh nhau!

15/06/2016 08:28 GMT+7

Đội tuyển Nga có thể bị loại khỏi Euro 2016 sau màn quậy phá của hooligan trên khán đài sân Velodrome. Đội tuyển Anh bị cảnh cáo. Những cổ động viên chân chính đánh giá chuyện này như thế nào?

Buổi đêm sau trận đấu ở Toulouse, tôi cùng những người Tây Ban Nha (TBN) uống bia trên bãi cỏ khu nhà trọ Premier Classe. Nơi đây là một vùng ngoại ô Toulouse, rất xa chốn náo nhiệt dưới trung tâm. Nhưng thanh âm của cuộc đấu buổi chiều, khi TBN thắng đối thủ CH Czech 1-0, vẫn còn vây lấy tôi.
Người TBN rất ồn ào. Trong các giải bóng đá, đi đâu gặp họ là biết liền. Họ nhậu rất ác liệt, nhưng ít bày trò đánh nhau, theo những gì mà tôi chứng kiến qua nhiều giải đấu. “Ở TBN cũng có hooligan chứ?”, tôi hỏi. Eutimio, một gã trung niên đã hơn mười năm đi theo đội tuyển tại các kỳ Euro và World Cup, đáp: “Có chứ. Cổ động viên (CĐV) vẫn đánh nhau trong các trận đấu La Liga. Nhưng họ không phải là người yêu bóng đá”. Eutimio kể anh nghỉ việc ở Madrid một tháng trời, cùng hai người bạn theo chân đội tuyển trong suốt giải năm nay. “Ngày mai chúng tôi sẽ đi tàu lên Saint-Martin-de-Ré để xem đội tuyển tập”, Eutimio tiết lộ.
Khoảng 2 giờ sáng, tôi xin phép về ngủ trước để sau đó còn bắt tàu đi Paris. Những người bạn chợt gặp khi ở chung phòng trọ cụng ly, hẹn tái ngộ nơi sân Stade de France trong ngày đấu cuối. Tôi chúc cho đội tuyển của họ thi đấu thành công, và đùa thêm: “Có thua cũng đừng đánh nhau nhé”. Eutimio cười to và đáp: “Tất nhiên rồi. Quậy hết mình nhưng sẽ không đánh nhau”.
Thú thực là cho tới lúc bấy giờ, khi đã trải qua một buổi chiều Toulouse cực kỳ vui nhộn nhưng bình yên, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những cuộc ẩu đả nơi thành phố biển Marseille. Người Anh và người Nga hùng hổ lao vào nhau, gây nên một mảng tối của Euro 2016. Chuyện này nghiêm trọng tới mức UEFA đã họp khẩn và đưa ra mức phạt chế tài đối với Liên đoàn Bóng đá Nga cũng như áp dụng án treo đối với đội tuyển này. Liên đoàn Bóng đá Anh cũng nhận được cảnh cáo ở mức độ nhẹ hơn.
Cuộc tấn công của hooligan Nga nhằm vào người Anh trên khán đài ở cuối trận đấu tại sân Velodrome cùng với các cuộc loạn đả của người Anh, người Nga và có cả người Pháp ở Marseille nữa đã để lại trong mắt các CĐV chân chính một ấn tượng rất xấu.
“Họ không phải là CĐV. Đó là những kẻ phá hoại bóng đá. Chúng tôi cũng đến Pháp, cũng cổ vũ bóng đá hết mình, cũng nhậu nhẹt ra trò, nhưng chúng tôi không đánh nhau”, Renato, một chàng trai trẻ người TBN đến từ Albacete, chia sẻ. Buổi trưa trước trận TBN - CH Czech ở Toulouse, Renato cùng nhóm bạn đã quậy tôi một trận ra trò khi tôi đang làm chương trình truyền hình trực tuyến trên Facebook. Mấy anh chàng cứ bắt tôi phải hát Yo soy Espanol (Tôi là người TBN) và đè tôi ra để phết lá cờ TBN lên má. Quậy phá tưng bừng nhưng mà vui hết cỡ, chẳng có hơi hám gì của bạo lực.
Ở giữa những con người như thế, tôi thấy bóng đá thật vui, thật chan hòa và rất bình yên. Renato cho biết anh và các bạn không hề sợ hooligan, vẫn cảm thấy an toàn ở đây. “Nhưng em gái tôi ở nhà thì rất lo. Cô bé lên Facebook đọc, thấy CĐV đánh nhau loạn xạ, lại lo cho tôi”, Renato cười. Tôi vặn: “Nhưng nếu đội tuyển TBN thua, có khi các anh lại buồn, lại nhậu nhẹt rồi sửng cồ với nhau”. “Buồn chứ, nhưng nói cho cùng thì bóng đá chỉ là một trò chơi. Các giải trước chúng tôi thắng thì phải có ai đó thua chứ. Khi thắng thì vui hết cỡ, khi thua thì buồn nhưng vẫn phải giữ mình”, Renato lẩm bẩm.
Không chỉ những người TBN ồn ào này, cả những chàng “trẻ trâu” người Anh mà tôi gặp ở Marseille hôm trước cũng tỏ ra rất phiền lòng về hooligan. Sau khi tôi phỏng vấn anh chàng George Boswell, một chàng trai trẻ tên James Croak cứ nằng nặc đòi tôi gửi lại hình và video cuộc phỏng vấn đó. “Để lưu giữ kỷ niệm đẹp ở Marseille. Có một số người quậy phá, đánh nhau, xả rác, nhưng họ không đại diện cho số đông CĐV Anh đến đây để xem bóng”, Croak viết trong tin nhắn gửi qua Facebook cho tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.