Đọc ‘Hoàng triều sử ký’, đi qua dặm dài 400 năm sử Việt

03/04/2021 09:00 GMT+7

Hoàng triều sử ký , một tác phẩm có thể xem là lược sử nước nhà có giá trị cao về mặt tư liệu và tư tưởng, là nơi để Dương Lâm bày tỏ trong đó cả hiểu biết, mong mỏi và lòng yêu nước của mình.

Dương Lâm (1851-1920), có tên hiệu Mộng Thạch, là em ruột tiến sĩ Dương Khuê, người Hà Nội. Theo đòi nghiệp bút nghiên, năm Mậu Dần (1878), khi ở tuổi 27, ông đỗ Cử nhân, đứng đầu trường thi Hà Nội. Kỳ thi năm ấy, theo ghi chép trong Quốc triều hương khoa lục (Cao Xuân Dục) thì anh em, chú cháu nhà họ Dương cùng thi đậu.

Những điều còn ít biết về Mộng Thạch

Bước vào con đường của kẻ đội mũ cánh chuồn, đi hia vuông, Dương Lâm kinh qua nhiều chức vụ khác nhau trong triều Nguyễn như huấn đạo, tri huyện, án sát, tuần phủ… Hoạn lộ của ông có lúc lên cao khi có thời gian làm Thượng thư bộ Công, về hưu được tặng Hiệp tá đại học sĩ.
Nếu như người anh Dương Khuê được biết tiếng qua thơ văn, thì Dương Lâm cũng không kém phần khi ông từng làm Phó Tổng tài Quốc sử quán, là tác giả của Vịnh sử Nam, Túy hậu nhàn ngâm tập, Dương thị văn tập… Và trong số đó, phải kể đến Hoàng triều sử ký, một tác phẩm có thể xem là lược sử nước nhà có giá trị cao về mặt tư liệu và tư tưởng.
Hoàng triều sử ký là tác phẩm được Dương Lâm diễn Nôm, viết lời bình. Trong tác phẩm này, có cả sự tham gia của Báo Chi Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) với hai lời bình (bình chúa Nguyễn Phúc Chu mở đất, bình thời vua Tự Đức bế quan tỏa cảng). Vừa qua, Hoàng triều sử ký được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành rộng rãi đến độc giả với phần dịch của dịch giả Nguyễn Đức Toàn.
Một điều đáng lưu ý ở tác phẩm này, không chỉ trình bày lịch sử đất nước trải 400 năm, mà ở đó còn là niềm tự hào với lịch sử vẻ vang của dân tộc, lòng mong muốn dân cường, nước thịnh. Đâu đó trong tác phẩm, thấy được cả nỗi niềm đau đáu của tác giả khi nước nhà gặp nạn Tây xâm, cho thấy tinh thần yêu nước nồng nàn, sự hoài cổ và cả những nhìn nhận thẳng thắn, phê phán sự lạc hậu của người mình…

Gom lại lịch sử 400 năm

Được trình bày theo lối lịch đại, Hoàng triều sử ký ghi chép lịch sử nước nhà từ dạo Lê Trung hưng (1533) cho đến đời vua Thành Thái năm 19 (1907). Tác phẩm tập trung vào những sự kiện chính yếu cùng tiểu truyện các nhân vật lịch sử có ảnh hưởng to lớn như Nguyễn Hoàng, Đào Duy Từ, Gia Long, Lê Văn Duyệt… kèm theo đó là những phần thơ văn bình luận của Dương Lâm, Nguyễn Thượng Hiền. Nhiều chi tiết quan trọng, điểm nhấn lịch sử được đề cập.
Viết về sử nhà Nguyễn, Hoàng triều sử ký ghi rõ những chi tiết đinh: chúa Nguyễn Hoàng là người khai mở triều Nguyễn; cải đặt họ Nguyễn Phúc bắt đầu từ chúa Nguyễn Phúc Nguyên; đất Gia Định được lập nên đơn vị hành chính từ đời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu. Cũng ở đời Quốc chúa, ấn vàng khắc chữ “Đại Việt quốc Nguyễn chúa thừa trấn chi bảo” được đúc. Kỳ diệu là “cái ấn đấy đến đời đức Cao hoàng [Gia Long] đã mất ba lần, rồi lại tìm được. Cho nên triều Nguyễn ta lấy ấn đấy làm quốc bảo vậy”…
Khi ghi chép tiểu truyện về nhân vật, Hoàng triều sử ký làm nổi bật những tính cách, nhân diện riêng của từng cá nhân. Chép về Tả quân Lê Văn Duyệt, hình ảnh vị tướng có tố chất khi giáp trận thì chẳng màng nguy hiểm, “cứ lên không lui, cứ vào không ra” nên luôn lập chiến công đệ nhất. Trong khi đó Đào Duy Từ hiện lên như một quân sư kiệt xuất của chúa Nguyễn giúp tạo lập xứ Đàng Trong đối địch Đàng Ngoài dù xuất thân “xướng ca vô loài”…

Đền thờ Đào Duy Từ tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

Ảnh; Hoàng Linh

Vốn ghi chép sử thường rơi vào sự khô khan, cứng nhắc của lối chép sử biên niên, nhưng Hoàng triều sử ký lại thoát khỏi kiểu chép sử thường thấy ở lối mòn ghi việc vua chúa, chép sự kiện rời rạc. Trong tác phẩm này, nhân vật, sự kiện nổi bật được nhấn mạnh, lại thêm việc mềm hóa “sử ký” khi kèm với ghi chép có phần bình, tán là sở trường của các nho gia hay chữ. Chẳng hạn như chép về quyền thần Trương Phúc Loan làm nghiêng đổ cơ nghiệp chúa Nguyễn, tác giả Dương Lâm có phần bình rằng:
Nước suy lại có tôi gian
Một tay thao mãng phá tan sơn hà
Nghìn năm tính việc nước nhà
Quyền gian như thế đã ba bốn người.
Ghi chép sử với diễn tiến thời gian đã là một sự khó khi lựa câu chọn chữ chép sao cho cô đọng, chính xác. Mà việc tán thành thơ lại càng khó gấp bội khi chỉ dăm chữ mà gói gọn được đủ cả thời gian, sự kiện hay nhân vật liên quan cùng tinh thần chung cần phản ánh, như mấy câu tán dưới đây:
Vua dẫu đức hiền, tôi còn thế lớn.
Mấy lần thay thay đổi đổi, đau lòng vì năm tháng đặt ba vua.
Hai câu ấy, chỉ việc các đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trần Tiễn Thành khuynh đảo triều đình, lấn quyền vua. Chỉ trong vài tháng mà ngai vàng nhà Nguyễn thay vua liên tục (Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc).
Dù là người lấy Nho đạo làm trọng, nhưng tác giả cũng có những nhìn nhận thực tế về thời cuộc chứ không phải kiểu nhà nho ẩn dật, lánh đời. Hoàng triều sử ký của Dương Lâm ngoài việc chép sử có nhiều đoạn phê phán những thói hư tật xấu làm hạn chế sự phát triển như sự cũ kỹ về thiết bị quân sự, lối làm ăn giả dối, kém cạnh tranh… của dân mình. Nhất là chính sách bế quan tỏa cảng cản trở thông thương tiến bộ: “Chỉ vì đóng cửa giữ nhà/ Ngoài ra nào biết ai là mấy [với] ai”. Trên hết, đó là mong muốn cho sự thay đổi để đưa nước nhà vượt thoát khỏi những yếu kém so với thiên hạ, sớm giành lại sự độc lập, tự chủ đang bị kìm kẹp bởi ngoại bang phương Tây.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.