Nỗ lực phi thường trong việc chuẩn bị diễn thuyết
Abe rất chú trọng nội dung diễn văn và thái độ diễn đạt trước công chúng, đặc biệt là diễn thuyết ở nước ngoài. Nội dung diễn văn phải có một vài hình ảnh văn học thi vị để lôi cuốn, đánh động tâm tình người nghe. Vì vậy, ông rất kỹ khi chọn trợ lý viết diễn văn. Diễn văn đọc ở nước ngoài thì ông Abe không để cho nhân viên Bộ Ngoại giao phụ trách như nhiều thủ tướng khác, vì "diễn văn do quan chức Bộ Ngoại giao soạn chỉ kể ra những sự kiện và do đó nó vô vị". Theo ông, diễn văn hay phải có chất thơ.
Trong đó, việc chuẩn bị diễn thuyết ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào tháng 4.2015 cho thấy nỗ lực phi thường của ông. Năm 2015 đánh dấu 70 năm hậu chiến, Mỹ là nước quan trọng nhất trong ngoại giao của Nhật. Ông lại là thủ tướng đầu tiên của Nhật diễn thuyết tại hội trường chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Do tính chất quan trọng của sự kiện, ông Abe đặc biệt bỏ công sức cho việc chuẩn bị để gây tiếng vang tại nghị trường Mỹ.
Trước hết là nội dung. Từ khóa của buổi diễn thuyết 45 phút là "đồng minh của hy vọng", trong đó nhấn mạnh vai trò của Tokyo ngày càng trở thành đồng minh tin cậy và quan trọng của Washington, chứ không phải chỉ có một chiều là Mỹ bảo vệ Nhật. Tiếp theo là tại buổi diễn thuyết nên dùng ngôn ngữ gì. Dùng ngôn ngữ nước mình kèm theo thông dịch như thường thấy ở lãnh đạo các nước không nói tiếng Anh hay là cố gắng nói tiếng Anh? Nhưng ông Abe cho rằng nói tiếng nước mình kèm theo thông dịch không diễn đạt được cảm tình, thái độ của người trình bày. Nên ông quyết định diễn thuyết bằng tiếng Anh.
Nhưng định nói tiếng Anh thì phải luyện tập trước, rất công phu, đầy nỗ lực trong tình trạng luôn bận rộn của thủ tướng một nước lớn. Trước hết là soạn bản thảo, ông đọc thấy có những từ khó phát âm nên bảo người soạn phải thay những từ dễ đọc hơn. Nội dung và cách dùng chữ phải sửa đi sửa lại tới hơn 20 lần. Sau khi chuyên gia bản xứ tiếng Anh duyệt và sửa chữa cách hành văn, Abe bắt đầu luyện cách đọc, cách trình bày.
Theo hồi ký, ông đã luyện tập nhiều lần ở phòng tắm, và nhiều lần bảo vợ ngồi nghe và bình luận. Ngoài ra, ông còn tập nhiều lần trước mặt các trợ lý và bảo họ lưu ý những chỗ cần cải thiện. Cứ thế, ông luyện tập cho đến đêm trước ngày diễn thuyết.
Theo hồi ký, buổi diễn thuyết thành công ngoài dự tưởng. Cả hội trường đứng lên vỗ tay nhiều lần. Chủ tịch Hạ viện khi đó là John Boehner cảm động đến ngấn lệ. Còn bà Nancy Pelosi, lúc này là cựu Chủ tịch Hạ viện, thì gọi điện thoại chúc mừng bạn mình là nhạc sĩ Carole King, do một nhạc phẩm của ông đã được ông Abe trích dẫn trong bài diễn văn.
Nhận xét về các Tổng thống Mỹ
Trong hồi ký, ông cũng đưa ra nhận xét thú vị về lãnh đạo của nhiều nước. Đặc biệt là về hai tổng thống của Mỹ mà ông gặp nhiều lần.
Với ông Barack Obama - Tổng thống Mỹ thứ 44, ông Abe cho rằng ông Obama chỉ nói chuyện về chủ đề của buổi họp. "Tại các hội nghị hay trong bữa ăn, dù tôi nói đùa, ông ấy cũng chuyển câu chuyện vào chủ đề, không cùng "tạp đàm" với người đối diện. Xuất thân là luật sư, ông ấy nói chuyện công việc thì rất tỉ mỉ, chi tiết. Nói thật, ông ấy thuộc loại người ta khó xây dựng quan hệ bạn bè. Tuy nhiên, giữa lãnh đạo cấp cao với nhau, trong công việc thì không có vấn đề gì", ông Abe nhận xét trong hồi ký.
Về ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ thứ 45, ông Abe cho rằng ông Trump là nhà kinh doanh, hoàn toàn không có kinh nghiệm về hành chánh và chính trị, nên suy nghĩ, thái độ rất khác với chính trị gia. Những biện pháp, thủ thuật giúp Trump thành công trong kinh doanh lại được ông ta áp dụng vào chính trị quốc tế, chẳng hạn chính sách America First (Nước Mỹ là trên hết).
"Chính trị phải khác kinh doanh. Doanh nghiệp thì mưu tìm lợi nhuận nhưng nhà nước mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì xã hội dân chủ chủ nghĩa không hình thành được. Công việc của chính trị gia là phải điều chỉnh, xử lý các vấn đề liên quan lợi ích của nhiều thành phần", ông Abe chủ trương.
Lãnh đạo và trợ lý
Ông Abe nói rất nhiều về các trợ lý của mình với sự tin tưởng và ghi nhận đóng góp ý tưởng, ý kiến của họ rất cụ thể liên quan các quyết sách của ông.
Ở Nhật, trợ lý thủ tướng gồm hai nhóm. Một là quan chức tuyển từ Bộ Tài chánh, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao. Hai là những người do thủ tướng chỉ định riêng. Ba bộ nói trên thường cử người có kinh nghiệm và thuộc nhóm xuất sắc nhất làm trợ lý thủ tướng. Trong nhóm trợ lý, ông Abe chú ý đến những người có nhiều ý tưởng sáng tạo, giúp ông đưa ra các quyết định quan trọng và giúp viết diễn văn hay.
Bài diễn thuyết của ông Abe trong một lần tại Ấn Độ đã nêu ý tưởng cần đẩy mạnh "giao thoa giữa hai đại dương". Trong hồi ký, ông nói đó là ý tưởng của trợ lý Taniguchi Tomohiko. Ông cũng ghi nhận đóng góp của trợ lý này trong việc soạn diễn thuyết hay đọc tại Trân Châu cảng vào năm 2016. Hay trợ lý Saeki Kozo soạn diễn văn đọc trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Quốc phòng (2015) mà ông rất tâm đắc.
Liên tục trong 4 năm, từ 2016 - 2019, ông Abe đều đi tham dự Diễn đàn Kinh tế Đông phương do Nga tổ chức tại Vladivostok. Việc đi dự liên tục này là do đề xuất của trợ lý Imai Naoya muốn ông Abe giữ sự liên tục trong việc thương lượng với Nga về 4 đảo phía bắc. Ngoài ra, ông Abe cũng khen ngợi trợ lý Niihara Hiroaki có nhiều ý tưởng hay khi đưa ra khái niệm "hảo tuần hoàn kinh tế" (tuần hoàn thuận lợi) để giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa phân phối và tăng trưởng.
Hồi ký Abe Shinzo gồm nhiều nội dung phong phú liên quan các quyết định chiến lược, chính sách cả nội chính và ngoại giao. Ở cuối sách có in toàn văn các bài truy điệu của Thủ tướng Kishida Fumio và của 3 nguyên thủ tướng. Đặc biệt, bài truy điệu của cựu Thủ tướng Suga Yoshihide rất hay và cảm động đến nỗi cả hội trường đã vỗ tay sau khi đọc xong, một hiện tượng chưa từng thấy ở các đám tang cần sự trang nghiêm, tĩnh lặng.
Chính sách Abenomics
Sau khi nhậm chức thủ tướng lần thứ hai vào tháng 12.2012, Abe đặt mục tiêu hàng đầu lên việc ổn định và tăng trưởng kinh tế bằng các chính sách được gọi chung là Abenomics (Chính sách kinh tế của Abe). Mục tiêu cụ thể là sớm thoát ra khỏi tình trạng giảm phát, trong dài hạn hướng đến việc làm cho vật giá tăng 2%/năm và kinh tế trên danh nghĩa tăng trưởng trung bình 3%/năm.
Ba công cụ chính sách (thường được gọi là ba mũi tên) là nới lỏng tiền tệ (tăng lượng cung tiền tệ) để đạt mục tiêu lạm phát 2%, chính sách tài chính linh hoạt để tăng đầu tư công, tăng cầu, và chiến lược tăng trưởng trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Trong 3 mũi tên, chính sách tiền tệ là quan trọng và nổi tiếng nhất.
Từ Abenomics không phải do Abe đặt ra. "Tôi chỉ nói về 3 mũi tên thôi, nhưng giới truyền thông liên tưởng đến Reaganomics (Chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan) nên đặt ra từ Abenomics", ông Abe viết trong hồi ký.
Bình luận (0)