Xây dựng năm 1932, Cung Nam Phương Hoàng hậu là của hồi môn dành cho con gái của điền chủ Gò Công Nguyễn Hữu Hào - rể của một trong tứ đại phú hào Sài Gòn cuối thế kỷ 19 là Huyện Sĩ Lê Phát Đạt (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa). Con gái ông là Nguyễn Hữu Thị Lan, người khiến cựu hoàng Bảo Đại phải thốt lên: "Nàng có vẻ đẹp thùy mị của người miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê". Hai người kết hôn năm 1934 và có với nhau 5 người con. "Tôi tấn phong cho vợ là Nam Phương Hoàng hậu, nghĩa là hương thơm của miền Nam… Tôi cho phép hoàng hậu được mặc áo màu vàng, vốn chỉ dành riêng cho hoàng đế", Bảo Đại viết.
Cung gồm một hầm, một trệt và hai lầu, mang phong cách kiến trúc Pháp. Hệ thống cửa sổ vòm hai lớp (kính màu và lá sách). Tại đây còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hiện vật như: triều phục, đàn piano, điện thoại bàn, thư tay của hoàng hậu viết từ Pháp cho vua Bảo Đại, ảnh gia đình… Ngoài ra, có dấu hiệu một đường hầm từng tồn tại ở đây. Giả thuyết cho rằng có thể đường hầm này nối với Dinh 1 - Tổng hành dinh của cựu hoàng Bảo Đại, nơi có hệ thống đường hầm bí mật dài gần 4 km.
Lò sưởi là điểm không thể thiếu của kiến trúc Pháp tại Đà Lạt. Theo Bảo tàng Lâm Đồng, cung có đến 9 lò sưởi (làm từ đá hoa cương, nhập từ Ý), được các chuyên gia đánh giá là một trong các biệt thự cổ ở Đà Lạt có kiến trúc lò sưởi đẹp nhất. Mỗi phòng đều có lò sưởi riêng. Ngoài công năng sử dụng, lò sưởi còn mang yếu tố trang trí, số lượng lò sưởi tỷ lệ thuận với uy thế và sự giàu sang của gia chủ.
Bình luận (0)