Thị trường cây cảnh phục vụ dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại Hà Nội đang vào thời điểm sôi động, nhộn nhịp nhất, khi nhiều sản phẩm cây cảnh, hoa quả độc đáo, mới lạ được các nhà vườn khắp các tỉnh đưa về thủ đô. Trong đó, bưởi thỏi vàng “Tài - Lộc” trồng tại Hưng Yên đang được bày bán chợ cây cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) nằm trong số sản phẩm đắt khách dịp này.
Cảm nhận chung của nhiều vị khách khi đứng trước gian hàng bưởi Diễn thỏi vàng của ông Phan Quang Huy là mùi hương thơm ngát tỏa ra từ những quả bưởi đang chín. Quả bưởi hình thỏi vàng, màu vàng óng, nổi bật trên thân quả là cặp chữ nổi “Tài - Lộc” khiến ai ghé qua cũng trầm trồ, ngạc nhiên. Những quả bưởi này được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của ông Phan Quang Huy, ở xã Thanh Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Có niềm đam mê với cây cảnh, phần lớn thời gian trong năm, ông Huy gắn bó làm việc với nhà vườn trồng bưởi tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên săn tìm thuê, mua cây nguyên liệu để sáng tạo ra những cây cảnh độc, lạ bán ra thị trường dịp tết Nguyên đán hàng năm.
“Vào dịp tết Nguyên đán cách đây hơn 4 năm, khi đọc báo, tôi thấy nông dân phía Nam trồng được bưởi tạo hình hồ lô, thỏi vàng, thậm chí là hình giọt nước, bằng giống bưởi Da xanh rất đẹp. Tôi nghĩ họ làm được, mình chắc làm được, nên mày mò trồng thử nghiệm”, ông Huy kể lại.
Nhìn lại sau nhiều năm nghiên cứu và gặp không ít thất bại, ông Huy cho rằng, làm bưởi tạo hình thỏi vàng là khó nhất, vì bưởi hồ lô, giọt nước thì có thể tạo hình theo dáng quả tự nhiên. Còn đối với bưởi thỏi vàng đòi hỏi những kỹ thuật khó, tỉ mỉ hơn rất nhiều, để làm sao ép quả “phòi” ra hai bên, hơi nhô lên cao cho giống hình thỏi vàng nhất.
Bắt tay vào làm bưởi thỏi vàng, đầu tiên, ông Huy phải tìm thợ cơ khí trao đổi ý tưởng thiết kế khuôn ép. Khó nhất là công đoạn cắt tạo rãnh khuôn để in chữ nổi trên quả. Rãnh không được quá sâu, quá dày mà đòi hỏi độ mỏng cân đối, vuông thành, sắc cạnh để chữ càng nổi, nét. Những năm đầu làm, ông Huy phải bàn bạc với thợ cơ khí chỉnh đi chỉnh lại, mài dũa hàng chục lần để cho ra một chiếc khuôn ép như ý.
10 - 15 triệu đồng/chậu bưởi vẫn đắt hàng
Chia sẻ về quy trình tạo hình quả, ông Huy cho hay, cứ đến tháng 3 âm lịch là bắt quả vào khuôn ép, tùy theo từng giai đoạn phát triển của quả để tiếp tục căn chỉnh khuôn đến khoảng 5 - 6 lần nữa thì quả sẽ thành hình, thấy chữ nổi. Cứ đến khoảng 15 tháng Chạp trở đi, có thể cắt được những quả thành công đưa ra thị trường.
“Quả bưởi từ nhỏ đến lớn đều bị “nhốt” trong khuôn nên hàm lượng tinh dầu tích trong vỏ quả rất lớn, mùi rất thơm. Bưởi Diễn thỏi vàng thì khi chín màu vàng óng, đẹp hơn sản phẩm thỏi vàng nếu làm từ giống bưởi da xanh ở miền Nam”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, một tiêu chí quan trọng khác là cây làm bưởi thỏi vàng có tuổi đời phải dưới 5 năm. Đây là cây còn tơ nên cho quả kích thước to, dễ tạo hình. Những năm trước, số lượng bưởi thỏi vàng làm thành công không nhiều, bưởi làm ra chỉ bán cho người thân, bạn bè. Còn dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, tỷ lệ quả thành công đạt đến 70 - 80%, nên ngoài những đơn đặt cũ, ông Huy cung cấp ra thị trường Hà Nội trên 200 quả và khoảng vài chục cân bưởi bon sai. Đối với bưởi quả bán theo cặp, loại quả 0,7 kg/quả giá 1 triệu đồng/cặp; bưởi loại 1,4 kg/quả có giá 1,5 triệu đồng/quả. Chậu bưởi bon sai có điểm thêm vài quả bưởi thỏi vàng, ông Huy rao giá bán mỗi chậu từ 10 - 15 triệu đồng vẫn có rất nhiều người đặt mua.
Cũng theo ông Huy, sau hơn 1 tuần bày bán sản phẩm ở thị trường Hà Nội, bưởi Diễn thỏi vàng Tài - Lộc thu hút rất nhiều người quan tâm, dù người đặt mua hay người không mua cũng đến ngắm nghía, thích thú chụp ảnh.
“Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật trồng ra loại bưởi độc đáo này, làm sao để hạ giá thành, ngày càng có nhiều người mua được bưởi, sở hữu những quả bưởi độc đáo này về chơi trong dịp tết”, ông Huy nói.
Bình luận (0)