Cồn Cỏ là một hòn đảo hoang sơ của tỉnh Quảng Trị, cách bờ chỉ khoảng 30 km. Trong âm nhạc, hòn đảo này từng vang tiếng với "Đảo Cồn Cỏ có con cá đua, là con cua đá" thì nay "hàu vua" đã nổi lên như một thương hiệu hải sản độc lạ. Nhiều người bảo, ra Cồn Cỏ mà chưa ăn "hàu vua" thì xem như chưa đến Cồn Cỏ.
"Hàu vua" còn có nhiều tên gọi khác, nào "hàu cố", "hàu ma"… Có lẽ những tên gọi rất kêu này phần nhiều xuất phát bởi kích thước "khủng" và vẻ ngoài sần sùi, như thuộc về một điều gì đó cổ xưa. Mỗi con nặng gấp nhiều lần hàu bình thường nên số thịt khi tách ra cũng nhiều hơn, lại rất chắc, thơm ngọt.
VỪA PHÁT TRIỂN VỪA BẢO TỒN
Hàu đảo Cồn Cỏ nằm ở trong các hốc đá sâu 20-30 m, chứ không nằm ở ghềnh đá gần mép nước. Chúng được cho là đã sống vài chục năm để có kích thước "khủng", trước khi trở thành… món ngon. Theo ngư dân Lê Văn Tuấn, một thợ lặn chuyên khai thác hàu Cồn Cỏ, mỗi ngày anh "cạy" được chừng 100 con. "Cả đảo có khoảng 3 thuyền khai thác hàu, cả thảy cũng khoảng 400 con/ngày là hết công suất", anh Tuấn nói.
Lâu nay khách ra đảo Cồn Cỏ thường chỉ được thưởng thức một vài món dân dã từ hàu "vua", phổ biến và dễ làm nhất là món gỏi hàu, cháo hàu, hàu nướng mỡ hành. Tuy nhiên, với những đầu bếp ưa thích sáng tạo, họ có thể nâng "hàu vua" Cồn Cỏ từ một món ăn dân dã thành nghệ thuật ẩm thực, mở rộng chế biến rất nhiều món hấp dẫn như gỏi hàu, hàu nướng sốt phô mai, hàu sốt Thái, hàu né…
Thử nghiệm sản xuất giống "hàu vua"nhân tạo
Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đang triển khai đề tài nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu răng cưa khổng lồ, tên gọi khác của "hàu vua" Cồn Cỏ. Đề tài tập trung nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, phân bố và hiện trạng nguồn lợi, khả năng khai thác bền vững, bản đồ khoanh vùng bảo tồn và vùng khai thác của loài "hàu vua" ở vùng biển đảo Cồn Cỏ. Đồng thời, thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo để duy trì và bổ sung nguồn giống tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; nghiên cứu, thử nghiệm mô hình nuôi "hàu vua" trên bãi tự nhiên quanh đảo để phục vụ phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ. Đề án cũng sẽ đề xuất một số giải pháp như quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi "hàu vua" trên cơ sở đồng quản lý Khu Bảo tồn biển và người dân; đề xuất mùa vụ, kích thước, số lượng cá thể khai thác và phương thức khai thác hợp lý.
Nhiều thực khách bình chọn "hàu vua" Cồn Cỏ nướng mỡ hành hoặc nướng phô mai là món ăn độc lạ, hấp dẫn, thực sự rất… khó cưỡng. Hãy thử tưởng tượng, con hàu to bằng bàn tay được đặt lên bếp than sau khi đã phủ một lớp phô mai, nước sốt hoặc mỡ hành. Thịt hàu chỉ chiếm khoảng 0,1 kg trong tổng trọng lượng từ 1,2 - 1,5 kg, nhưng chừng đó là đủ để gây bao thương nhớ cho những người thưởng thức.
Tại Lễ hội văn hóa ẩm thực quốc gia tổ chức vào dịp 30.4 - 1.5 vừa qua ở TT.Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị), hàu Cồn Cỏ có một "diện mạo" mới với món hàu né. Để làm món này, đầu bếp tách lấy thịt hàu, đưa vào chảo nóng cùng trứng, phô mai, một số loại đậu và rau thơm.
Ông Trương Khắc Trưởng, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho rằng ngoài vẻ đẹp nguyên sơ, môi trường trong lành thì ẩm thực trên đảo có sức hút rất lớn với du khách, đặc biệt là với loại hải sản dị biệt, riêng có như "hàu vua" Cồn Cỏ. "Tỉnh Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ đã xây dựng thương hiệu cho "hàu vua" Cồn Cỏ nhưng trong phát triển thì cũng cần đi kèm với bảo tồn. Chúng tôi đã tính đến chuyện vừa khai thác, vừa duy trì và phát triển loại hải sản quý này để mai sau khi du lịch phát triển hơn nữa thì du khách vẫn có cơ hội để ăn "hàu vua" Cồn Cỏ", ông Trưởng nói.
Bình luận (0)