Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng thịt heo ở TP.HCM

25/02/2025 04:33 GMT+7

Ở TP.HCM có một con hẻm mang những quy tắc đặc biệt, người dân không uống rượu bia, ăn thịt heo, mỗi năm nhịn ăn 1 tháng… đã tạo nên nét văn hóa độc đáo.

Đến hẻm 157 Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM) vào một buổi chiều giữa tháng 2.2025, chúng tôi có cảm giác như lạc vào thế giới khác. Không ồn ào, náo nhiệt mà thay vào đó là một không gian yên tĩnh hơn với những sạp hàng nhỏ bán thực phẩm Halal (thực phẩm có tiêu chuẩn dựa trên luật của Hồi giáo, mà trong đó có các quy định đặc biệt liên quan đến ăn kiêng, nguồn gốc thức ăn và cách chế biến theo một quy trình riêng biệt), thảm cầu nguyện…

Vậy, điều gì đã khiến người dân trong hẻm cùng nhau duy trì lối sống đặc biệt này?

Hẻm Sài Gòn: Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng ăn thịt heo - Ảnh 1.

Hẻm 157 Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM)

ẢNH: UYỂN NHI


Cuộc sống trong hẻm đặc biệt

Trò chuyện với người dân ở con hẻm này, chúng tôi khá ấn tượng trước những người phụ nữ trùm khăn che kín đầu và những người đàn ông mặc váy xà rông. Đây được biết đến là hẻm của cộng đồng người theo đạo Hồi Islam sinh sống và đông nhất trong 16 giáo khu ở TP.HCM.

Tại con hẻm này, đa số là người Chăm với 97% người dân có gốc gác từ Châu Đốc (An Giang); phần còn lại là dân ở các tỉnh khác như: Bình Dương, Tây Ninh, Ninh Thuận… Họ di cư lên Sài Gòn mưu sinh từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Theo ông Abdohalim (58 tuổi, Phó ban quản trị thánh đường Jamiul Anwar) cho biết, hẻm 157 Dương Bá Trạc có chiều dài khoảng 150 mét, với 200 hộ đang sinh sống và khoảng 2.000 tín đồ đang sinh hoạt tại thánh đường Jamiul Anwar.

Năm 1960 hình thành tiểu thánh đường, năm 1984 người Chăm đến đây sinh sống càng đông đúc rồi hình thành thánh đường. Năm 2006, thánh đường Jamiul Anwar được trùng tu, làm mới.

‘Đặc sản’ hẻm Sài Gòn: Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng ăn thịt heo- Ảnh 1.

Người dân sinh sống trong con hẻm 157 Dương Bá Trạc (Q.8) không bao giờ uống bia, rượu

ẢNH: UYỂN NHI

Trước đây, hẻm này chỉ là con đường hẹp với đất, sỏi; các dãy nhà xung quanh lụp xụp. Vì khu này giá rẻ nên người Chăm chọn để làm nơi sinh sống và lập nghiệp bằng nghề dệt vải thổ cẩm. Theo thời gian, làng dệt dần mai một.

Hiện, người dân chủ yếu làm lao động tự do và các trang phục truyền thống được họ lấy từ quê An Giang lên để bán lại.

Hẻm Sài Gòn: Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng ăn thịt heo - Ảnh 2.

Trẻ em ở xóm người Chăm trùm khăn khi đi ra ngoài

ẢNH: UYỂN NHI

Kim đồng hồ chỉ 15 giờ 30 phút, cũng là lúc người Chăm sinh sống tại đây chuẩn bị làm lễ. Gặp bà Solyhah (54 tuổi), đang làm lễ tại nhà. Bà tâm sự, bà quê Ninh Thuận và lên TP.HCM mưu sinh từ những năm 2000.

Chồng của bà là người gốc Châu Đốc (An Giang), trước đây sống ở Q.1 (TP.HCM). Đến mãi sau này, khi cộng đồng người Chăm sống ở hẻm 157 Dương Bá Trạc ngày càng đông nên bà và chồng về khu này thuê trọ để ở.

Bà Solyhah có 3 người con, đều đã lớn và có công việc riêng. Bà nói, dù con cái bà sống ở TP.HCM nhưng học chữ Ả rập và sống theo phong tục của người Chăm từ nhỏ. Bà nói, đó là cách thể hiện sự gìn giữ bản sắc dân tộc mình.

Hẻm Sài Gòn: Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng ăn thịt heo - Ảnh 3.

Tại con hẻm này, đa số là người Chăm với 97% người dân có gốc gác từ Châu Đốc (An Giang)

ẢNH: UYỂN NHI

25 năm sống ở đây, bà nói mọi người luôn sẻ chia với nhau. Gia đình nào gặp khó khăn, hoạn nạn thì mọi người sẽ góp tiền, góp sức để giúp đỡ họ. Bà còn nói thêm, vào tháng Ramaha ("tháng nhịn ăn" của các tín đồ Hồi giáo), người dân quanh xóm cũng góp tiền để nấu thức ăn miễn phí phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Cộng đồng người Chăm ở đây sống hòa thuận, yêu thương nhau, chúng tôi không phân biệt giàu nghèo. Mọi người sống hòa đồng lắm, lúc nào nhà cũng mở cửa rồi hàng xóm vào chơi thoải mái”, bà Solyhah chia sẻ.

Chỉ tay về nhà bên cạnh, bà Solyhah cười rồi kể: “Như nhà này có việc gì đi gấp thì để nhà vậy rồi nhờ hàng xóm trông nhà giúp”.

Hẻm Sài Gòn: Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng ăn thịt heo - Ảnh 4.

Người Chăm tại con hẻm cảm thấy tự hào vì tín ngưỡng của mình được nhiều người biết đến, tôn trọng

ẢNH: UYỂN NHI

Gìn giữ văn hóa dân tộc

Con hẻm nhỏ là một bức tranh văn hóa phản ánh rõ nét đời sống của người Chăm tại TP.HCM. Dù giữa một thành phố luôn thay đổi từng ngày, nơi này vẫn giữ được bản sắc tôn giáo và cộng đồng của mình, tạo nên một “đặc sản” rất riêng.

Người Chăm trong hẻm luôn tuân theo quy định nghiêm ngặt của giáo hội từ trang phục, tiếng nói, chữ viết cho đến giáo lý. Cụ thể, người Chăm theo đạo Hồi không được uống rượu bia, ăn thịt heo, mỗi năm nhịn ăn, uống 1 tháng… Trẻ em ở đây ngoài học phổ thông ở trường còn học thêm chữ Chăm.

Hẻm Sài Gòn: Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng ăn thịt heo - Ảnh 5.

Ông Abdohalim nói tháng chay Ramadan thường rơi vào khoảng tháng 3 dương lịch hằng năm

ẢNH: UYỂN NHI

Thắc mắc lý do tại sao lại cấm uống rượu bia, ông Abdohalim nói đó là “chìa khóa” của toàn hội. Vì nhậu quá đà sẽ mất kiểm soát và dễ xảy ra mâu thuẫn, xô xát.

Tháng chay Ramadan thường rơi vào khoảng tháng 3 dương lịch hằng năm. Trong tháng này, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi sẽ bước vào quá trình ăn chay. Suốt thời gian này, từ 4 giờ sáng đến 18 giờ 15 phút, người dân sẽ nhịn ăn và uống nước. Sau đó sẽ được ăn nguyên đêm.

“Ăn chay là bắt buộc, ép xác đối với tín đồ Hồi giáo bắt đầu nhận thức được. Riêng những người già đang uống thuốc trị bệnh hoặc phụ nữ mang bầu, cho con bú thì không cần nhịn ăn”, ông Abdohalim nói.

Ý nghĩa của công việc này là giúp các tín đồ hiểu được nỗi khổ, sự đói khát của người đời để trân trọng thức ăn, nước uống. Qua đó có sự sẻ chia, đồng cảm với những người khó khăn trong trong cuộc sống.

Hẻm Sài Gòn: Độc lạ hẻm không uống rượu bia, kiêng ăn thịt heo - Ảnh 6.

Nghi lễ nhập đạo tại thánh đường Jamiul Anwar

ẢNH: UYỂN NHI

Bà Solyhan nói, người dân ở đây đa số theo đạo từ nhỏ nên việc nhịn ăn vào tháng Ramadan đã trở thành thói quen và giúp tâm hồn được thanh sạch. Bà nói bà luôn tự hào vì giữ gìn được bản sắc độc đáo của dân tộc mình.

“Cộng đồng người Chăm sinh sống ở đây có xen kẽ với người Kinh nhưng luôn đoàn kết, hòa nhập với nhau”, ông Abdohalim cho hay.

Hỏi gần 60 năm định cư ở hẻm 157 Dương Bá Trạc này, câu chuyện đặc biệt nào khiến ông nhớ mãi? Ông Abdohalim kể đó là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Cộng đồng người Chăm không may mất hơn 20 người. Dù trong khoảng thời gian khó khăn, nhưng mọi người cùng chung tay, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít để đưa cộng đồng mình về quê để được an táng.

TP.HCM không chỉ có những con đường sầm uất, mà còn có những góc nhỏ yên bình hiếm thấy và đậm đà bản sắc người Chăm như thế giữa lòng phố thị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.