Sáng 18.2 (tức mùng 9 tết) hơn 10.000 người đã đổ về Gò Thì Thùng (xã An Xuân, H.Tuy An, Phú Yên) để xem hội đua ngựa, tận hưởng bầu không khí lễ hội dân gian truyền thống có một không hai ở miền Trung.
Ngựa đua là các chú ngựa thồ hàng ngày, người dân dùng để vận chuyển nông sản từ nương rẫy về nhà, chưa từng qua huấn luyện để thi thố nên không quen với việc phi nước đại.
Lần đầu tiên đứng trước đám đông reo hò, nên nhiều chú ngựa đã hoảng hốt bỏ chạy khỏi đường đua. Không ít chú ngựa đã có lệnh xuất phát từ lâu nhưng cương quyết không chạy, phải nhiều người rượt đuổi, la hét, đánh vào mông mới chịu xuất phát.
Có chú ngựa đang chạy thi thì… không thích đua nữa, liền tấp vào lề nghỉ mệt. Lạ đời hơn là có chú ngựa hất ngã luôn cả người cưỡi xuống đất cho đỡ vướng víu để chạy cho nhanh về đích.
Người điều khiển ngựa cũng không phải là những vận động viên chuyên nghiệp, mà là những nông dân chân lấm tay bùn hoặc chủ ngựa.
Ông Trần Quang Thống (41 tuổi, trú xã An Xuân, H.Tuy An), điều khiển ngựa đua số 17 chia sẻ: "Đây là lần thứ 4 tôi tham gia đua ngựa. Ngựa nhà nên tôi cũng tham gia góp vui, hòa cùng không khí lễ hội truyền thống đầu năm. Đa số mọi người sử dụng ngựa thồ để đi đua nên không được chuyên nghiệp, chủ yếu ngựa này là sức bền chứ phi nước đại thì chịu".
Ông Thái Văn Sáu (trú P.Phú Lâm, TP.Tuy Hòa, Phú Yên), người điều khiển ngựa đua số 25, cho biết sau thất bại ở hội đua ngựa năm ngoái, năm nay ông quyết tâm giành giải nhất.
"Cuộc đua này phụ thuộc vào ngựa rất nhiều, vì là ngựa thồ hàng nên cũng tùy ý lắm. Đứng trước đám đông, ngựa dễ bị hoảng chạy loạn xạ. Tôi phải dùng roi thúc mạnh nó mới chịu đua, hơn nữa phải tập trung cao độ, nếu không sẽ bị nó hất rớt là bị loại ngay", ông Sáu nói.
Chính nhờ những chi tiết "độc lạ", nghiệp dư như vậy, nên hội đua ngựa ở Gò Thì Thùng đã khiến hàng ngàn khán giả được dịp cười sảng khoái đầu năm mới.
Hội đua ngựa năm nay có sự góp mặt của 32 "chiến mã" đến từ 4 xã: An Lĩnh, An Xuân, An Hiệp và An Thọ (H.Tuy An). Mỗi vòng đua gồm 4 ngựa tranh tài, chạy 2 vòng (2 km), sau đó chọn 8 ngựa nhanh nhất vòng bảng vào thi bán kết. Bốn ngựa đoạt nhất và nhì ở vòng bán kết được chọn vào vòng chung kết tranh giải.
Sau hơn 3 tiếng tranh tài, kết quả giải nhất thuộc về ngựa số 25 (xã An Hiệp) do ông Thái Văn Sáu điều khiển; giải nhì thuộc về ngựa số 22 (xã An Hiệp) do ông Lê Thành Chung điều khiển; đồng giải ba thuộc về ngựa số 9 (xã An Xuân, ông Vũ Hồng Hưng điều khiển) và ngựa số 32 (xã An Hiệp, ông Thái Bình Thuận điều khiển).
Lần thứ 4 về xem hội đua ngựa ở Gò Thì Thùng, bà Trương Thị Lệ (45 tuổi, trú H.Phú Túc, Gia Lai) vẫn rất hào hứng: "Thật sự năm nào tôi cũng trông đến mùng 9 tết để về Gò Thì Thùng xem đua ngựa. Tuy không chuyên nghiệp nhưng cả người lẫn ngựa đều rất nhiệt tình, tạo những tràng cười sảng khoái cho mọi người. Nhiều khi vì sự nghiệp dư này mà lễ hội để lại ấn tượng, cuốn hút người xem".
Ông Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch UBND H.Tuy An, cho biết: "Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của H.Tuy An và đã có từ lâu đời. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và quảng bá nét đẹp văn hóa này đến rộng rãi trong cộng đồng người dân và cả nước. Từ đó thu hút đầu tư, kích thích phát triển kinh tế, tăng thu nhập của người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn, phát triển nét văn hóa đặc sắc của địa phương".
Bình luận (0)