'Độc nhất miền Tây': Vườn nguyệt quế hàng ngàn cây, tuyệt tác trong khu vườn bạc tỉ

22/06/2022 12:35 GMT+7

Suốt 35 năm kỳ công chăm sóc, ông Lê Bá Sanh (72 tuổi, ngụ ấp 14, xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang) đã tạo nên khu vườn nguyệt quế hàng ngàn cây được đánh giá vào hàng tuyệt tác.

Coi như báu vật của gia đình

Đến vườn nguyệt quế rộng gần 1 ha với trên 1.000 cây của ông Sanh, ai nấy đều trầm trồ bởi nhiều cây có kích thước khủng và đầy đủ dáng thế, từ đứng thẳng, xoắn thân đến thác đổ…

Nhiều cây nguyệt quế trong vườn của ông Sanh được nhiều người ngỏ ý mua với giá vài tỉ đồng

DUY TÂN

Ông Sanh kể, năm 1987, khi sang vườn họ hàng chơi, thấy nhiều cây nguyệt quế đẹp nên ông xin hạt về trồng. Dần dần, cây con mọc lên, ông chăm sóc từng li, từng tí. Suốt 35 năm kỳ công chăm sóc, uốn dáng, ông đã tạo ra khu vườn “độc nhất miền Tây”.

“Lúc xin giống về, tôi rải đại trong vườn. Khi cây mọc lên thì bứng đem trồng chỗ trống, rồi tiến hành cắt, tỉa, uốn dáng… Nhờ đó mới có khu vườn nguyệt quế như giờ. Tôi quý lắm, coi như báu vật của gia đình”, ông Sanh chia sẻ.

Cây nguyệt quế có tên “Nhất trụ kình thiên” được xem đặc biệt nhất nhì trong khu vườn

DUY TÂN

Tại vườn có 2 giống nguyệt quế, loại lá cong nhẹ, thân uốn lượn; loại thân trực, thớ gỗ xoắn bện như dây thừng. Theo cụ Sanh, cả 2 giống này đều khác biệt so với nguyệt quế trong vùng.

Ông Sanh cho biết thêm, ông đã đi khắp các vườn trong vùng đều không thấy 2 loại nguyệt quế này. “Tôi nghĩ, giống này là loại đột biến, bởi lá, thân đều có đặc điểm khác với giống nguyệt quế thông thường. Vì vậy, khi đó tôi quyết định khai hoang vườn tạp, trồng và nhân giống chủ yếu giống nguyệt quế trời cho này”, ông Sanh kể.

Ông Sanh sở hữu những cây nguyệt quế trồng từ hạt có tuổi đời từ 15 - 35 năm

DUY TÂN

Khu vườn tiền tỉ

Đến nay, khu vườn của ông Sanh có hơn 1.000 gốc nguyệt quế từ 15 - 35 tuổi. Những gốc nguyệt quế không chỉ “khủng” về kích thước mà còn lạ mắt bởi dáng dấp uốn lượn với nhiều dáng thế.

So với loại cây khác, thân nguyệt quế cứng và giòn, nếu sửa không khéo rất dễ làm gãy cành

DUY TÂN

Giới thiệu về 2 cây nguyệt quế được coi như báu vật có tên “Nhất trụ kình thiên” và “Nửa vầng trăng”, ông Sanh cho biết đây là những cây lâu năm nhất trong vườn, dáng thế độc, lạ hiếm có, lại chứa nhiều kỷ niệm ý nghĩa.

Cây nguyệt quế “Nhất trụ kình thiên” có dáng trực, một thân một cột. Cây có bộ đế đẹp, hoành đế gần 1,2 m, cao gần 3 m. Đặc biệt, thân cây xoắn tự nhiên từ gốc đến ngọn. “Cây thẳng như măng tre vươn lên giữa trời nên tôi đặt nó giữa sân nhà ngụ ý nhắc con cháu phải sống ngay thẳng, chính trực như quân tử", lão nông U.80 chia sẻ.

Nhiều cây dáng thẳng đứng, thân uốn lượn như đan vào nhau

DUY TÂN

Cây nguyệt quế mang tên “Nửa vầng trăng” có phần nhánh nằm ngang, dáng hoành uốn lượn. Giá trị nằm ở bề hoành có kích thước lớn, các chi có dáng xiêu hay dáng huyền. “Do nhánh cây uốn éo và có hướng đổ xuống nên tôi chỉnh sửa giống lại theo hình dáng oval. Nếu nhìn kỹ trông như nửa vầng trăng”, ông Sanh nói thêm.

Một cây nguyệt quế có bề hoành gốc kích thước lớn

DUY TÂN

Theo ông Sanh, việc chỉnh tạo dáng cho cây cũng theo từng thời điểm và thị hiếu. Trước kia, ông chỉ sửa nguyệt quế theo lối kiểng cổ. Tuy nhiên, thời gian về sau, nhu cầu chơi kiểng bonsai nở rộ, ông cũng nhanh chóng cập nhật và thay đổi cách tạo dáng theo xu thế.

Để có thêm kinh nghiệm, ông tìm tòi học hỏi từ nghệ nhân, sách báo và cả mạng xã hội. Ngoài ra, ông còn tham khảo những trường phái sửa kiểng nổi tiếng và thịnh hành để làm đẹp cho khu vườn của mình.

Một trong những cây nguyệt quế có dáng thế lạ mắt

DUY TÂN

“Chuyển từ dáng kiểng cổ sang bonsai vừa tốn thời gian, vừa phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, mắt thẩm mỹ và kiên trì nhẫn nại. So với loại cây khác, thân nguyệt quế cứng và giòn, nếu sửa không khéo rất dễ làm gãy cành”, ông Sanh cho biết.

Để có những cây nguyệt quế có dáng thế độc lạ, ông Sanh phải kỳ công cắt tỉa, uốn dáng

DUY TÂN

Hiện có rất nhiều cây nguyệt quế trong vườn được nhiều người đến tận nơi ngỏ ý mua với giá vài tỉ đồng nhưng ông Sanh chưa có ý định bán. Sắp tới, ông dự định dưỡng cây để đem cây đi tham dự các cuộc thi hoa kiểng trong và ngoài nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.