'Độc' nhất quán ốc Sài Gòn không bao giờ tăng giá, vừa ăn vừa ngắm tàu lửa

29/11/2020 12:07 GMT+7

Nằm cuối con hẻm cách xa khói bụi thành phố, quán ốc An hấp dẫn thực khách bởi không gian thoáng mát, không ồn ào, đồng giá 25.000 đồng và có thể vừa ăn vừa ngắm tàu chạy. Đặc biệt quán ốc Sài Gòn này không bao giờ tăng giá.

“Mẹ ơi tàu kìa!”. Một đứa trẻ thốt lên khi có đoàn tàu chạy qua, những đứa trẻ khác cũng ngơ ngác thích thú nhìn theo đoàn tàu chạy vụt qua trên đường ray. Những tiếng reo hò tưởng chừng như chỉ có ở làng quê lại có thể nghe được ở quán ốc cuối một con hẻm trên đường Phạm Văn Đồng dưới chân cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Quán ốc dưới chân cầu Bình Lợi: Vừa ăn vừa ngắm tàu hỏa ở Sài Gòn

Vừa ăn vừa ngắm tàu

Cũng như những vị khách khác, tôi được bạn bè giới thiệu đến quán ốc An, người này giới thiệu người kia nên quán ốc dần được biết đến nhiều hơn. Lần đầu đến quán, tôi cũng rất ngạc nhiên khi ở cuối hẻm nhưng không gian quán thoáng và mát mẻ, quán lại ở ngay dưới chân đường tàu. Chính vì vậy, không chỉ hấp dẫn với người lớn, quán còn níu chân được một lượng “khách nhí” đáng kể.

Quán còn hấp dẫn rất nhiều vụ khách nhí đến quán

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chủ quán là anh Phan Đình An (33 tuổi), anh An chia sẻ bản thân cũng khá bất ngờ vì lượng khách đến quán ngày càng tăng so với thời gian mới mở quán cách đây 4 năm trước. Anh kể lại, trước đây mẹ của anh đẩy gánh ốc bán trên đường, sau nhiều năm tích góp thuê lại căn nhà. Vì không đủ kinh phí thuê mặt bằng ở mặt tiền nên phải thuê một khoảng đất trống phía cuối cùng trong hẻm, gần đường ray xe lửa.
Mẹ của anh An (mặc áo xanh) vẫn phụ con trai bán ốc vào mỗi tối
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
“Mỗi tối tàu chạy nhiều chuyến, chạy liên tục vậy đó. Cách đây vài tháng nay thì mới bắt đầu xây cầu đường ray nên tàu nâng cao lên. Trước đây chưa xây chân cầu, đường sắt nằm ngay sát đường mà khách vẫn ngồi ăn ốc sát bên đường tàu luôn”, anh nói.
Cùng con gái đến quán để ăn ốc, chị Phạm Thị Hoàng Dung (ngụ Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Quán này mở cũng được mấy năm rồi mình ăn từ đó đến nay. Một tháng mình đi một lần vào cuối tuần, tuần nào cũng đi, ngoài ra thì ngày nào rảnh là đưa bé đi., bé thích ngắm tàu đi ngang qua đây. Nó bảo mẹ ơi dẫn con tới chỗ có tàu hay đi ngang qua nó không biết đường nhưng mà nó nhớ quán”.

Quán bán đa dạng các loại ốc.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tuy nhiên, vì nằm trong con hẻm cụt và gần sông, những ngày mưa lớn quán rất dễ bị ngập nước. Có khi đang ăn mà mưa lớn quá, một số khách vội về vì sợ ngập nhưng một vài người vẫn ở lại để ăn ốc giữa mênh mông nước.
“Có khi ngồi gác chân trên ghế nữa mà người ta vẫn ngồi ăn như thường. Ăn xong rồi còn hỏi dép đâu rồi vì trôi đi hết. Nhiều cô gái để dép trên ghế một hồi cái quên luôn”, một vị khách kể lại.

Không bao giờ tăng giá

Quán ốc An mở cửa từ 17 giờ đến 23 giờ hàng ngày (trừ ngày 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng). Từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 là giờ quán đông khách nhất.
Quán bán đa dạng các loại ốc như ốc tỏi, ốc búa, ốc bươu, ốc len, ốc gai, sò mai, sò điệp, hào, nghêu, chân gà, ốc móng tay, ốc giác,... Một phần ốc đồng giá 25.000 đồng. Chỉ riêng ốc móng tay xào rau muống nếu xào chung thêm với mì sẽ tính 30.000 đồng, 2 gói thì sẽ là 35.000 đồng.

Một món nướng ở quán

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chạy môt vòng Sài Gòn thường thấy ốc giá 30.000 đồng/phần là ít, nhưng suốt 4 năm qua quán ốc An vẫn giữ giá 25.000 đồng/phần dù giá lấy ốc tăng dần. Vì có lượng khách ổn định, trừ các khoản chi phí, mỗi ngày anh An lời khoảng 2 triệu đồng từ tiền bán ốc.

Người làm ở quán chủ yếu là người nhà phụ bán lúc cao điểm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Trước đó mấy năm thì giá ốc khá là rẻ, nhưng kể từ năm mình đi bán thì giá ốc nó tăng dần lên, giá ốc đến bây giờ là rất cao nhưng mình đã tuyên bố với khách ngay từ những ngày đầu mình bán. Chỉ trừ khi mình nghỉ thôi chứ mình còn bán thì mình sẽ không bao giờ lên giá”, anh An bộc bạch.
Anh giải thích thêm, lý do không tăng giá ốc vì muốn khách ăn được nhiều món hơn. Anh bày tỏ nếu để giá 25.000 đồng thì với 100.000 đồng thực khách có thể ăn được 4 dĩa ốc, nhưng nếu tăng giá lên 30.000 đồng/dĩa thì chỉ có thể ăn được 3 món, tính tiền cũng dễ dàng hơn.

“Thà để khách chờ còn hơn làm ẩu”

Công đoạn khó nhất và tốn nhiều thời gian nhất với chủ quán là công đoạn làm ốc vì bán nhiều loại mà loại nào cũng phải sơ chế thật kỹ, rửa thật sạch. Chỉ có nghêu và sò huyết là không luộc còn lại đều phải luộc qua nước sôi.
Đối với anh An, Buôn bán là phải có tâm. Anh tâm sự dù lúc khách đông cũng như khách vắng anh không bao giờ làm ẩu. Nếu đến quán vào giờ cao điểm, có thể dễ dàng thấy cảnh khách đông ngồi chật kín bàn. Những lúc như vậy thực khách phải đợi khá lâu hơn bình thường để thưởng thức các món ăn.

Không gian quán khá thoáng mát và rộng rãi

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng có vài vị khách đợi lâu nên tính tiền về trước dù chưa đủ món ăn đã gọi. Tuy nhiên, anh An không lo lắng mà giải thích: “Tôi thà để khách đợi lâu còn hơn là làm ẩu. Ví dụ hôm nay đến người ta đợi lâu quá người ta giận nhưng ngày sau họ vẫn ghé lại họ ủng hộ mình. Còn mình làm ẩu không ngon thì lần sau người ta không ghé nữa”, anh nói.

Thực khách vừa ăn vừa có thể ngắm tàu

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Là một khách quen của quán ốc Sài Gòn, chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (24 tuổi) chia sẻ: “Mình biết đến quán ốc là do một người anh dẫn đi, mình từng đi ăn ở những quán ốc khác nhưng mà nhìn chung thì giá cả vừa phải, ốc khá tươi. Khi tan làm đến quán sẽ ngắm được hoàng hôn, tạo cho mình một cảm giác thoải mái hơn khi tách biệt với mặt đường, đi ăn vui hơn. Trong khi đó mình cũng có thể đợi tàu chạy qua cảm giác như trở về thời học sinh khi học tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.