Dốc sức khắc phục hậu quả mưa lũ

23/07/2018 05:22 GMT+7

Các tỉnh miền Bắc đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp cuộc sống người dân sớm ổn định trở lại.

Sơ tán khẩn cấp hơn 1.000 hộ dân
Ngày 22.7, tại các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) không có mưa, nhưng do nước từ phía thượng nguồn đổ về đã khiến nước sông Bưởi chảy qua 2 huyện trên dâng cao. Chỉ tính từ 3 - 17 giờ cùng ngày, mực nước sông Bưởi tại TT.Kim Tân (H.Thạch Thành) dâng từ 11 lên 11,97 m. Nước sông dâng gây ngập nhà dân từ 1 - 2 m, chính quyền địa phương phải tổ chức sơ tán khẩn cấp 872 hộ ở xã Thành Mỹ, Thành Trực, Thành Tiến, Thành Kim, Thành Hưng, Thành Thọ của H.Thạch Thành; sơ tán 152 hộ dân ở các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành của H.Vĩnh Lộc.
Tại Ninh Bình, mực nước sông Hoàng Long qua địa phận các huyện Nho Quan và Gia Viễn tiếp tục dâng cao. Vào lúc 7 giờ ngày 22.7, mực nước sông Hoàng Long đã vượt mức báo động 3. Nước sông Hoàng Long dâng đã làm rò rỉ mang tường bể xả trạm bơm Gia Viễn, rò rỉ mang phía hạ lưu tràn Lạc Khoái, tràn cục bộ tuyến đê bao Hoa Tiên xã Gia Hưng (H.Gia Viễn), tràn đê bao sông Bôi các xã Gia Thủy và Gia Lâm (H.Nho Quan).
Mưa lớn cũng khiến hệ thống đê nhiều nơi tại Hà Nội xảy ra sự cố. Trong ngày 22.7, trên địa bàn nhiều xã dọc theo sông Tích thuộc H.Chương Mỹ và H.Quốc Oai bị sạt lở tổng cộng khoảng 40 m chân đê. Nước tràn qua 5 km đê khiến 234 nhà dân và nhiều tuyến đường giao thông liên xã ngập lụt. Chính quyền các địa phương huy động 706 bộ đội, 1.160 dân quân và 1.595 người ở nhiều lực lượng khác nhau tham gia ứng phó với sự cố này.
Tại Quảng Ninh, tối 22.7, đoạn QL18 qua P.Quang Hanh (TP.Cẩm Phả) đã thông xe sau hơn 2 ngày tê liệt vì ngập lụt. Trước đó, sáng cùng ngày, UBND TP.Cẩm Phả huy động 200 bộ đội, công an cùng máy bơm công suất lớn, xe chữa cháy để hút nước, giải tỏa điểm úng ngập. Chiều 22.7, tại Quảng Ninh đã tạnh mưa, Tỉnh đội Quảng Ninh cử 500 cán bộ, chiến sĩ giúp dân vùng lũ.
Đưa điện thoại vệ tinh vào tận xã
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, cho biết trong ngày 22.7, các cơ quan chức năng, lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận được các khu vực bị cô lập tại các xã Nậm Mười, Sùng Đô và An Lương (H.Văn Chấn). Đường ô tô bị lũ cuốn vẫn đang tiếp tục được san bạt, đắp lại đường với mục tiêu trong hôm nay 23.7 sẽ đưa được phương tiện cơ giới vào, đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong ngày, điện thoại vệ tinh đã được đưa vào các xã Sùng Đô và Nậm Mười để duy trì kết nối, điều phối các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy lực lượng đưa vào cứu trợ đến các xã. Hệ thống thông tin liên lạc của các địa phương bị hư hỏng chưa thể khắc phục. Theo ông Hưng, cho đến cuối giờ chiều 22.7, lực lượng tìm kiếm của tỉnh Yên Bái đã tìm thấy 11 thi thể, còn 6 người khác đang mất tích.
Tại Phú Thọ, trong ngày 22.7, nhiều khu vực ngập lụt do nước tràn mái đê ở huyện Thanh Sơn khiến 3.700 hộ dân bị ngập đã rút nhanh nhưng lượng bùn đất để lại rất lớn. Người dân bắt đầu dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống. Trong khi đó, sự cố cầu Minh Đài bị mưa lũ làm đứt gãy vẫn đang được tu sửa khẩn trương. Trực tiếp đi thị sát hiện trường, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, yêu cầu Sở GTVT tỉnh huy động phương tiện, tích cực sửa chữa để đưa cầu hoạt động trở lại trong đầu tháng 8. Thống kê đến hết ngày 22.7, mưa lũ ở Phú Thọ gây thiệt hại 270 tỉ đồng.
Ông Hà Công Thẻ, Chủ tịch UBND H.Mai Châu, cho biết mưa lũ trong những ngày vừa qua khiến đoạn QL6 tại ngã ba Tòng Đậu (xã Tòng Đậu) ngập lụt nặng nề. Ngày 22.7, mực nước ngập sâu nhất lên tới 1,5 m và trên đoạn đường dài khoảng 400 m. Giao thông từ Hòa Bình đi Sơn La và ngược lại bị cô lập hoàn toàn. Cũng theo ông Thẻ, trong ngày các lực lượng chức năng đã khơi thông các dòng chảy khu vực và đang chờ nước rút dần. “Nếu trời không mưa thì phải cần 2 ngày tới đoạn đường này mới thoát khỏi cảnh bị ngập lụt, giao thông mới thông tuyến trở lại”, ông Thẻ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.