Độc tính khác xa phản ứng phụ

25/07/2012 14:12 GMT+7

Như bất cứ dược phẩm nào, trên tờ hướng dẫn của thuốc kháng sinh cũng đề cập đến phản ứng phụ, nghĩa là những hậu quả tai hại có thể xảy ra trong và sau khi dùng thuốc, dù người bệnh dùng thuốc đúng cách, thầy thuốc cho thuốc đúng chỉ định.

Riêng với thuốc kháng sinh, hình thức cảnh báo như thế trên thực tế vẫn không đủ diễn tả mức độ tai hại do việc lạm dụng thuốc kháng sinh.

Mách phải có chứng

Không chỉ ngành y tế ở nhiều nước tiên tiến mà ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh quá bừa bãi ở các nước đang phát triển, như ở xứ mình. Ai chưa tin xin thử mua thuốc kháng sinh nào đó không cần toa. Nhiều khi dễ hơn mua báo! Không lạ gì nếu nước ta đứng đầu về lờn thuốc kháng sinh. Nói cách khác, nhiều người đang tiếp tục vét hầu bao mua một thứ thuốc nào đó không còn hiệu quả.

Độc tính khác xa phản ứng phụ
Không thể lạm dụng thuốc kháng sinh - Ảnh: N.C.T 

Nói thêm một thí dụ cụ thể, như ở CHLB Đức, ngành y tế bên đó ắt hẳn đã có lý do chính đáng khi quyết định biện pháp chế tài cứng rắn với thầy thuốc biên toa cho thuốc kháng sinh mà không dẫn chứng về tình trạng nhiễm khuẩn. Các hãng bảo hiểm y tế bên đó không thanh toán cho các toa thuốc tái khám có thuốc kháng sinh, nếu thầy thuốc không chứng minh lý do cho thuốc bằng xét nghiệm đi kèm.

Không hẳn lúc nào cũng kháng sinh

Lời cảnh báo về tai hại của thuốc kháng sinh hoàn toàn hợp lý vì theo kết quả thống kê được thực hiện qua công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm ở nhiều nước châu Âu, không dưới 3/4 trường hợp được chẩn đoán là viêm xoang không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tệ hơn nữa, hơn phân nửa số bệnh nhân bị bội nhiễm đường hô hấp được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng không đúng liều lượng!

Tiếng chuông báo động về mặt trái của thuốc kháng sinh hoàn toàn không chút cường điệu, vì lạm dụng thuốc kháng sinh, bên cạnh chuyện lờn thuốc khiến vi khuẩn thảnh thơi chiếm thế thượng phong, là lý do dẫn đến đủ loại phản ứng phụ trên đường tiêu hóa (tiêu chảy), tủy xương (thiếu máu), thần kinh (đau nhức), da niêm (dị ứng)... Chưa kể các trường hợp nghiêm trọng như viêm gan, suy thận... chỉ vì dùng thuốc mà không biết dừng lại đúng lúc!

Trẻ con nào có tội tình chi

Phản ứng phụ, nói đúng hơn, độc tính của thuốc kháng sinh càng rõ nét hơn nữa ở trẻ con bị nhồi thuốc dù không cần thiết. Cơ thể trẻ vừa nhạy cảm hơn người trưởng thành, vừa thiếu kháng thể do hệ miễn dịch của trẻ còn đang trong giai đoạn non nớt. Trẻ đúng là rất cần thuốc kháng sinh, nhưng không nhất thiết vì thế phải dùng thuốc đến độ phản ứng phụ, thậm chí tai hại hơn căn bệnh nguyên thủy.

Biết là vi khuẩn trăm mưu ngàn chước, nhưng cũng có nhiều cách khác để bảo vệ trẻ con, thay vì chỉ dựa vào thuốc kháng sinh khi thuốc đằng nào cũng chỉ là phương tiện thụ động. Trẻ không thể vô cớ viêm họng ngày này qua tháng khác. Điều trị mà không tìm nguyên nhân thì thao tác của thầy thuốc chẳng qua là rượt đuổi theo căn bệnh, nghĩa là cách mấy cũng chậm chân vài bước. Đáng buồn, thậm chí đáng trách, khi không thiếu trẻ đang suy dinh dưỡng vì ăn không vô sau nhiều chục ngày bị bơm thuốc kháng sinh.

Nói thế không để bài bác thuốc kháng sinh. Trái lại là khác, bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh khi đúng chỉ định, bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh cho đến khi đạt hiệu quả kháng khuẩn một cách chắc chắn. Nhưng không thể dùng thuốc kháng sinh như thuốc cảm, không thể cho thuốc kháng sinh như chuyện thường tình, không thể dùng hoài một thuốc kháng sinh như in sẵn trên toa mà không thắc mắc tại sao bệnh hoài không hết!

Ngày nào thuốc kháng sinh còn bị lạm dụng theo kiểu “đau gì cũng uống thuốc kháng sinh”, ngày nào dược phòng còn bán thuốc kháng sinh không cần toa, ngày nào còn thiếu mạng lưới bác sĩ gia đình để thực hiện công đoạn định bệnh thật sớm, ngày nào chưa có tổ chức y sĩ đoàn thật sự có chức năng chế tài để kiểm soát trung thực chất lượng phục vụ của thầy thuốc, ngày đó trẻ con xứ mình còn phải khổ nhiều với việc cho thuốc kháng sinh vô tội vạ!

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng / Tuổi Trẻ
(Trung tâm điều trị oxy cao áp TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.