Buổi tối hôm qua, tôi hòa vào dòng người đổ về công viên Mia bên bờ biển. Đây là một trong những tụ điểm lễ hội mà nước chủ nhà Qatar và TP.Doha đã xếp đặt để chào đón người hâm mộ bóng đá khắp năm châu.
Dấu mốc của Qatar và Trung Đông
Từ công viên Mia này, tôi đi bộ dọc theo con đường Corniche men theo bờ vịnh, vượt qua tượng đài ngọc trai ghi dấu di sản của một lịch sử, khi những người khai thác ngọc trai đã làm nên sự thịnh vượng của vùng đất, trước cả thời kỳ dầu mỏ được khai thác. Điểm đến của tôi là công viên Al Bidda, giờ đây đã được dựng thành một khu fanfest (khu lễ hội người hâm mộ) khổng lồ. Mỗi ngày, các chuyến xe buýt đưa đón miễn phí đều chạy qua đây, từng đợt cách nhau chừng 10 phút.
Ở trên bục cao sát mép nước, tôi bắt gặp một nhóm phóng viên truyền hình Tây Ban Nha đang sắp xếp cảnh quay, phía hậu cảnh là những tòa nhà chọc trời lung linh trong đêm ở bên kia khoảng vịnh hẹp. Ba người dẫn chương trình, là những gã đàn ông ngoại quốc trông rất vụng về trong chiếc áo dài truyền thống (thobe) của Qatar, đã sẵn sàng lên sóng.
Tác giả trò chuyện với các công nhân Nepal và Ấn Độ đang hối hả hoàn thành khu fanfest |
Đỗ Hùng |
“Thưa quý vị khán giả, xin được chào đón quý vị đến với Doha!”, một người dẫn chương trình nói sau khi máy quay và đèn chiếu sáng bật lên. Từ nơi quê nhà xa xôi của họ, khán giả hẳn đã có được một cơ hội chạm tới Doha, chạm tới hơi nóng của thời tiết và của một mùa World Cup có một không hai.
Vâng, sau rất nhiều những chuẩn bị, sau bao tranh cãi và xung đột, tố cáo và tẩy chay, World Cup rốt cuộc đã đến. Doha và Qatar đã làm hết mình, để cho lần đầu tiên của họ, cũng như của thế giới Ả Rập, trở thành một sự kiện lịch sử đáng nhớ, và không chỉ là bóng đá.
“Đăng cai World Cup 2022 là một khoảnh khắc lịch sử cho Qatar và Trung Đông. Hơn một triệu khách đến đây sẽ có dịp hòa mình vào văn hóa, trải nghiệm sự hiếu khách của người dân Qatar”, ngài Akbar Al Baker, CEO của Qatar Airways và đứng đầu Cục Du lịch (Qatar Tourism), chia sẻ.
Khám phá văn hóa, bên cạnh bóng đá, là một lời mời gọi khó cưỡng. Chinh phục những sa mạc cát lan tới sát làn nước biển xanh biếc, chạm vào đời sống của dân du mục Bedouin, hòa mình vào đất nước nơi có cư dân thuộc 160 quốc tịch khác nhau sinh sống dài hạn để trải nghiệm văn hóa đa sắc, ngắm nhìn những thiếu nữ trong bộ đồ đen trùm kín từ đầu đến chân đầy bí ẩn giữa những khu đô thị sầm uất phóng khoáng đậm chất phương Tây, Qatar mang đến những trải nghiệm độc đáo.
Những người Doha hâm mộ bóng đá đang ngóng từng ngày tới World Cup |
Vị trí địa lý của Doha cùng với sự phồn thịnh của Qatar đã biến nơi đây trở thành cửa ngõ của thế giới Ả Rập. Vị trí này cũng tạo nên một sự thuận lợi đáng kể khó ngờ, đó là có khoảng 50% dân số thế giới nằm trong phạm vi bán kính khoảng 6 giờ bay tính từ Doha. Vị trí mang tính “trung điểm” này giúp một nửa thế giới đến Qatar xem bóng đá gặp nhiều thuận lợi, khi tránh phải bay những chuyến vượt đại dương dài hơn 10 tiếng đồng hồ.
Sân bay quốc tế Hamad, nơi mỗi năm đón khoảng 30 triệu lượt hành khách trung chuyển hoặc đến với Qatar, giờ đây lần đầu tiên được đón những cầu thủ siêu sao, những đoàn CĐV sôi nổi. Tất cả cùng đến đây, khuấy động đất nước giàu mạnh nhưng có phần khẽ khàng khép nép này, trong suốt một tháng trái bóng lăn.
Sau những tranh cãi về quá trình xây dựng, rốt cuộc Qatar đã hoàn thiện được một trong những cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup tốt nhất từ trước đến nay. Tàu điện hiện đại và các nhà ga khang trang, rộng rãi, với biển chỉ dẫn rõ ràng. Sự liên kết khoa học giữa tàu điện và các phương tiện vận chuyển công cộng khác giúp việc đi lại rất tiện lợi. Điểm đặc biệt là nước chủ nhà đã tỏ ra hào phóng khi miễn phí di chuyển bằng phương tiện công cộng cho tất cả những người đến Qatar với thẻ Hayya (một dạng giấy phép nhập cảnh) từ ngày 10.11 - 23.12. Điều đó giúp các CĐV tiết kiệm chi phí đi lại. Xe đưa đón được bố trí dày đặc để đưa đón người hâm mộ từ các nhà ga chính, các làng CĐV đến địa điểm thi đấu hoặc khu fanfest.
Một trong những điểm đặc biệt thuận lợi chỉ có ở kỳ World Cup này là cự ly rất ngắn giữa các sân đấu, hai sân cách nhau xa nhất chỉ chừng 80 km, cho nên CĐV, phóng viên không cần phải đổi chỗ ở từ thành phố này sang thành phố khác để xem các trận đấu khác nhau. Cơ bản thì chỉ cần thuê chỗ ở tại Doha, sau đó đi tới các địa điểm xem bóng đá, tan trận thì lại trở về Doha.
Tôi yêu Doha
Đất nước Qatar có khoảng 2,9 triệu dân, trong đó chỉ có 8% là người Qatar, còn lại là người nước ngoài tới đây sinh sống và làm việc lâu dài. Họ đến từ Philippines, VN, Thái Lan, Sri Lanka, Nepal, Uganda, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, nhưng có lẽ nhiều nhất là những người đến từ tiểu lục địa Ấn Độ, những người mang đến các món ăn, màu da và giọng nói rất dễ nhận biết.
Một Qatar hiện đại và giàu truyền thống chào đón người hâm mộ bóng đá |
Nhìn vào tỷ lệ dân số như vậy, có thể thấy đất nước Qatar không chỉ của người Qatar. Sự phồn thịnh của nơi đây được tạo nên từ những người Ấn Độ làm bồi bàn; người Sri Lanka làm thợ hồ; người Philippines làm giúp việc và buôn bán ở chợ Philippines trên khu Souq Waqif; người Uganda làm nhân viên tàu điện...
Khi World Cup diễn ra, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu người đến với đất nước này. Nghĩa là trong tạm thời, số người có mặt tại Qatar có thể tăng lên hơn 3 triệu, thậm chí gần 4 triệu. Nghĩa là cứ khoảng 2 - 3 người dân định cư lâu dài ở Qatar thì sẽ có 1 người đến đây trong mùa bóng đá. Cán cân này trong điều kiện thông thường sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro quá tải. Nhưng Qatar với sự giàu có tột đỉnh của mình đã tạo ra những điều kiện vật chất tốt nhất để có thể dung nạp được chừng ấy con người đến với bóng đá.
Để có một kỳ World Cup trọn vẹn, thuận tiện cho những người yêu bóng đá, hơn 20.000 tình nguyện viên đã được huy động. Họ được huấn luyện từ nhiều ngày qua để đảm nhận nhiệm vụ khác nhau: trực trong trung tâm báo chí, chạy việc bên trong sân đấu, hướng dẫn ở sân bay hoặc nhà ga tàu điện, phục vụ tại khu fanfest. Họ sẽ giúp các CĐV bốn phương đi lại dễ dàng, để có thể thưởng thức trọn vẹn hành trình World Cup.
World Cup 2022 bước vào giai đoạn tổng duyệt để khai mạc |
đỗ hùng |
“Tôi đã sống 12 năm ở đây, kiếm tiền gửi về Kenya. Tôi đã nhận được rất nhiều từ lòng hiếu khách của người Qatar. World Cup là dịp tôi tỏ lòng hiếu khách với người khác”, anh Barasa Mwangi, người Kenya - đang làm tình nguyện viên ở ga tàu Msheireb, chia sẻ. Chỉ về phía một nhóm CĐV Brazil đang hát hò ồn ào khi vừa ra khỏi một chuyến tàu điện trên đường màu đỏ, Barasa nhận xét: “Khách đang dần đông lên và vui hơn. Những người mới đến sôi nổi hơn dân địa phương”.
Barasa là một CĐV bóng đá và anh rất mong được gặp thần tượng Sadio Mane. Tuy nhiên, với công việc đứng chốt ở ga tàu, anh khó mà có được cơ hội được đứng cách các thần tượng ở cự ly gần như những tình nguyện viên làm việc tại phòng họp báo, bên trong sân vận động, tại khách sạn hoặc sân tập của các đội bóng.
“Với tôi, đây là một trải nghiệm có một không hai. Tôi có thể sẽ được nhìn thấy Messi và Ronaldo. Trước đây tôi chưa từng dám nghĩ đến điều đó”, anh chàng tình nguyện viên Talal Al-Emad chia sẻ khi tôi hỏi về những mong muốn của anh.
Đường phố Doha với màu sắc rực rỡ |
đỗ hùng |
Với Doha, với Qatar và với cả Trung Đông và thế giới Ả Rập, World Cup 2022 là một cột mốc lịch sử. Những cá nhân như Barasa hay Talal cũng có những ước mong thầm kín và dấu mốc lịch sử của riêng mình.
“Chào anh, anh là người nước nào? Anh đến xem World Cup à?”, thỉnh thoảng tôi dừng lại trước những câu hỏi (hay lời chào) như vậy khi đi dọc công viên Mia. Người hỏi thường là những cậu bé đội mũ gahfiya trắng trên hè phố.
“Vâng, tôi đến đây vì bóng đá, vì World Cup”.
“Chào đón anh tới Doha!”, một cậu bé nói. “Anh nói “Tôi yêu Doha” đi”, một cậu bé gợi ý. Tôi hấp tấp làm theo mà không hề suy nghĩ gì nhiều.
Bình luận (0)