Doha giữa làn sóng người hâm mộ

24/11/2022 08:57 GMT+7

Người hâm mộ đang đổ về Doha, sống chen chúc trong các phòng trọ, kiên nhẫn xếp hàng rồng rắn trước nhà ga; nhiều bất tiện và khó khăn, nhưng ai cũng không muốn bỏ lỡ trải nghiệm chỉ có một lần trong đời.

Căn phòng trọ của tôi trên tầng 3 khu phức hợp Ezdan thuộc khu phố Al Sadd vừa đón thêm những vị khách mới. Davis đến từ Canada. Kim đến từ Hàn Quốc. Daniel đến từ Mexico. Sau đó lại có thêm một anh Ba Lan và một anh Ma Rốc nữa. Căn phòng ba giường tầng thoạt đầu chỉ có tôi và Davis, giờ đã kín người. Những phòng xung quanh cũng thế.

Từ phòng trọ chan hòa

“Chúng tôi kín chỗ từ khai mạc tới ngày 30.11. Sau đó thì có chỗ trở lại, nhưng sẽ lại sớm kín thôi”, anh chủ nhà Adel chia sẻ. Anh đã mua thêm hai cái giàn phơi áo, vài chiếc ghế đặt trong phòng ăn, vài lốc nước đóng chai, bột giặt; rồi chạy tới chạy lui hỗ trợ khách trọ cài ứng dụng gọi xe Uber, ứng dụng đặt đồ ăn talabat.

Hôm đầu tiên tới đây, tôi đã tò mò hỏi Adel làm sao để đặt món machboos truyền thống của Qatar. Đó là cơm và gà nướng, nhưng cơm ở đây được tẩm ướp nhiều hương liệu, ăn thơm nồng mùi vị Ả Rập. Các phiên bản khác của machboos cũng là những món ăn truyền thống của các nước khác nhau trong thế giới Ả Rập. Adel đã chỉ cho tôi đặt món ăn từ quán Afghan Brothers. “Quán này làm machboos rất chất lượng, đúng chất Ả Rập. Tôi thỉnh thoảng cũng đặt ở đây”, anh nói. Tôi kể với anh ta là hôm trước tôi đã đặt món Ấn Độ, đó là món cơm gà biryani. “Anh tới đây thì thử món Ả Rập đi, ngon hơn món Ấn Độ nhiều lắm”, Adel nói.

Không khí bóng đá trong căn phòng trọ bình dân nhưng giá “trên trời” mà tôi đang ở tại Doha

Đỗ Hùng

Những con người chưa từng quen nhau đột nhiên chung sống trong một không gian chật hẹp, ấy vậy mà nhanh chóng trở nên chan hòa. Bóng đá đã kéo mọi người xích lại gần nhau, dù chỉ ở chung trong một không gian vài ngày, dù ngôn ngữ có thể bất đồng. Hôm trước, tôi rời sân 974, chìm vào giữa dòng người Mexico cuồn cuộn từ ga tàu Ras Bu Abboud, nửa đêm mới lết về nhà trọ, bụng đói lả. Ông già người Ecuador ở phòng bên thường hay ồn ào vào đêm khuya thấy tôi thì cười cười, loay hoay một hồi lâu mới nghĩ ra được từ “friend” (anh bạn). Tôi đáp “amigo” (bạn, tiếng Tây Ban Nha). Ông cười thích thú khi thấy tôi nói ngôn ngữ của ông. “Amigo”, ông đáp lại. Người đàn ông cao niên này mới đến đã ồn ào, sau khi Ecuador thắng trận khai mạc ông lại càng ồn ào hơn. Nhưng ông thích giao thiệp, luôn cố gắng nói chuyện với mọi người, dù hầu như không nói được tiếng Anh.

Hôm đó, ông đãi tôi món cơm chiên cùng trứng ốp la. Tôi như bắt được vàng, rối rít cảm ơn nhưng vẫn tò mò hỏi: “Đây là món truyền thống Ecuador à?”. Ông bảo không phải. “Tôi mới nghĩ ra đấy. Ở đây không thể làm món Ecuador được, mà tôi cũng không rành nấu nướng đâu. Đi thế này mua đồ về nấu cho tiện và đỡ tốn tiền thôi”. Giá phòng trọ tăng cao, các dịch vụ ăn uống cũng thế, nên tự nấu ăn là một giải pháp khả dĩ để giúp nhiều cổ động viên có hầu bao không quá rủng rỉnh cầm cự qua mùa World Cup, ở nơi vốn ngày thường đã rất đắt đỏ này.

Buổi sáng hôm qua, khi vừa thức dậy, tôi thấy Davis treo lá cờ Canada lên chiếc giường của anh ở phía bên trong. Anh chàng Mexico giường tầng phía trên cũng cắm một lá cờ Mexico nho nhỏ, bên cạnh chiếc mũ rộng vành đặc trưng.

“Bữa giờ tôi xem bóng đá ở Fan Festival (trước đây gọi là Fan Fest). Hôm nay World Cup của tôi mới thực sự bắt đầu. Tôi sẽ đến sân Ahmad Bin Ali Stadium để cổ vũ cho đội tuyển của tôi trong trận đấu với Bỉ”, Davis tâm sự. Anh nói rằng dù Canada bị đánh giá thấp hơn, nhưng anh vẫn hy vọng. Thật trùng hợp là tôi cũng có kế hoạch đến đó, nên chúng tôi hẹn nhau gặp mặt trên khán đài, chụp chung một tấm hình cho một trải nghiệm khó quên.

“Anh biết không, sau mười ngày ở Qatar, tôi sẽ đến Thái Lan, rồi đến Việt Nam. Tôi bay từ Bangkok sang Hà Nội, thăm vịnh Hạ Long, Nha Trang và một vài nơi mà tôi không nhớ tên”, Davis chia sẻ. Tiết lộ bất ngờ của Davis làm tôi thích thú, nên liền tận dụng quảng bá thêm về quê hương của mình, dù rằng mọi sự quan tâm lúc bấy giờ của anh ta đều xoay quanh trái bóng tròn và trận đấu của Canada sắp tới.

Dù giá cả đắt đỏ và trải qua nhiều bất tiện nhưng các cổ động viên đang được trải nghiệm một bầu không khí bóng đá khó quên

Đến những biển người cuồn cuộn

Hôm xem trận Mexico - Ba Lan trên sân 974, tôi đã không trở về bằng xe buýt đưa đón dành cho báo chí. Thay vào đó, tôi hòa vào dòng người cuồn cuộn khoảng hai cây số từ sân đấu tới ga tàu điện Ras Bu Abboud. Tôi chọn cho mình chỗ đứng ở giữa những cổ động viên, để thấy họ từ cự ly gần, để lắng nghe câu chuyện của họ. Cơ mà giữa biển người đông đặc và đầy phấn khích ấy, đôi lúc tôi cũng không khỏi rờn rợn, mường tượng tới các sự cố chen lấn, giẫm đạp gần đây.

Thực ra thì sự cố đã từng xảy ra vào những ngày hôm trước. Trong đại nhạc hội trước khai mạc một ngày, cảnh hỗn loạn đã xuất hiện tại khu vực lối vào khu Fan Festival khổng lồ ở Corniche, trung tâm Doha. Hàng ngàn người chen lấn, thậm chí xô đẩy hàng rào cảnh sát bảo vệ. Cảnh tương tự đã lặp lại sau đó chỉ một ngày, trước trận khai mạc giữa chủ nhà Qatar và Ecuador. Hàng ngàn người hâm mộ xô đẩy với hàng rào cảnh sát để tiến vào bên trong. Nhiều người đã khóc khi bị kẹt giữa đám đông. Không ít người thất lạc nhau. Nước chủ nhà Qatar đã chuẩn bị rất nhiều năm cho World Cup, nhưng có những thứ họ vẫn chưa lường hết được, nhất là quy mô của các đám đông.

Bản tin World Cup (24.11): Samurai xanh hạ đẹp người Đức | “Nhấp chén say” ở xứ sở đạo Hồi

“Tôi đã có mặt ở đấy. Bên trong rất ổn, nhưng ở lối vào thì tình hình rất lộn xộn. Giữa một đám đông khổng lồ đang nóng nảy, anh sẽ không thể biết được điều gì tồi tệ sẽ xảy ra đâu”, Davis thuật lại trải nghiệm của mình ở Fan Festival. Davis là một trong hàng chục ngàn người đã vào được bên trong, nhưng còn hàng ngàn người khác buộc phải trở về.

“Nếu chờ thì có lẽ cũng vào được, nhưng tôi không thích cảnh lộn xộn ấy. Tôi cũng không thích cảnh người ta uống bia, hoặc ngửi thấy mùi bia rượu từ những người xung quanh. Thế nên tôi về xem truyền hình”, anh Ibrahim Atif, người đồng chủ nhà ở khu nhà trọ nơi tôi thuê, chia sẻ. “World Cup rất tuyệt vời, tôi thích nó được tổ chức ở đây. Nhưng tôi cũng không muốn nó trở thành một dịp để thay đổi lối sống theo cách xấu hơn”. Đấy là Ibrahim đang nói về việc phải nhìn thấy người khác uống bia nơi công cộng.

Rút kinh nghiệm từ các sự cố ở khu Fan Festival, ban tổ chức địa phương đã dần cải thiện, điều chỉnh để có thể phục vụ một lượng người lớn chưa từng có. Khi tôi đến khu Fan Festival bên bờ biển vào trưa hôm qua để ghi nhận không khí trước trận Croatia gặp Ma Rốc, lực lượng cảnh sát và các đội an ninh tư nhân đã được triển khai để kéo giãn người hâm mộ từ cách điểm xem truyền hình trực tiếp vài cây số. Các bộ phận chức năng được tổ chức và hoàn thiện hơn, như bộ phận hỗ trợ tìm trẻ em lạc, tìm hành lý thất lạc, bộ phận cấp cứu, cứu hỏa và xử lý các tình huống khẩn cấp.

Fan Festival vì thế đã hoạt động trơn tru, ngoại trừ các nhà vệ sinh lúc có nước lúc không thì đã không có sự cố nào đáng kể nữa. Cổ động viên trở nên an tâm khi tới nơi này xem bóng đá, hoặc chỉ đơn giản là để tận hưởng không khí lễ hội đặc biệt. “Tôi chỉ có vé xem hai trận, nhưng tôi ở đây gần hai tuần. Tôi tới Fan Fest mỗi ngày, không khí thật ấn tượng”, Will Abubakar, chàng trai Nigeria mà tôi gặp trong khu Fan Fest, chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh tập trung đông người, chiến thuật phân luồng, kéo giãn dòng người đã được triển khai bên ngoài sân vận động sau mỗi trận đấu. Khi đứng giữa dòng người chủ yếu là dân Mexico xếp hàng dài chờ tàu điện bên ngoài ga Ras Bu Abboud, tôi đã phải mất cả tiếng đồng hồ mới vào được bên trong nhà ga. Dù thế, mọi người vẫn trật tự, và cảnh sát chủ động ngăn các đám đông thành từng khúc để tránh tình trạng co cụm, chen lấn.

“Đông thật đấy. Nhưng đông mới vui”, một anh chàng Mexico đang đứng chờ cạnh tôi nói trong một cuộc chuyện trò ngẫu hứng. Vâng, đông mới vui, và sẽ vui hơn nữa nếu an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.