Sĩ kể: “Bác sĩ bảo ba bị tai biến mạch máu não, uống thuốc cỡ 3 tháng sẽ khỏe. Nhưng mãi đến bây giờ ba em vẫn nằm một chỗ". Trước đó không lâu, anh trai của Sĩ bị tai nạn. Còn mẹ của Sĩ thuộc diện mất sức lao động nên từ đó, Sĩ vừa đi học vừa trở thành lao động chính của gia đình.
|
Những ngày cuối năm lớp 12, Sĩ vừa đi làm, vừa chăm sóc ba và anh trai vừa lo chuyện thi cử. Ấy vậy mà Sĩ vẫn chẳng hé một lời tâm sự cùng ai. Dũy, bạn thân cùng lớp, ở gần nhà với Sĩ, kể: “Chuyện của Sĩ chỉ có một số bạn thân biết. Vì bạn ngại nên giấu mọi người và cô chủ nhiệm. Nhưng do Sĩ nghỉ học nhiều để đi làm nên tụi em bàn với cô tới thăm, động viên bạn ấy cố gắng hoàn thành hết năm học”.
Cô Đỗ Thị Thùy Dương, chủ nhiệm lớp 12A3 của Sĩ và Dũy cho biết: “Cả 2 em đều là học sinh nghèo nhưng là đầu tàu của lớp trong học tập và các phong trào. Gia đình của Sĩ và Dũy đều có ba bệnh nặng (ba của Dũy bị động kinh đã 4 năm nay - PV), nguồn thu nhập chính chỉ là 2, 3 sào lúa”.
Cô Dương kể: “Do lớp có phong trào học nhóm, mà Sĩ và Dũy đều là học sinh rất khá, chính vì vậy, tôi có giao cho 2 em kèm những bạn yếu hơn. Có hôm, cả hai phải đạp xe hơn 10 cây số để học nhóm với bạn mình. Sĩ và Dũy là học sinh tiêu biểu nhất và cũng có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp”.
Chính vì thương học trò nghèo nên mỗi khi có học bổng gì cô Dương đều dành cho Sĩ và Dũy, mỗi hoạt động cô đều tổ chức quyên góp ủng hộ các bạn. Nhờ sự động viên của thầy cô, bạn bè nên tổng kết năm lớp 12, cả Sĩ và Dũy đều giữ vững thành tích học sinh khá 3 năm THPT, được nhà trường tặng 500.000 đồng/em theo diện học sinh nghèo vượt khó.
Phần thưởng ấy cộng với nguồn vay mượn, dành dụm được 1,2 triệu đồng, mẹ của Dũy đã gửi hết cho con ra Quy Nhơn dự thi. Số tiền này là tất cả chi phí dành cho việc thuê nhà trọ, ăn uống của Dũy trong 10 ngày ở thành phố.
Đó là với Dũy. Còn với Sĩ, giấc mơ đại học đến đây vẫn còn xa vời lắm. Mãi đến tối 30.6, Sĩ nhận được tin nhắn của Dũy báo rằng ở Quy Nhơn có chỗ ăn, ở miễn phí. Lập tức, Sĩ báo với mẹ và bà đã vay “nóng” cho Sĩ 500.000 đồng làm lộ phí đi thi. Ngay sáng hôm sau Sĩ vội vàng xách ba lô lên đường ứng thí. Sĩ bộc bạch, nếu không có chùa Hiển Nam (Quy Nhơn) giúp đỡ có lẽ giờ này em đang cấy lúa hoặc dẫy cỏ.
Bài, ảnh: Minh Úc
>> Những lưu ý để làm tốt bài thi ĐH
>> Thanh Hóa: Hơn 1.000 phòng trọ giá rẻ cho thí sinh thi ĐH
>> Học sinh trường quốc tế vẫn được thi ĐH
Bình luận (0)