Bước ngoặt cho sự trở lại
Đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng từng là thế lực của bóng đá sinh viên. Năm 2008, đại diện đến từ miền Trung từng đánh bại đội mạnh Trường ĐH Thủy lợi trên sân Thống Nhất để vô địch giải toàn quốc. Nhưng sau đó, họ đã biến mất trên bản đồ bóng đá sinh viên khi không tham dự bất kỳ giải đấu nào.
Mãi cho đến lúc này, sau 16 năm vắng bóng, đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng mới tái xuất, khi tham dự giải bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam lần II - 2024 Cúp THACO. Ngay trong lần đầu trở lại, đội bóng này dù không sử dụng những cầu thủ chuyên sâu ngành bóng đá (theo quy định của điều lệ giải), nhưng vẫn được đánh giá rất cao. Bởi, các sinh viên thi tuyển vào Trường ĐH TDTT Đà Nẵng vốn đã có lợi thế về mặt thể chất, được trang bị sẵn tư duy chiến thuật trong thi đấu thể thao nói chung… Bên cạnh đó, đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng còn được dẫn dắt bởi một HLV dạn dày kinh nghiệm Nguyễn Hữu Thịnh.
Nhận được nhiều sự kỳ vọng từ giới chuyên môn là vậy, nhưng đâu đó vẫn còn sự lo lắng, khi đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng nằm cùng nhóm với đương kim vô địch ĐH Huế tại vòng loại khu vực Duyên hải miền Trung, được tổ chức thi đấu ngay trên đất cố đô. Tuy nhiên, đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng đã biết cách chứng tỏ bản lĩnh, càng chơi càng hay để chinh phục được khán giả cả về mặt chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu.
Ở sân chơi nào cũng vậy, trận ra quân luôn khó khăn. Đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng cũng rơi vào tình cảnh như thế, khi dường như như vẫn chưa kịp bắt nhịp và thi đấu bế tắc trước đội Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng ở lượt trận đầu tiên. Thế nhưng đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thịnh đã biết cách gỡ nút thắt để có màn khởi đầu suôn sẻ với chiến thắng chung cuộc 2-0. Kể từ đó, khi các cầu thủ đã bắt đầu “nóng máy” cộng với sự điều chỉnh phù hợp của HLV Hữu Thịnh về mặt chiến thuật lẫn tâm lý, đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng đã thể hiện một lối chơi mượt mà hơn.
Đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng (áo đỏ) có lực lượng đồng đều ở các tuyến
NHẬT THỊNH
Đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng giành chiến thắng thuyết phục 6-0 trước đội Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế, để “chạy đà” cho trận đấu được xem là chung kết của khu vực với đương kim vô địch ĐH Huế ở lượt cuối cùng. Trong trận đấu có tính chất quyết định cho suất dự VCK toàn quốc, đại diện đến thành phố sông Hàn đã vượt ải thành công, khi đánh bại nhà vô địch ĐH Huế với tỷ số 3-2. Qua đó, đoàn quân của HLV Nguyễn Hữu Thịnh giành vé vào VCK tại TP.HCM, đánh dấu sự trở lại ấn tượng sau hơn một thập niên ẩn mình.
Chờ tiền vệ “phủi” tiếp tục tỏa sáng
Trước khi vòng loại khu vực miền Trung khởi tranh, HLV Nguyễn Hữu Thịnh từng có lời nhận xét: “Bóng đá là môn thể thao tập thể, nên quan trọng là toàn đội phải chơi gắn kết, đồng lòng thì mới mong tạo nên sức mạnh và giành được chiến thắng. Đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Nhưng trong đó, đội trưởng Lê Tấn Tịnh sẽ là một thủ lĩnh, cả về mặt chuyên môn và tinh thần khi đội bóng tập luyện, thi đấu”.
Những đánh giá của HLV Hữu Thịnh đã được chứng minh, khi hành trình tiến đến VCK giải bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam lần II - 2024 Cúp THACO của đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng mang đậm dấu ấn của chàng thủ quân mang áo số 14 Lê Tấn Tịnh. Khi đội bóng đang rơi vào thế bế tắc, Lê Tấn Tịnh đã tỏa sáng đúng lúc với bàn thắng không tưởng ở phút bù giờ của hiệp 1, từ chấm… đá phạt góc. Đây là bước ngoặt quan trọng của trận đấu, góp phần mang lại 3 điểm cho đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng ngày ra quân. Bàn thắng khó tin này cũng là pha lập công đầu tiên của vòng loại khu vực Duyên hải miền Trung.
Kể từ khoảnh khắc xuất thần đó, Tấn Tịnh luôn là ngôi sao sáng nhất của đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng. Cầu thủ sinh năm 2002 khéo léo, giàu kỹ thuật. Được bố trí chơi ở khu trung lộ, tiền vệ 22 tuổi luôn là cầu nối hữu hiệu giữa tuyến dưới và tuyến trên. Tấn Tịnh như một "nhạc trưởng" trong lối chơi, khi hầu hết các đường bóng triển khai của đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng đều qua chân cầu thủ này. Chàng trai quê Quảng Nam đóng vai trò cầm nhịp với khả năng giữ bóng tốt và "chia bài" cho các đồng đội rất hợp lý.
Không chỉ góp phần giúp đội bóng của mình có thế trận tốt và đưa đồng đội vào thế thuận lợi để lập công, Lê Tấn Tịnh còn cho thấy khả năng làm bàn không thua gì một tiền đạo. Với kỹ thuật cá nhân tốt, anh biết cách tự tạo cơ hội để tìm kiếm bàn thắng. Dù chơi ở vị trí tiền vệ nhưng Tấn Tịnh lại là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở vòng loại khu vực duyên hải miền Trung với 4 lần đốt lưới đối phương.
Tấn Tịnh tỏa sáng với cú đúp bàn thắng vào lưới đội Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế. Chính anh cũng là người ghi bàn "chốt hạ", ấn định chiến thắng giúp đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng vượt qua đương kim vô địch ĐH Huế. Nếu bàn thắng đầu tiên của vòng loại khu vực là cú treo bóng khó tin từ chấm phạt góc vào thắng khung thành đối phương, thì bàn thắng cuối cùng là pha đi bóng đột phá từ giữa sân rồi lập công đầy ấn tượng từ chính đôi chân của Tấn Tịnh.
Lê Tấn Tịnh có kỹ thuật và tư duy chơi bóng tốt một phần là vì anh được trui rèn trong môi trường bóng đá "phủi". Tiền vệ này hiện đang khoác áo CLB Hiếu Hoa Quahaco (Đà Nẵng), từng vô địch giải bóng đá 7 người Cúp quốc gia 2023.
Tại VCK giải bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam lần II - 2024 Cúp THACO, Lê Tấn Tịnh chắc chắn vẫn là niềm hy vọng của đội Trường ĐH TDTT Đà Nẵng. Với đội hình đồng đều và có cả ngôi sao, tân binh đến từ khu vực miền Trung hứa hẹn sẽ rất đáng xem tại sân cỏ Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM).
Trường Đại học TDTT thao Đà Nẵng, tiền thân là trường Trung học TDTT Trung ương III, được thành lập ngày 13.12.1977, nâng cấp thành trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng năm 1997 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành Trường ĐH TDTT III Đà Nẵng ngày 25.4.2007. Đến ngày 21.2.2008, theo Quyết định số 720/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, trường được đổi tên thành Trường ĐH TDTT Đà Nẵng.
Sau hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH TDTT Đà Nẵng đã đào tạo trên 14.000 cán bộ, giảng viên, giáo viên giáo dục thể chất, huấn luyện viên TDTT có trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp. Học sinh, học viên, sinh viên của trường được trang bị toàn diện, đầy đủ về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, vì vậy khi ra trường đã sớm khẳng định được năng lực công tác. Nhiều cựu học sinh, sinh viên, học viên của trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, giáo viên, huấn luyện viên giỏi, được các cơ sở sử dụng nhân lực và các địa phương, xã hội đánh giá cao.
Trường còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, tạo vị thế là trung tâm đào tạo, khoa học và công nghệ TDTT của khu vực miền Trung, Tây nguyên và cả nước.
Bình luận (0)