Đồi Chậu Cảnh, trận đánh đi vào sách giáo khoa quân sự

29/07/2015 09:33 GMT+7

(TNO) Trong suốt hơn một tháng sau khi nổ ra chiến tranh biên giới 1979, trước sự tấn công ồ ạt, áp đảo, “lấy thịt đè người” của quân Trung Quốc xâm lược, các lực lượng của Việt Nam hầu như chỉ chiến đấu ở thế phòng ngự.

(TNO) Trong suốt hơn một tháng sau khi nổ ra chiến tranh biên giới 1979, trước sự tấn công ồ ạt, áp đảo, “lấy thịt đè người” của quân Trung Quốc xâm lược, các lực lượng của Việt Nam hầu như chỉ chiến đấu ở thế phòng ngự.

Đồi Chậu Cảnh, trận đánh đi vào sách giáo khoa quân sự  1
Tin, bài trên báo Quân đội Nhân dân năm 1979 - Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, có một trận đánh đặc biệt diễn ra tại khu vực đồi Chậu Cảnh thuộc mặt trận Lạng Sơn. Đặc biệt vì đây là trận đánh hiếm hoi mà ta đã chủ động tổ chức tấn công, quét sạch một tiểu đoàn Trung Quốc xâm lược chiếm đóng tại một vị trí chiến lược.
Vị trí chiến lược
“Đó là một trận đánh để lại cho tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên, là cuộc chiến đấu trong thời bình. Đối tượng kẻ thù mới, mà trước đó còn là đồng chí”, đại tá Đỗ Ngọc Ngòi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng), người đã trực tiếp chỉ huy trận Chậu Cảnh nhớ lại.
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc tung hơn 60 vạn quân mở cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta mà Lạng Sơn là một trong những hướng tấn công chủ yếu. Từ rạng sáng 17.2 địch đã tổ chức một lực lượng luồn sâu do bọn người Hoa phản động dẫn đường bất ngờ khu vực đồi Chậu Cảnh, cắt đứt tuyến đường 1A từ Lạng Sơn đi Đồng Đăng.
Những tên lính Trung Quốc xâm lược bị quân và dân Cao Bằng, Lạng Sơn bắt - Ảnh: Thế Thuần (TTXVN)
Theo đại tá Đỗ Ngọc Ngòi, việc chiếm vị trí này đã được địch tính toán kĩ do có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng. “Chậu Cảnh là một cụm đồi cỏ 3 mỏm (A, B, C) với độ cao trung bình khoảng hơn 300m, nằm ở phía bắc, cách thị xã Lạng Sơn khoảng 10 km. Chiếm được khu vực đồi Chậu Cảnh, địch sẽ khống chế được tuyến đường 1A Lạng Sơn – Đồng Đăng, việc tiếp tế chi viện cho Trung đoàn bộ binh 12 và các lực lượng chiến đấu ở khu vực Đồng Đăng, Na Sầm, Văn Lãng gặp rất nhiều khó khăn”, đại tá Đỗ Ngọc Ngòi phân tích.
“Nắm Chậu Cảnh, địch cũng khống chế được toàn bộ hoạt động của ta từ ga Tam Lung đến khu vực Nậm Thoỏng, Hoàng Đồng, nông trường chè và phía Bắc thị xã Lạng Sơn”, đại tá Đỗ Ngọc Ngòi chỉ ra thêm.
Trước tình hình đó, ta quyết định bằng mọi cách phải tiêu diệt lực lượng địch ở đồi Chậu Cảnh, khôi phục lại trận địa, nối thông đường vận chuyển, tiếp tế từ Lạng Sơn lên Đồng Đăng đối với trung đoàn 12 và các lực lượng chiến đấu ở khu vực Bắc thị xã Lạng Sơn, đảm bảo an toàn cho hậu phương của sư đoàn.
Chiến sĩ đơn vị 12 đang đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc - Ảnh: Hải Nam (Xưởng phim quân đội)
Đại tá Ngòi cho biết trước đó đơn vị của ông là lực lượng dự bị của sư đoàn 3, đóng quân ở khu vực bản Loỏng (Km 2, phía nam thị xã Lạng Sơn). 8 giờ sáng ngày 17.2 chúng tôi được lệnh cơ động lên đồi khu vực đồi chè thuộc xã Hoàng Đồng xây dựng công sự, trận địa, chờ mệnh lệnh sư đoàn.
“19 giờ ngày 18.2, tôi có mặt tại sở chỉ huy sư đoàn ở đèo Văn Vĩ (phía nam thị xã Lạng Sơn), trực tiếp đồng chí thượng tá Nguyễn Duy Thương, Tư lệnh trưởng sư đoàn giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 3 tổ chức vận động tiến công tiêu diệt quân địch ở đồi Chậu Cảnh”, đại tá Ngòi kể.
Để phục vụ cho trận đánh này, tiểu đoàn được tăng cường một đại đội DKZ 75, một trung đội cối 120mm, một trung đội cao xa 12ly 7 của trung đoàn. Về phía địch, trinh sát nắm tình hình cho biết tại khu vực Chậu Cảnh có khoảng 1 tiểu đoàn.
Thời gian tiến công được Tư lệnh trưởng sư đoàn quyết định là ngày 20.2.
Nhà dân ở phố Nhị Thanh, khu Kỳ Lừa bị quân Trung Quốc xâm lược phá hủy
Đến khoảng 5 giờ ngày 19. 2, toàn bộ đội hình tiểu đoàn 3 và lực lượng tăng cường đã tập kết đúng vị trí quy định, an toàn, bộ đội xây dựng công sự, trận địa, tổ chức sinh hoạt, bổ sung vũ khí trang bị.
“15 giờ ngày 19.2, tôi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đại đội thực địa, tham dự buổi giao nhiệm vụ ngoài lực lượng của tiểu đoàn, còn có chỉ huy các đơn vị tăng cường. Đồng chí thượng úy Lã Vinh Dự, trung đoàn phó trung đoàn 2, đồng chí thượng úy Lưu Minh Thảo, tham mưu phó trung đoàn, thay mặt Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn 2 dự”, đại tá Ngòi nhớ lại.
Phương án tiến công được đại tá Ngòi triển khai gồm hai hướng. Hướng chủ yếu từ phía nam đánh lên, vị trí triển khai là phía bắc làng Thâm Lũng, lực lượng là đại đội bộ binh 11, được tăng cường một trung đội của đại đại đội bộ binh 9. Đại đội trưởng là đồng chí Lê Văn Thư, chính trị viên là đồng chí Nguyễn Huy Ngọc. Hướng thứ yếu sẽ từ phía tây đánh lên, vị trí triển khai là lâm trường Quán Hồ và trạm gác đèn Quán Hồ, lực lượng là đại đội bộ binh 10, Đại đội trưởng là đồng chí Phan Bá Mạnh, chính trị viên là đồng chí Nguyễn Văn Phúc.
Lực lượng dự bị là đại đội bộ binh 9 thiếu 1 trung đội bố trí ở bản Phân, sau đội hình của đại đội bộ binh 11, đại đội trưởng là đồng chí Trịnh Đình Hạnh, chính trị viên là đồng chí Vũ Văn Dược. Vị trí chỉ huy tiểu đoàn và hỏa lực bố trí ở đồi Dài. Hậu cần trạm phẫu của tiểu đoàn ở phía đông ga Tam Lung.
“17 giờ tôi trực tiếp báo cáo phương án tác chiến với Tư lệnh sư đoàn và được đồng chí hoàn toàn đồng ý. Đồng chí cân nhắc đảm bảo tuyệt đối bí mật, hiệp đồng chặt chẽ giữa hỏa lực và xung lực đồng thời thông báo kế hoạch chi viện hỏa lực của sư đoàn cho tiểu đoàn chiến đấu”.
Ngày 19.2 pháo Trung Quốc tiếp tục bắn vào ga Tam Lung, đồi Không Tên, bản Phân, Thâm Lũng, sườn Nam 601 trục đường 1A, khu vực đường vào xã Thụy Hùng và bắc đồi chè không thành quy luật. “Lực lượng tiểu đoàn và các đơn vị tăng cường vẫn an toàn và đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, khí thế bộ đội tốt, có quyết tâm chiến đấu cao. Một đợt thi đua đột kích được phát động ngay chiều 19.2”, Đại tá Ngòi kể.
23 giờ ngày 19. 2 các đơn vị bắt đầu hành quân chiếm lĩnh trận địa và đến 4 giờ ngày 20.2 các đơn vị cơ bản vào đúng vị trí.
Hình ảnh bộ đội xung trận
“Tuy nhiên có một sự cố bất ngờ xảy ra là có một trung đội thuộc đại đội 10 đi lạc vào chân cao điểm 409. Sau khi phát hiện ra, đại đội cho móc quay lại, đến 5 giờ sáng thì đơn vị này thì về đúng vị trí trong đội hình chiến đấu của đại đội 10”.
“Theo kế hoạch 5 giờ ngày 20.2 thì nổ súng tiến công nhưng do trời sương mù dày quá, tôi báo cáo đồng chí thiếu tá Nguyễn Lư, Trung đoàn trưởng trung đoàn 2 xin phép đến 5 giờ 30 mới nổ súng”.
“Trước trận đánh tôi cũng có nhiều lo lắng. Trong kháng chiến chống Mỹ tôi chỉ huy chiến đấu ở cương vị đại đội trưởng nhưng chưa bao giờ chỉ huy nhiều hỏa lực như trận này. Chiến trường không quen thuộc, thời gian chuẩn bị gấp gáp, địa hình phức tạp. Trong trận đánh này hầu hết là chiến sĩ nhập ngũ năm 1978, mới qua thời gian huấn luyện rất ngắn”, đại tá Ngòi kể.
Trận đánh đi vào sách giáo khoa quân sự
Đúng 5 giờ 30 sáng 20.2, các loại hỏa lực của ta đồng loạt bắn vào khu vực Chậu Cảnh khoảng 30 phút. Dứt hỏa lực bộ đội bắt đầu xung phong. Đại tá Ngòi vẫn nhớ rõ từ vị trí quan sát của mình ông thấy hướng tiến công đại đội 10 thuận lợi vì có đường lâm nghiệp, bộ đội dễ tiếp cập mục tiêu. Ngược lại hướng đại đội 11 rừng rậm núi cao, dốc, việc xung phong đánh chiếm mục tiêu gặp nhiều khó khăn.
“Quan sát thấy thực tế trên tôi ra lệnh cho đại đội 10 tăng sức chiến đấu chi viện cho đại đội 11, đồng thời ra lệnh cho đại đội 9 trừ một trung đội di chuyển vận động lên sau đội hình chiến đấu của đại đội 10”.
Sau khi pháo binh của ta chuyển làn bắn vào khu vực các điểm cao 409, 611, 811 cũng đang do địch chiếm giữ thì hỏa lực của Trung Quốc ở Chậu Cảnh bắt đầu bắn trả quyết liệt. Tuy nhiên đến khoảng 6 giờ 30 thì đại đội 10 đã chiếm được mỏm C, đại đội 11 chiếm được một phần mỏm B, địch co về giữ mỏm A. “Tôi đề nghị hỏa lực của trung đoàn và ra lệnh cho hỏa lực tiểu đoàn tập trung bắn vào mỏm A và đề nghị pháo binh sư đoàn bắn kiềm chế trận địa hỏa lực của địch ở 409, 611, 811 đang bắn vào đội hình chiến đấu của tiểu đoàn”.
Theo đại tá Ngòi, cuộc chiến đấu ở mỏm A diễn ra rất ác liệt. “Địch lợi dụng công sự với sự chi viện của hỏa lực chống trả quyết liệt, ta với địch giành giật từng công sự, từng đoạn chiến hào, có lúc lực lượng ta bị đánh bật về mỏm B song bộ đội ta chiến đấu ngoan cường, hiệp đồng tương đối tốt, đẩy lùi địch từng bước khỏi mỏm A và đến khoảng 8 giờ ngày 20.2 ta chiếm được đỉnh mỏm A, số tàn quân địch chạy về cao điểm 409. Ta cơ bản làm chủ khu vực Chậu Cảnh, các đơn vị làm nhiệm vụ tảo trừ, giải quyết thương binh, liệt sĩ, củng cố công sự trận địa sẵn sàng đánh địch phản kích”.
Đại tá Ngòi cho biết trong trận đánh này ta tiêu diệt và làm bị thương 150 tên Trung Quốc xâm lược, về phía ta có 31 đồng chí bị thương và hy sinh. 17 giờ chiều 20.2 đại tá Ngòi đã bàn giao trận địa Chậu Cảnh cho tiểu đoàn bộ binh 1 mà trực tiếp là đồng chí Đinh Công Vì tiểu đoàn phó và đồng chí Vĩ, đại đội trưởng nhận.
Theo Đại tá Ngòi đây là trận chiến đấu có ý nghĩa quan trọng. Sau chiến thắng Chậu Cảnh, đường 1A Đồng Đăng - Lạng Sơn không bị chia cắt, việc tiếp tế chi viện cho trung đoàn 12 và các lực lượng chiến đấu ở khu vực phía Bắc thị xã Lạng Sơn gặp thuận lợi. Địch không còn khống chế được các hoạt động của ta, đảm bảo an toàn cho hậu phương của sư đoàn.
Tù binh sau trận đánh Chậu Cảnh
Đại tá Ngòi cho biết, trận đánh Chậu Cảnh ngày 20.2.1979 đã được ghi nhận là một trận vận động tiến công có nhiều ưu điểm, sau này một số học viện, nhà trường quân đội đã lấy làm tài liệu học tập, huấn luyện cho các thế hệ học viên.
“Kể lại trận chiến đấu này, tôi muốn gửi lời tri ân đối với tất cả các đồng đội ở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, cả những người đã hy sinh và những người còn sống. Chúng ta đã làm tròn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, xứng đáng với truyền thống của Sư đoàn 3, Sư đoàn Sao vàng Anh hùng”, đại tá Ngòi nhắn nhủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.