Đội 'đặc nhiệm' y tế

Duy Tính
Duy Tính
13/04/2025 06:28 GMT+7
0:00
00:00
Bài tóm tắt
Ngọc Huyền

Chọn giọng đọc

Sở Y tế TP.HCM thời gian qua hình thành Tổ công tác đặc biệt để giải quyết vấn đề 'nóng' của ngành y tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Báo cáo nhanh của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho thấy, có hiện tượng thực hiện trái phép về phẫu thuật chuyển giới tại TP.HCM và "cò" dẫn ra nước ngoài làm dịch vụ này. Trước tình hình khá phức tạp và cũng nhạy cảm này, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP.HCM điều tra nhiều hướng theo lời kể khá mơ hồ của người bệnh và cả trên không gian mạng, làm việc với những người liên quan. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng có văn bản báo cáo Bộ Y tế về vụ việc.

Mới đây, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo phòng ban liên quan kiểm tra ngay xe cứu thương hú còi chở nghệ sĩ ra mắt phim Âm dương lộ trên đường Cao Thắng (Q.3). Chỉ vài tiếng sau đó, vụ việc đã sáng tỏ, chiếc xe cứu thương này thuộc diện không phép, từng bị xử phạt. Thông tin được công bố ngay trên các phương tiện truyền thông.

Đó là một số trong hàng chục vụ việc mà Tổ công tác đặc biệt (TCTĐB) đã làm trong 1 năm qua mà chưa nhiều người biết.

 - Ảnh 1.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra một phòng khám thực hiện KCB, quảng cáo không phép

ẢNH: DUY TÍNH

Chủ động vào cuộc

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TCTĐB ra đời từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, khi xuất hiện ngày càng nhiều hành vi vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh (KCB) như hoạt động không phép, hành nghề không bằng cấp, quảng cáo sai sự thật, lợi dụng mạng xã hội để trục lợi...

Giám đốc Sở Y tế nhận thấy cần có mô hình quản lý linh hoạt, chủ động, hoạt động chuyên sâu và phối hợp nhanh giữa các phòng ban. Vì vậy, từ tháng 4.2024, TCTĐB được thành lập. TCTĐB hình thành cơ chế hoạt động trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế. Hằng ngày, TCTĐB tập trung giao ban các "điểm nóng", "vấn đề nóng", tiếp nhận chỉ đạo trực tiếp và triển khai ngay các phản ứng nhanh, kịp thời. TCTĐB cũng có cơ chế phối hợp linh hoạt, hiệu quả với các lực lượng chức năng: Công an TP.HCM, UBND các quận, huyện.

Có thể kể đến vụ việc "Mr.Lee" hành nghề thẩm mỹ không phép, liên tục thách thức cơ quan quản lý trên mạng xã hội. Sau nhiều lần xử phạt, đến tháng 1.2025, ông này bị Công an TP.Thủ Đức bắt tạm giam. Một số trường hợp KCB, quảng cáo trái phép khác như "Q'Aman Beauty" ở Q.1, "New World" tại Q.3 hay "Đông y Hồng Lý" tại Q.Bình Tân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và đã bị xử lý nghiêm…

"Có thể nói việc quản lý, giám sát quảng cáo trên không gian mạng là vấn đề mới, khó, hiện các quy định chưa rõ ràng và hiệu quả, còn kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Biện pháp quản lý hậu kiểm đang được bàn thảo như là một giải pháp ưu tiên và chúng ta đang mong đợi có những quy định càng cụ thể càng tốt trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo", người đứng đầu ngành y tế TP.HCM chia sẻ.

Trong thực tiễn kiểm tra xử lý, các đối tượng vi phạm cũng liên tục sử dụng nhiều chiêu thức, thủ thuật mới để đối phó với đoàn kiểm tra, như khóa cửa các phòng hoạt động KCB; dán biển hiệu "khu vực của chủ nhà", "khu vực không hoạt động", cung cấp thông tin không trung thực… Có những cơ sở cố tình không chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính; đăng ký kinh doanh với nhiều pháp nhân và loại hình kinh doanh khác nhau tại cùng một địa điểm và thay đổi tên cơ sở kinh doanh sau khi bị kiểm tra và xử lý. Hay quảng cáo tại địa chỉ này nhưng khi bệnh nhân đến lại chuyển bệnh nhân qua cơ sở khác không phép trong cùng hệ thống. Sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo, TikTok… đăng tải các thông tin quảng cáo, đưa hình ảnh và clip có nội dung về kết quả làm dịch vụ để dẫn dụ khách. Đáng lưu ý là các trang này chỉ để số điện thoại liên lạc, không có địa chỉ cụ thể.

 - Ảnh 2.

Những máy móc giảm béo tại một cơ sở KCB không phép

ẢNH: DUY TÍNH

Thậm chí, có cơ sở lấy địa chỉ của các bệnh viện khác "biến" thành cơ sở của mình để quảng cáo trên mạng nhằm tạo sự tin cậy "ảo" cho người có nhu cầu. Hoặc đăng ký hoạt động ngành nghề là chăm sóc da, spa, massage… nhưng làm xâm lấn (có tiêm chích filler, botox, sử dụng máy laser, máy RF…), lấn sân sang lĩnh vực y tế...

Một vấn nạn khác là một số cơ sở sử dụng thủ thuật "che mắt" cơ quan chức năng bằng cách nói có giấy phép hoạt động KCB chuyên khoa da liễu, nhưng lại quảng cáo, cung cấp dịch vụ giảm béo trái phép chủ yếu để hợp thức hóa việc sử dụng các máy laser, RF trong điều trị các bệnh lý về da nhưng thực tế sử dụng cho các dịch vụ "giảm béo bằng công nghệ cao"…

"Điều này đòi hỏi công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực KCB cũng luôn thay đổi để theo kịp thực tiễn. Và TCTĐB là một trong những giải pháp Sở đã triển khai trong 1 năm qua, song song với nhiều giải pháp khác", PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Giải pháp khi Thanh tra Sở Y tế TP.HCM không còn

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khi Thanh tra Sở Y tế kết thúc hoạt động theo quy định, TCTĐB vẫn tiếp tục hoạt động và phát huy những mặt tích cực đạt được như thời gian qua.

Đặc biệt, theo kế hoạch, Sở Y tế TP.HCM sẽ thành lập Tổ kiểm tra (TKT), giải quyết khiếu nại, tố cáo khi không còn Thanh tra Sở. Trước mắt, TKT sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban giám đốc sở. Nhiệm vụ của TKT là tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, TCTĐB cũng sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu mới, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm quy định về hành nghề KCB và quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.

"Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội không nên vội tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận qua nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt là tham khảo Cổng tra cứu hành nghề y dược của Sở Y tế, để tránh những biến chứng, thiệt hại về tài chính đáng tiếc có thể xảy ra", Giám đốc Sở Y tế nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.