Gần 3 giờ “một chọi một” giữa 2 ứng viên lọt vào “chung kết” trong cuộc đua vào Điện Élysée đã thu hút hơn 17 triệu bạn xem đài tại Pháp. Đến nay vẫn chiếm ưu thế từ 7-10% số phiếu trong các thăm dò về tỷ lệ bỏ phiếu vòng 2, ông François Hollande muốn tiếp tục khẳng định vị trí của mình. Ngược lại, ứng viên đảng cầm quyền UMP cũng xem đây là cơ hội sau cùng để lật ngược thế cờ, nuôi hy vọng tiếp tục “giữ chìa khóa” Điện Élysée thêm một nhiệm kỳ.
Buổi tranh luận nóng lên ngay từ những phút đầu khi ông Sarkozy phàn nàn thường xuyên bị những thành viên đảng Xã hội so sánh với các chính trị gia nổi tiếng chuyên quyền trong lịch sử. Sau đó, tất cả các chủ đề được trình bày trong thế đối đầu nảy lửa. Cả hai không ngừng chen vào, cắt lời nhau và lên giọng thể hiện bất bình.
|
Ông Sarkozy và ông Hollande lần lượt bàn về những vấn đề thu hút mà người dân Pháp đang quan tâm nhất như: việc làm, khủng hoảng tại châu Âu, người nhập cư, hạt nhân... Ứng viên đảng Xã hội thể hiện đúng hình ảnh của một chính trị gia cánh tả muốn khẳng định khẩu hiệu “gắn kết người Pháp” khi nêu lên những giải pháp như “hợp đồng thế hệ”. Đây là cách giảm thuế cho các công ty đồng ý tuyển dụng những lao động trẻ tuổi và tạo điều kiện cho các nhân viên sắp nghỉ hưu được tiếp tục làm việc để truyền thụ kinh nghiệm. Ông Hollande cũng cho rằng lối ra cho khủng hoảng tại EU không thể chỉ dựa vào biện pháp thắt lưng buộc bụng, mà còn phải chú trọng đến phát triển kinh tế thông qua đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học...
Bên kia chiến tuyến, Tổng thống Sarkozy hầu như bỏ lơ những giải pháp của riêng ông để tập trung đả kích các lập luận do đối thủ đề ra. Qua đó, ông Sarkozy muốn chứng tỏ mình rành rẽ chính trường hơn bằng hàng loạt con số thống kê. Tuy nhiên, khác với những nhận xét trước kia, ông Hollande chẳng hề “nhu mì” hay “thiếu chính kiến”. Ông liên tục bắt đối phương phải bình luận về kết quả 5 năm cầm quyền của mình, vốn không mấy tươi sáng. Ông Hollande ăn miếng trả miếng về từng con số thống kê với đương kim tổng thống, tỏ ra rất bình tĩnh khi bị gọi là “kẻ vu khống, dối trá”.
Ngược lại, Tổng thống Sarkozy vẫn chứng tỏ được tài hùng biện của ông. Ông Sarkozy đã gây khó khăn cho đối thủ về những phát biểu không thống nhất trong vấn đề trại tị nạn của người nhập cư. Thế nhưng, về tổng thể, ông Sarkozy vẫn không thành công trong việc chứng tỏ sự vượt trội về kinh nghiệm chính trường trước một đối thủ chưa từng làm bộ trưởng.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
(từ Paris, Pháp)
>> Bầu cử Pháp nóng vì tin đồn
>> Tổng thống Pháp đối mặt với các cáo buộc trước thềm bầu cử
>> Vụ bê bối tình dục của ông Strauss-Kahn là một mưu đồ chính trị?
>> Sự trỗi dậy của cực hữu Pháp
Bình luận (0)