Đối đầu với 'ông lớn'

07/03/2021 06:52 GMT+7

Những quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính được đánh giá là khả thi để kiểm soát thuế với các “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, Google...

Theo đó, nếu trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài như Google, Facebook, Amazon… không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì bên mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài sẽ kê khai nộp thuế thay cho họ và được tính vào chi phí khi kê khai thuế thu nhập.
Chuyện quản lý thuế với các dịch vụ xuyên biên giới đã nói nhiều năm nay nhưng nhà thuế nhìn chung vẫn còn hết sức lúng túng. Trong khi các “ông lớn” này đang thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Điều này cũng có thể hiểu được.
Chẳng riêng gì chúng ta, nhiều nước trên thế giới cũng đau đầu với các chiêu lách thuế của các "ông lớn" mạng xã hội. Không chỉ thuế, việc "xài chùa” tin tức báo chí không trả phí của các "ông lớn" này cũng đã khiến chính phủ nhiều nước lên tiếng và đỉnh điểm câu chuyện xảy ra ở Úc. Facebook đã bị chỉ trích dữ dội sau khi xóa bỏ các trang tin tức của các cơ quan báo chí, truyền thông Úc; chặn người dùng chia sẻ tin tức trên trang cá nhân; nhằm phản ứng với dự luật của nước này yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các nhà xuất bản và cơ quan báo chí. Tất nhiên rất nhanh sau đó, 2 bên đã đạt được thỏa thuận và Facebook cũng cam kết sẽ đầu tư ít nhất 1 tỉ USD hỗ trợ báo chí trong 3 năm tới.
Việt Nam đang là 1 trong 10 quốc gia có lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất, Facebook cũng là một kênh quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam, thế nên không chỉ kiểm soát thuế, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng nên tính đến chuyện yêu cầu các "ông lớn" này trả tiền cho báo chí, như Úc và một số nước đang làm.
Việc này khó không? Quá khó. Nhưng không phải là không làm được. Là một doanh nghiệp, Facebook hay Google hay bất cứ bigtech nào cũng phải cân nhắc lợi ích giữa việc chia sẻ hay "cắt" thẳng tay với báo chí.
Trở lại việc thu thuế Facebook, Google... cũng phải nói thêm là, mấy năm trở lại đây, bằng sự nỗ lực của ngành thuế, số thu từ các dịch vụ xuyên biên giới đã tăng đáng kể. Nhưng so với thực tế, xu hướng tăng trưởng trong tương lai thì vẫn còn rất khiêm tốn. Quan trọng hơn, kiểm soát chặt thuế của các “ông lớn” Facebook, Google… không chỉ tránh thất thu, nó còn nhằm tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này có cơ hội sống sót. Đối đầu với "người khổng lồ" đã quá khó. Đối đầu với "người khổng lồ" không thuế phí thì chẳng khác nào trứng chọi với đá, không đơn vị nào sống nổi. Họa may là đi vào các thị trường "ngách" mà mấy "ông lớn" này chưa nhòm ngó đến mà thôi.
Giải pháp đã có, điều quan trọng hơn là sự quyết tâm của tất cả những cơ quan ban ngành có liên quan. Phải coi đây là nhiệm vụ và chiến lược quốc gia chứ không phải chỉ riêng ngành thuế.
Đối đầu với các “ông lớn”, cần một quyết tâm khổng lồ và cả sự liên kết tầm quốc tế thì mới hy vọng thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.