Đời du cư - Bài 2: 'Nhà trọ võng' ở quán cà phê

21/10/2024 06:29 GMT+7

Ở TP.HCM, bên cạnh những tòa nhà cao tầng là một thế giới rất khác, thế giới của những 'nhà trọ võng' ẩm thấp, bí bách…

Những ngày dọc ngang các con đường ở TP.HCM, thỉnh thoảng chúng tôi gặp những tài xế ngồi ngủ gật trên chiếc xe máy mưu sinh của mình. Khi có cuốc xe mới, họ giật mình tỉnh dậy nhưng trên khuôn mặt vẫn còn phảng phất cơn thèm ngủ. Qua trò chuyện với chúng tôi, hầu hết đều cho biết không thuê trọ để tiết kiệm tiền. Thay vào đó, họ chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó, "thường trú" dưới tán cây phượng già, "mua ngủ" ở quán cà phê võng; tắm ở cây xăng, nhà vệ sinh công cộng…

Đời du cư - Bài 2: 'Nhà trọ võng' ở quán cà phê- Ảnh 1.

Các quán cà phê võng đêm ở TP.HCM luôn chật kín khách

ẢNH: UYỂN NHI

Đến từ tứ xứ nhưng đa số là người miền Tây. Có người mới gia nhập cuộc sống rày đây mai đó vài tháng nhưng cũng có người đã rong ruổi suốt nhiều năm. Họ làm việc không có giờ giấc cụ thể, trung bình mỗi ngày chạy xe từ 8 - 14 giờ đồng hồ, những lúc nhiều cuốc thì làm việc đến rạng sáng hôm sau.

Vất vả mưu sinh

1 giờ sáng, trời mưa lất phất. Chúng tôi đi vòng quanh các con đường ở TP.HCM thì thấy nhiều "nhà trọ võng" vẫn sáng đèn chờ khách. Chúng tôi ghé một quán cà phê võng mở cửa 24/24 trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Quán khá rộng rãi, chừng 70 chiếc võng giăng dọc gần kín người nằm, chỉ chừa một khoảng nhỏ để làm lối đi. Bốn vách quán được lợp bởi nhiều mảnh tôn chồng lên nhau, bên trên che tạm tấm bạt ni lông.

Dù trời mưa nhưng quán vẫn nóng hầm hập, mấy chiếc quạt bé tí chạy rì rì để xua bớt muỗi và không khí bí bách. Đây là nơi tá túc của biết bao mảnh đời đang gánh nặng mưu sinh nơi phố thị.

Đời du cư - Bài 2: 'Nhà trọ võng' ở quán cà phê- Ảnh 2.

Những người lao động không đủ khả năng thuê trọ sẽ tá túc ở các quán cà phê võng

ẢNH: UYỂN NHI

Vừa trả khách, anh H.T.H (32 tuổi, quê Q.Ninh Kiều, Cần Thơ) trở về với chiếc võng đã quen thuộc hơn 1 năm nay. Dựng xe, vắt áo lên đầu võng để "đánh dấu chủ quyền", anh vội vào nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo. Nhà vệ sinh được quây tạm bợ bằng nhiều mảnh tôn cũ kỹ. Chưa đến gần, chúng tôi đã cảm nhận được mùi hôi nồng nặc.

Anh H. tranh thủ ngồi nghỉ trên chiếc võng, chốc chốc anh nhìn vào điện thoại chờ cuốc xe kế tiếp. Với vẻ mặt khắc khổ, đôi mắt trũng sâu vì nhiều đêm thiếu ngủ, anh H. chia sẻ mình đăng ký khung chạy 10 giờ/ngày và còn tranh thủ "cày" đêm để kiếm thêm "chút đỉnh". Trung bình anh kiếm được 400.000 - 450.000 đồng/ngày.

Anh H. kể lúc còn ở quê, anh làm công việc tự do, tiền bạc cũng không được bao nhiêu. Vài năm trước, anh nghe mấy bạn cùng xóm "kháo" nhau lên thành phố tìm việc anh đi luôn. Lúc mới lên TP.HCM, anh H. đầu tư mở quán cơm nhưng không có khách, phải mang nợ vài trăm triệu đồng. Sau đó anh chuyển qua làm bảo vệ, rồi ăn ngủ tại công ty, nhưng lương thấp, tích cóp lắm vẫn không có dư, vả lại thời gian làm công ty bị gò bó nên hầu như không làm thêm gì được.

Lên mạng xã hội tìm hiểu, anh H. đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ rồi gắn bó với kiếp ngủ võng từ đó. Để ý mới thấy thứ tài sản quý nhất của anh là chiếc điện thoại "hành nghề" và một túi áo quần, còn xe máy điện được công ty cấp.

Hỏi chuyện về thăm quê thì anh H. cho hay thuận tiện thì vài tháng, không thì mỗi năm một lần anh mới về thăm con. Vì xa mặt cách lòng nên năm 2021, anh và vợ chia tay. Những đồng tiền chắt chiu được từ các cuốc xe, anh phân thành các khoản dùng để ăn uống, sinh hoạt, thuê võng ngủ; khoản để gói ghém gửi về quê nuôi 2 đứa con (đứa lớn 6 tuổi và đứa nhỏ 3 tuổi) ăn học.

"Mua ngủ" 40.000 đồng/đêm

Anh H. kể những lần chở khách ở xa thì anh nằm trên xe máy, tìm hộp ngủ hoặc các quán cà phê võng để tá túc. Anh nhẩm tính mình đi làm nguyên ngày, tối chỉ cần chỗ ngả lưng. Ở quán cà phê, anh chỉ tốn 70.000 đồng tiền ăn, sạc pin xe điện, tắm rửa, võng ngủ... còn thuê trọ phải tốn ít nhất 2 triệu đồng/tháng nên anh thôi ý định thuê trọ.

Cơn buồn ngủ trĩu nặng trên mặt, anh H. ngáp dài, trần tình: "Lang bạt ở TP.HCM, một thân một mình, có nơi ngả lưng mỗi đêm coi như là nhà rồi". Trò chuyện với chúng tôi chừng 30 phút, app "nổ đơn", anh H. vội vàng mặc áo khoác rồi nhanh chóng lái xe đi đón khách. Nhìn theo cái dáng lầm lũi của anh, chúng tôi không khỏi nao lòng…

Đời du cư - Bài 2: 'Nhà trọ võng' ở quán cà phê- Ảnh 3.

Anh Phong chọn qua đêm ở quán cà phê võng hoặc ngủ trên xe máy

ẢNH: UYỂN NHI

Chừng 1 tiếng sau, mưa đổ ầm ầm, nước mưa trút xuống những mái tôn hỏng và tạt vào khoảng trống của quán. Những người lao động giật mình tỉnh giấc, chật vật đổi qua khu vực khô ráo hơn. Quán đã kín người nằm giờ lại nồng nặc thêm mùi ẩm ướt và mùi mồ hôi từ những chiếc võng cũ sẫm màu...

Lân la các quán cà phê võng ở Q.Tân Bình (TP.HCM), chúng tôi gặp anh Đinh Thanh Phong (34 tuổi, quê Tiền Giang). Lang bạt giữa Sài Gòn, anh Phong sống cuộc đời "3 không": không nhà, không người thân và không thuê trọ.

Lúc trước anh làm đủ nghề, từ nhân viên bán hàng, phụ bếp rồi được chủ cho ăn ngủ tại chỗ làm. Nhưng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công ty giảm lương và cắt giảm nhân sự, anh Phong thất nghiệp và về quê.

Ở quê, anh làm ruộng, đến vụ mới thu hoạch được nhưng gặp sâu bệnh, thất bát hoài. Nghe mấy người bạn cùng quê nói nghề chạy xe ôm công nghệ "kiếm được", giờ giấc lại thoải mái, tháng 4.2024 anh khăn gói trở lại TP.HCM đăng ký làm ngay.

Anh Phong đen nhẻm, cặp mắt thâm quầng và gương mặt hốc hác vì thức đêm triền miên. Anh kể ngày quay lại Sài Gòn, hành trang chỉ có một ba lô áo quần và chiếc xe máy cà tàng. Không có tiền, anh đành bán xe được chừng 2 triệu đồng để nộp phí đăng ký làm tài xế xe điện công nghệ.

Anh Phong cho hay mỗi ngày chạy trên 15 cuốc xe mới đủ sống. Trung bình anh kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng, có ngày chỉ đủ để trả tiền võng, sạc pin cho xe và sinh hoạt. Để kiếm thêm, anh thường đăng ký chạy ca đêm vì được tính thêm 10.000 đồng/cuốc xe.

Người xa quê, chọn nghề chạy xe ôm giữa TP.HCM là vậy. Họ luôn cố gắng tiết kiệm tiền đến hết mức có thể. Như anh Phong, anh chọn những quán cà phê võng để "mua ngủ" bởi giá thuê võng chừng 40.000 đồng/ngày (đêm) đã bao gồm chi phí tắm rửa, sạc pin xe điện. Còn phòng trọ thì tới 2 triệu đồng/tháng đã tính điện nước. Hơn nữa, tài xế chạy xe ôm "mỗi ngày ngủ chừng 3 - 4 tiếng đồng hồ, có khi ngủ luôn trên xe máy, thuê phòng chi cho tốn kém".

Dù đã đến tuổi kết hôn, nhưng anh Phong vẫn lẻ bóng. Khi chúng tôi hỏi đến chuyện lập gia đình, anh lắc đầu: "Giờ việc làm tôi còn chưa ổn định, chỉ biết ngày nào hay ngày đó nên tôi không muốn làm khổ người khác. Bây giờ tôi chi tiêu dè sẻn, không thuê trọ và dành dụm chút tiền sau này dư dả mới nghĩ đến chuyện cưới vợ".

Cứ thế, những chiếc võng tròng trành đưa giấc ngủ chứa đựng sự nhọc nhằn, buồn tủi lẫn ước mơ của những kiếp người du cư. Vậy mà chẳng thấy ai than vãn điều gì, họ cứ lặng lẽ gồng mình mưu sinh. Chúng tôi thầm ước nguyện họ luôn được mạnh khỏe, bình an để hy vọng sớm có một ngày vơi bớt lo toan. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.