'Đồi gió hú' lên sân khấu

03/06/2018 11:49 GMT+7

Đêm 2.6, bất chấp trời mưa gió, hàng trăm sinh viên đã đến rạp Công Nhân (TP.HCM) lấp kín khán phòng để xem vở Đồi gió hú do bạn bè của trường mình biểu diễn.

Đồi gió hú là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Emily Bronte vừa được các bạn sinh viên Trường đại học Mở TP.HCM chuyển thể thành vở kịch ngắn khoảng 90 phút và diễn bằng tiếng Anh, với sự hỗ trợ của đạo diễn Huỳnh Tấn. Bố cục chặt chẽ đã giúp người xem hiểu nội dung một cách dễ dàng.
Các lớp diễn trải dài từ khi nhân vật Heathcliff và Catherine còn niên thiếu cho tới khi họ có vợ có chồng, rồi tan vỡ, qua đời… đầy xung đột lẫn bi kịch. Heathcliff u buồn bởi tuổi thơ cay đắng, sau trở thành độc ác. Catherine yêu đời, yêu người, trở thành cô đơn, ghen tuông. Tình yêu giữa họ bị tư tưởng phân biệt giai cấp ngăn cản từ khi mới manh nha và kết thúc bằng những cái chết đau thương.
Ngay cả người anh của Catherine là Hindley, người chồng của Catherine là Edgar, người em của Edgar là Isabell, đều không có hạnh phúc. Những ngôi nhà thiếu vắng tình thương. Nó làm người ta buồn và suy nghĩ… Suy nghĩ để tránh vết xe đổ như những nhân vật ấy.
Diễn xuất của các “diễn viên” tay ngang tuy chưa phải là xuất sắc nhưng vẫn dễ chịu vì sự chân thật, trong trẻo, đặc biệt nói tiếng Anh rất khá. Thật ra, nếu các em được diễn thường xuyên thì chắc chắn sẽ tiến bộ nhanh hơn. Suất đầu tiên mà đầy triển vọng như thế thì chúng ta có quyền hi vọng. Chợt suy nghĩ về một sân khấu nhỏ chuyên diễn kịch tiếng Anh thế này cho khán giả “rèn luyện” một cách thú vị, học tiếng Anh không nhàm chán… Bởi trong “kho” của Trường đại học Mở đã có vài chục vở tiếng Anh do các bạn sinh viên chuyển thể từ các tác phẩm kinh điển, chẳng hạn Jane Eyre, My sister’s keeper, The Happy Prince, Agnes Grey...
Huệ Phương (Isabell), Duy Khánh (Edgar), Đông Quân (Hindley) Ảnh: H.K
Thầy Lê Quang Trực, giáo viên hướng dẫn, cho biết: “Chúng tôi rất thích ý tưởng này. Chỉ ngại các em không có thời gian tập dợt lại nhưng đã cố gắng hết mình. Và chúng tôi cũng cần một sân khấu nào đó ủng hộ mặt bằng để diễn, chúng tôi sẵn sàng miễn phí cho khán giả yêu thích”.
Chúng tôi đã thử liên hệ với NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, chị ủng hộ nhiệt tình: “Các bạn cứ đến, nhà hát sẽ hỗ trợ tối đa trong sức của mình. Tôi cũng muốn làm cái gì đó độc đáo cho 5B”.
Thử tưởng tượng, một sáng hoặc chiều chủ nhật, thay vì đi đến câu lạc bộ tiếng Anh, thì bạn cũng có thể đến sân khấu nhỏ xem kịch như thế này, một tiếng rưỡi cũng đủ làm bạn thăng hoa cùng tiếng Anh và nghệ thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.