Ngày 25.4, cũng trên sân Pleiku đã diễn ra trận ‘lượt về’ giữa 2 đội hình B HAGL và SLNA cũng với kết quả hòa 0-0.
Trung vệ trẻ Văn Khánh (phải) có dịp hiếm hoi ra sân trong màu áo SLNA - Ảnh: Minh Trần
|
Đó là trận đấu diễn ra 1 ngày sau khi Quế Ngọc Hải nhận thẻ đỏ tại sân Pleiku sau pha phạm lỗi với Văn Toàn (sau đó anh đã bị người bạn thân chọc ghẹo ra trò trên facebook) để khép lại trận đại chiến không bàn thắng.
Ra sân là những người dự bị ở trận chính thức một ngày trước. Ngoài sân, các cầu thủ chính thức chỉ tập nhẹ. Còn trong sân, dù là trận đấu giao hữu, nhưng các cầu thủ đã chơi rất tích cực dù đã không có bàn thắng nào được ghi.
Những trận đấu giữa các đội hình B ở bóng đá thế giới hoặc ngay cả ở châu Á là bình thường. Nhưng tại V-League, việc cáp những trận đấu cho đội hình dự bị trước hoặc sau mỗi trận đấu chính thức là điều khá hiếm.
Ngoài cầu thủ trẻ, trận đấu cũng chứng kiến các cầu thủ bị treo giò ra sân - Ảnh: Minh Trần
|
Ý tưởng thú vị này, thực tế là một cách “cái khó ló cái khôn”. Vốn do từ Pleiku đi Vinh chỉ có 3 chuyến mỗi tuần, nên sau trận hòa HAGL, SLNA phải đợi đến 26.4 mới mới bay về nhà.
Ở lại phố Núi, BHL 2 đội đã có sáng kiến tổ chức trận lượt về cho đội hình 2, để giúp các cầu thủ dự bị có cảm giác thi đấu cũng như trui rèn thêm kinh nghiệm cho các cầu thủ trẻ.
Thủ môn Lê Văn Trường có trận tái xuất sau nhiều tháng chấn thương - Ảnh: Minh Trần
|
“Những trận đấu giữa các đội hình B này rất thực tế cho bối cảnh bóng đá Việt Nam, khi cầu thủ sẽ được cọ xát liên tục. Đơn cử là các tiền đạo. Nếu chỉ đợi vào V-League thì cơ hội cho những chân sút như Tạ Thái Học, Thanh Bình hay Phúc Tịnh, Tuấn Tài ra sân là rất nhỏ.
Lẽ dĩ nhiên không dễ áp dụng rộng rãi và liên tục vì bài toán kinh phí. Nhưng tôi cho rằng, nếu duy trì và nhân rộng được thói quen này thì sẽ nâng cao chất lượng V-League bởi các cầu thủ sẽ luôn giữ được cảm giác thi đấu. Nhìn xa hơn, điều này sẽ rất tốt cho đội tuyển Việt Nam và các đội trẻ như U.23, U.19 Việt Nam”, một lãnh đạo HAGL chia sẻ.
Bình luận (0)