Đó là nghịch lý mà ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), chỉ ra tại diễn đàn "Kết nối gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện bình thường mới".
Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN-PTNT phiên thứ 13 thảo luận về giải pháp tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Hoàng phan |
Diễn đàn do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp nông thôn và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức ngày 27.11, có sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.
Ngồi với nhau để tính đường lâu dài
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, trong điều kiện mới thích ứng dịch Covid-19 hiện nay, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn. Để bán được hàng, HTX phải có nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế, nhiều HTX than phiền nếu không có hợp đồng với doanh nghiệp thì làm sao phải làm chất lượng, và tư duy này cần phải thay đổi.
Theo ông Thịnh, dù ở quy mô lớn hay không thì đã nằm trong chuỗi giá trị thì vấn đề cốt lõi là HTX phải tạo sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn. HTX muốn tạo ra thương hiệu, uy tín cho mình phải thì làm tốt trước khi có hợp đồng; cam kết minh bạch thông tin, nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì doanh nghiệp mới đến với mình.
Cũng theo ông Thịnh, một trong số những nghịch lý lớn nhất hiện nay là giá bán. Trong chuỗi giá trị, HTX là điểm khởi đầu, bắt buộc phải tăng chất lượng nông sản và tuân thủ quy trình an toàn. Nhưng khi bán ra, sản phẩm có giá tương tự mặt hàng trôi nổi trên thị trường, thì “HTX làm sao nổi?”.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, doanh nghiệp và HTX phải thay đổi tư duy để trở thành đối tác của nhau trong chuỗi giá trị nông sản |
Hoàng phan |
“Tôi nghe nhiều diễn đàn, doanh nghiệp nói mua cao hơn 10 - 15%, điều này là đáng quý nhưng thực tế thì HTX chưa chắc đủ lợi nhuận, thậm chí là chi phí đầu vào. Nhiều HTX nói họ chấp nhận liên kết với doanh nghiệp để lấy uy tín, hình ảnh, và như thế thì khó duy trì chuỗi giá trị nông sản. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và HTX phải ngồi lại với nhau để tính đường lâu dài”, ông Thịnh nói.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Chia sẻ về kết nối tiêu thụ nông sản cho các HTX, ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty CP đầu tư Digital Kingdom (DGK), cho rằng kết nối thương mại điện tử nông sản trên cổng lockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp; sàn thương mại điện tử sẽ là giải pháp phù hợp trong khu vực kinh tế tập thể.
Qua sử dụng, công nghệ blockchain doanh nghiệp này đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của HTX.
Cũng theo ông Vũ, công nghệ này đang được ứng dụng tại 59 đơn vị với 160 cán bộ địa phương và hơn 600 cán bộ HTX đã sử dụng. Nhờ việc chuyển đổi số này trong dịch Covid-19 vừa qua đã có hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, và 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ tiêu thụ với tổng giá trị đơn hàng lên tới hơn 300 tỉ đồng.
Đại diện HTX rau quả Trúc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, doanh thu năm 2021 dự kiến đạt 14 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2020 và thu nhập các hội viên đều tăng lên ngay trong bối cảnh nhiều ngành nghề chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Sự tăng trưởng này đến từ việc HTX ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu thông tin, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản.
HTX này cũng xây dựng website, liên kết và tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối thuận tiện dễ dàng hơn với các doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ nên rau quả sản xuất ra vẫn được tiêu thụ bình thường.
Đại diện HTX rau quả Trúc Sơn đề nghị được tư vấn, hỗ trợ nhiều hơn về giải pháp chuyển đổi số để tối ưu quy trình sản xuất cũng như tập huấn kỹ năng bán hàng, giới thiệu các địa chỉ kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Bình luận (0)