‘Đợi Kiều’: Độc đáo cải lương chuyển thể từ truyện Kiều

26/09/2022 14:57 GMT+7

Tối 25.9, vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều công chiếu lần thứ hai. Dù nói về Kiều nhưng vở diễn không hề có sự xuất hiện của Kiều...

Đợi Kiều là vở cải lương thể nghiệm do tiến sĩ Đào Lê Na làm đạo diễn kiêm biên kịch. Tác phẩm được chuyển từ truyện Kiều bởi tiến sĩ Lê Hồng Phước

Anh Khoa

Đợi Kiều là vở cải lương thể nghiệm do tiến sĩ Đào Lê Na làm đạo diễn, biên kịch. Tác phẩm được tiến sĩ Lê Hồng Phước chuyển soạn cải lương. Điểm đặc biệt của tác phẩm chính là sự xuất hiện xuyên suốt của Hồng Bảo Ngọc, quán quân Bông lúa vàng 2020. Nữ ca sĩ một mình thủ 4 vai diễn (Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên). Đáng chú ý, Thúy Kiều không hề xuất hiện trong suốt tác phẩm.

Ca sĩ Hồng Bảo Ngọc đảm nhận 4 vai diễn, kể về từng giai đoạn trong cuộc đời Kiều

Anh Khoa

Gần 2 tiếng trình diễn, Đợi Kiều đưa người xem qua 4 mùa với góc nhìn của 4 nhân vật gắn bó với cuộc đời bạc mệnh của Thúy Kiều. Mở đầu là mùa xuân ấm áp với hình ảnh đầy tâm tư của Thúy Vân khi hoài niệm về chị. Mùa hạ “đổ lửa” với những ghen tuông chua chát của Hoạn Thư. Tiếp theo là nỗi lòng của sư Giác Duyên khi Thúy Kiều sa chân vào chốn lầu xanh, rồi nếm trải tủi nhục lúc Từ Hải sa cơ. Cuối cùng là cảnh Đạm Tiên đau đáu, xót xa cho thân phận người tri kỷ.

Nghệ thuật múa bóng được trình diễn đan xen các phân cảnh kết hợp ngâm thơ

Anh Khoa

Tiết lộ về ngụ ý nghệ thuật khi để Hồng Bảo Ngọc đảm nhận 4 vai diễn và sự vắng bóng của Thúy Kiều, đạo diễn Đào Lê Na nói với Thanh Niên: “Khán giả có thể thấy hình ảnh cô Kiều đâu đó trong vở diễn, ngay cả trong chính 4 nhân vật. Thật ra, đó chính là 4 giai đoạn trong cuộc đời con người. Khi trẻ như Thúy Vân, lúc lập gia đình nhiều sóng gió như Hoạn Thư, khi trải nhiều thăng trầm như sư Giác Duyên và cuối cùng là hình ảnh Đạm Tiên ở cõi chết. Tất cả những điều đó, những nhân vật đó đều là cô Kiều”.

Ngoài cải lương, Đợi Kiều còn có sự kết hợp độc đáo của nghệ thuật múa bóng do nghệ sĩ múa Lê Mai Anh trình diễn. Tác phẩm còn được dẫn dắt bởi sự hòa trộn thú vị giữa nhạc cụ dân tộc (đàn kìm, đàn tranh, đàn bầu…) và nhạc cụ phương Tây. Phần hiệu ứng sân khấu gây ấn tượng khi được biến hóa theo chu kỳ thời gian, từ ngày sang đêm, từ mùa này sang mùa kia, từ trăng mọc đến trăng lặn.

Tiến sĩ Đào Lê Na (cầm mic) đảm nhận vai trò đạo diễn, biên kịch vở Đợi Kiều. Cô hy vọng truyền tải tình yêu cải lương kết hợp thông điệp nhân văn đến gần với giới trẻ

Anh Khoa

“Nghe lời thoại, khán giả có thể hiểu theo nhiều cách. Tuy nhiên, khi vở diễn kết nối lời thoại với ngôn ngữ sân khấu, cấu trúc 4 mùa, qua múa bóng, việc sử dụng một diễn viên… có thể giúp người xem khám phá nhiều góc nhìn mới mẻ”, đạo diễn Đào Lê Na chia sẻ.

Thông qua Đợi Kiều, nữ đạo diễn hy vọng truyền tải tình yêu cải lương đến đông đảo công chúng cũng như thông điệp mạnh mẽ về nữ quyền trên nền chất liệu nghệ thuật dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.