Đồi mắc ca trù phú mở hướng làm giàu ở miền tây Quảng Ngãi

01/07/2022 12:18 GMT+7

Đồi mắc ca của ông Nguyễn Lên (Quãng Ngãi) đã chứng minh khí hậu miền tây Quảng Ngãi rất phù hợp trồng cây này và đây là cây trồng sẽ mở hướng giúp đồng bào dân tộc Cadong thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Cây nào cũng ra trái, không cây nào “ngon” như mắc ca

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm đồi mắc ca của ông Nguyễn Lên, thôn Tam Tong, xã Liên Sơn (H.Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) là cây được trồng theo hàng lối ngay ngắn, quy hoạch gọn gàng. Đứng từ dưới chân đồi ngước nhìn lên, hàng mắc ca chạy dài tít tắp dưới nền trời cao xanh thăm thẳm.

Ông Huỳnh Ngọc Huy đón ông Ibrahim Lootah, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lootah sang làm việc tại Việt Nam

P.Hậu

“Năm 2017, tôi được Hiệp hội mắc ca Việt Nam thăm quan vườn trồng tại Đắk Lắk, cây trồng ra nhiều trái, rất đẹp. Càng tìm hiểu sâu, tôi càng mê mẩn nên quyết định trồng cây mắc ca, đến nay cây nào cũng cho ra trái. Tôi thấy không có cây nào “ngon” hơn cây mắc ca”, ông Lên nói.

Theo ông Lên, cái “ngon” đầu tiên là trồng mắc ca được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, rất ít cây trồng có gói vay này. Khu vườn 6,5 ha được ông Lên trồng 1.500 cây theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Hiệp hội mắc ca Việt Nam. Tiền mua cây, chi phí vận chuyển từ Đắk Lắk về tận vườn, cho đến thuê mướn nhân công trồng cây được LienVietPostBank chi nhánh Quảng Ngãi chi trả, đồng thời kết nối mua bảo hiểm trong 10 năm.

Ông Nguyễn Lên trồng mắc ca xen lên cây nghệ để duy trì nguồn thu chờ cây mắc ca cho thu hoạch

P.Hậu

“Có gói vay này, người trồng mắc ca không lo về vốn. Ngân hàng thẩm định cho vay 650 triệu đồng nhưng thực tế, tôi chỉ cần vay 390 triệu đồng. Năm 2019, vườn mắc ca gặp bão, gãy đổ hơn 100 cây được bảo hiểm hỗ trợ trên 300 triệu đồng”, ông Lên nói.

“Bí kíp” giúp ông Lên không cần vay hết vốn ngân hàng là chiến thuật “lấy ngắn nuôi dài”. 2 năm đầu tiên, ông Lên thuê công nhân trồng sắn, mỗi năm thu nhập từ bán sắn được hơn 100 triệu đồng. Năm thứ 3, ông Lên chuyển sang trồng nghệ thì thu nhập tăng lên 140 triệu. Năm thứ 4, cây mắc ca bói quả, ông Lên ngừng trồng cây ngắn ngày chuyển sang nuôi bò thịt và tận dụng nguồn phân bò bón lại cho vườn cây mắc ca.

“Trồng xen canh cây ngắn ngày thu nhập không cao nhưng đủ duy trì thuê nhân công chăm sóc vườn. Cây mắc ca còn “ngon” ở chỗ, con bò, con dê nó không ăn lá cây này nên tôi tính có thể kết hợp nuôi thêm bò, dê mà không cần lo cây bị vật nuôi ăn lá hay phá hoại”, ông Lên chia sẻ.

Ông Huỳnh Ngọc Huy khảo sát vườn cây mắc ca của ông Nguyễn Lên vay vốn từ LienVietPostBank trồng từ năm 2017

P.Hậu

Khuyến khích chuyển đổi cây keo, sắn sang trồng mắc ca

Ông Nguyễn Lên hiện là Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Ngọc Lên đang quản lý khoảng 200 ha đất với hàng chục thành viên đều là đồng dân tộc thiếu số Cadong. Theo ông Lên, người Cadong chịu thương chịu khó lao động nhưng nhiều hộ đến nay chưa thể thoát nghèo. Cây trồng truyền thống là keo, sắn rất tốn công lao động nhưng giá trị kinh tế thấp, người dân khó thoát nghèo.

“Trồng keo thì 5 - 6 năm mới thu hoạch, tiền bán keo thu về 60 - 70 triệu đồng/ha nhưng phải chặt đi trồng lại từ đầu. Trồng sắn thì giá trị kinh tế quá thấp, như năm rồi giá bán chỉ 2.000 đồng/kg. Trong khi mắc ca bán tại vườn là 95.000 đồng/kg và cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch 50 - 60 năm. Tôi tin đây là cây trồng sẽ giúp người Cadong thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu”, ông Lê nói.

Ông Nguyễn Lên chọn trồng cây mắc ca và kỳ vọng đây là cây trồng giúp đồng bào dân tộc thiểu số Cadong thoát nghèo, vươn lên làm giàu

P.Hậu

Theo ông Lên, sau 5 năm theo dõi, toàn bộ 1.500 cây mắc ca với nhiều loại giống khác nhau đều đơm hoa, kết trái. Điều này cho thấy, khí hậu tại Liên Sơn rất tốt để mở rộng diện tích cây trồng này. Trong tháng 7 này, vườn mắc ca nhà ông Lên bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên, dự kiến sản lượng không dưới 1 tấn quả và hiện đã có doanh nghiệp chế biến tại Đắk Lắk đặt mua với giá là 95.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết năm 2022 Hiệp hội mắc ca Việt Nam tập trung mở rộng diện tích ở miền Trung, khi khu vực này đang có diện tích trồng keo rất lớn, điển hình là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

"Mục tiêu của chúng tôi là vận động người dân chuyển đổi trồng cây mắc ca để có thu nhập cao hơn, chỉ cần chuyển đổi 15 - 20% diện tích trồng keo sang trồng mắc ca thì nông dân giàu có rồi. Người dân không cần chuyển đổi, trồng ồ ạt mà trồng theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. 5 năm đầu tiên chờ mắc ca ra trái có thể trồng xen canh cây ngắn ngày để duy trì thu nhập hoặc mỗi gia đình có 2 - 3 ha đất thì trồng xen 50 - 100 cây khi thấy hiệu quả thì nhân rộng”, ông Huy nói.

Trồng mắc ca không lo đầu ra

Trong chuyến công tác tại Dubai tháng 5.2022, ông Huỳnh Ngọc Huy, đại diện LienVietPostBank, Hiệp hội mắc ca Việt Nam làm việc với ông Ibrahim Lootah, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lootah và ký kết thỏa thuận ghi nhớ thành lập công ty liên doanh để bao tiêu, xuất khẩu mắc ca sang thị trường Trung Đông. Ngày 25.6 vừa qua, ông Ibrahim Lootah bay sang Việt Nam để làm việc chính thức cũng như bước đầu khảo sát cây mắc ca trồng tại VN. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Tập đoàn Lootah với LienVietPostBank và Hiệp hội mắc ca Việt Nam trong chiều 28.6 tại TP.HCM, các bên thống nhất sau 2025 sẽ xây dựng nhà máy chế biến mắc ca xuất khẩu vì hiện tại sản lượng vẫn chưa nhiều. “Lootah là tập đoàn rất lớn ở Dubai, họ cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca của Việt Nam tại thị trường Trung Đông. Hiệp hội mắc ca Việt Nam có cam kết bao tiêu toàn bộ mắc ca cho nông dân nhưng thực tế nhiều năm qua vẫn chưa mua được cân nào. Bởi mắc ca trồng được bao nhiêu nông dân đều bán hết đến đấy và khi có thêm sự liên kết với Tập đoàn Lootah, người trồng mắc ca hoàn toàn yên tâm, không còn lo về đầu ra nữa”, ông Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.