Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã viết về Pleiku: “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Và lần trở lại đây mới nhất vào tháng 6. 2020 tôi đã gặp ở Biển Hồ một diện mạo khác.
Nếu trước kia xe có thể phóng vào tận bên trong thì bây giờ phải để xe trên đường mua vé và đi bộ vào. Cũng có cái lý của người khai thác du lịch ở đây, vì đi bộ xuống con dốc và leo lên giữa hàng thông ấy với đoạn đường cũng ngang với lên Tháp Namsan ở Seoul, Hàn Quốc du khách mới ngắm được vẻ đẹp của “đôi mắt Pleiku”.
|
Việc khai thác các điểm đến để mời gọi khách du lịch có một điểm khác, cũng ở Biển Hồ và nơi này lại đang rất ưa chuộng chính là Biển Hồ chè - gọi là Biển Hồ chè vì là nơi này là nông trại trồng chè (trà) nằm ngay khu vực Biển Hồ, nếu tính đường đi thì cách trung tâm thành phố Pleiku 10 km. Những lần trước khi đến Pleiku, tôi không chú ý đến địa danh Biển Hồ chè cho lắm, bởi nếu gọi đồi chè thì Cầu Đất (Lầm Đồng) với những triền đồi nhấp nhô, những con đường uốn lượn mới thực sự thu hút khách. Tại Cầu Đất còn có tour tham quan, tham quan xong được tặng 2 ký rau và có cả quán cà phê cho khách ngắm cảnh.
Nhưng khi nghe các anh bên du lịch Gia Lai giới thiệu tour tuyến ở mảnh đất mà nhạc sĩ Nguyễn Cường đã tạo ra bản nhạc thật hay, các anh giới thiệu “Hàng thông trăm tuổi” bên cạnh Biển Hồ chè thật là hấp dẫn. Thế là sáng hôm sau chúng tôi nhất định đi tham quan hàng thông trăm tuổi ở Pleiku và Biển Hồ chè.
|
Có những điều rất thú vị khi tham quan hàng thông trăm tuổi và Biển Hồ chè, không phải bởi những tấm ảnh chụp quá ảo diệu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh và nói vui là nó đẹp như con đường hai hàng cây ngân hạnh trên đảo Nami (Hàn Quốc). Thực ra thì tôi cũng đã đến đảo Nami vào mùa thu khi lá cây ngân hạnh nhuộm vàng rồi, nên việc so sánh một địa danh đã trở thành nổi tiếng khắp thế giới như thế đôi khi cũng chỉ tạo tính tò mò là chính.
Mà tôi tò mò thực. Trong việc làm du lịch, tạo sự tò mò cho khách tìm đến và sau đó khách mê đắm nơi chốn ấy là điều quan trọng. Tỉ dụ như thông là một loại cây đặc thù ở cao nguyên, và nơi nhiều nhất là Đà Lạt, việc hai hàng thông trăm tuổi tạo ấn tượng cho du khách đúng là chuyện có thật.
Con đường từ ngoài lộ rẽ vào nhỏ vừa đủ cho một chiếc ô tô. Khung cảnh đẹp và nên thơ. Trong công việc khai phá vùng đất Tây Nguyên, đồi chè ở đây được người Pháp gây trồng vào những năm đầu thế kỷ 20, nghĩa là cũng cả trăm năm. Đất ở đây bằng phẳng, nên những vườn chè cũng nằm ngang mặt đất, khác với những đồi chè ở Bảo Lộc, Cầu Đất. Tuy nhiên, điểm xuyết chính là những con đường mòn nhỏ đi vào, những hàng cây và màu lá chè xanh trong ánh nắng ấm áp của Tây Nguyên.
Vượt qua đồi chè, tôi tò mò tìm đến hàng thông trăm tuổi. Theo dẫn giải địa lý thì hàng thông này được người Pháp trồng khi xây dựng đồn điền cà phê vào năm 1917 với 101 cây. Cho đến giờ này, khi chúng tôi đến thì có lẽ qua bao thăng trầm, không còn đủ số thông trồng ban đầu, nhưng chính nhờ sự phát triển riêng lẻ và mọc song song ở hai bên lối đi, nép mình một bên là trường tiểu học Nghĩa Hưng, bên kia là cánh đồng chè xanh nên tạo một cảm giác rất lạ.
Không thể sánh với con đường tình yêu lãng mạn với hàng cây ngân hạnh trên đảo Nami (Hàn Quốc), nhưng trong ánh nắng ban mai hoặc buổi chiều tà, hàng thông trăm tuổi ở Pleiku có thể nói là một điểm nhấn tham quan đẹp, nơi xứng danh là con đường lãng mạn nhất Pleiku. Đi dưới hai hàng cây thông cao vút ấy, con đường đất đỏ chạy dài, những tán cây vươn xa... có thể chụp ở nơi này những bức ảnh ảo diệu.
|
Trong khu vực hàng thông trăm tuổi ấy, còn có một khu vực bán nước giải khát khá ấn tượng. Đó là những chiếc ô tô cũ được sơn lại với màu sắc thu hút, bên trong là những chỗ ngồi vừa đủ để nhâm nhi ly cà phê hay bất cứ thức uống gì đó và có thể ngắm nhìn không gian bên ngoài qua ô cửa của chiếc xe. Là những ghế ngồi được sử dụng từ các vật liệu bỏ đi, để dựa vào không gian huyễn hoặc mà tạo nên một bàn nước dễ thương.
Biển Hồ chè và hàng thông trăm tuổi nay đã trở thành điểm đến đầy hấp dẫn cho người địa phương và du khách, sau khi đã dừng chân ở Biển Hồ để ngắm nhìn “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”.
|
Bình luận (0)