Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Hơn 34.000 tỉ đồng, chỉ toàn khẩu hiệu !

15/04/2014 03:00 GMT+7

Sáng qua 14.4, sau khi nghe dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, Ủy ban Thường vụ QH thấy quá nhiều băn khoăn trước tính khả thi của đề án.

Sáng qua 14.4, sau khi nghe dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, Ủy ban Thường vụ QH thấy quá nhiều băn khoăn trước tính khả thi của đề án.

Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Hơn  34.000 tỉ đồng, chỉ toàn khẩu hiệu !

Đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông vẫn chưa có những hướng đi cụ thể, thuyết phục - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Quá chung chung

 

Nói về sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông mà tờ trình chỉ viết toàn “khẩu hiệu”, chưa rõ tổ chức thực hiện thế nào, để đảm bảo cho nó có hiệu quả thì phải làm sao... nên chưa đủ điều kiện để trình ra Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG

Sau khi nghe ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trình bày dự thảo Đề án cũng như dự thảo nghị quyết đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015, hầu hết các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có chung một nhận xét: Còn quá chung chung, đặc biệt là chưa rõ nguồn lực thực hiện của Đề án này cụ thể như thế nào, tính khả thi của nó đến đâu.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội mở đầu phần thảo luận với câu hỏi rất trúng vào mối quan tâm của dư luận: “Nguồn lực được sử dụng cho việc đổi mới là bao nhiêu, trong đó nhà nước đầu tư bao nhiêu và xã hội đóng góp là bao nhiêu?”. Tuy nhiên, câu hỏi này chỉ được ông Nguyễn Vinh Hiển trả lời sau khi Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc lại khi ông Hiển đã kết thúc phần giải thích.

Ông Hiển cho biết: “Tổng kinh phí mà Bộ dự kiến bước đầu là 34.275 tỉ đồng, chưa kể số tiền phải đầu tư mang tính trọng điểm vào những cơ sở còn khó khăn về cơ sở vật chất”.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường của Quốc hội, cho rằng: “Hơn 34 nghìn tỉ đồng, tương đương với 1,7 tỉ USD là con số không nhỏ nhưng Đề án thì lại chủ yếu mang tính triết lý là chính, đặc biệt chưa nêu được tác động của đề án này ra sao khi được triển khai thực hiện”.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng cho rằng gần 2 tỉ USD không phải chuyện nhỏ, cần phải lấy ý kiến rộng rãi hơn trước khi xây dựng.

Chưa rõ nguồn lực thực hiện

 

Chính thức đề xuất nhiều bộ SGK

Đề án Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 mà Bộ GD-ĐT trình tại Quốc hội nêu rõ toàn quốc thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ sách; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa (SGK) hoặc các cuốn SGK khác. Tất cả SGK phải được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐT công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng SGK.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, đề nghị Bộ GD-ĐT cần bổ sung đánh giá tác động của Đề án. Dự thảo chủ yếu nêu những thuận lợi mà chưa thấy nêu khó khăn nào, phải có những đánh giá phân tích về điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của đề án.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ: “Tôi lo nhất là tính khả thi của Đề án mà cụ thể ở đây là 2 vấn đề lớn: năng lực chất lượng của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình SGK từ năm 2016”.

Người đứng đầu Quốc hội tỏ ra sốt ruột khi cho rằng chỉ còn một năm rưỡi nữa thôi trong khi mọi thứ thì chưa rõ ràng. Vậy thì việc nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật để triển khai sẽ được tiến hành ra sao?

Ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đề xuất phải có một báo cáo tác động của Đề án. “Phải làm rõ đội ngũ giáo viên hiện nay sẽ được tổ chức, trang bị hoặc thay đổi như thế nào vì “động” vào vấn đề con người là không hề đơn giản. Tôi vẫn thấy hoang mang, chưa rõ cái gì là mới trong Đề án này so với cái mà chúng ta đang thực hiện”, ông Phước nói.

Xung quanh những băn khoăn này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng chương trình mới sẽ được thực hiện trên cơ sở những nền tảng đã có, chú trọng đến những nơi thiếu điều kiện thực tiễn. Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện nay về cơ bản các địa phương đã có đủ nhưng vẫn phải bổ sung. Giáo viên thì cơ bản đã đủ về số lượng và đáp ứng chuẩn đào tạo, nay phải bồi dưỡng thêm để đáp ứng những yêu cầu mới. “Sẽ có những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về điều kiện về đáp ứng yêu cầu đổi mới”, ông Hiển khẳng định.

Chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc, đổi mới phải có kế thừa chứ không phải cái gì cũng mới. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ cần nêu rõ: Chương trình- SGK mới sẽ sử dụng trong khoảng thời gian bao nhiêu năm?

Về dự kiến “tuổi thọ” của chương trình mới, ông Hiển cho rằng: thông thường nhiều nước trên thế giới một chương trình có thời gian tồn tại khoảng từ 5-10 năm, thậm chí có nước chỉ 2-3 năm. Tuy nhiên, với điều kiện của nước ta thì dự kiến chương trình mới sau 2015 có lẽ sẽ thực hiện đến năm 2030.

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Nói về sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông mà tờ trình chỉ viết toàn “khẩu hiệu”, chưa rõ tổ chức thực hiện thế nào, để đảm bảo cho nó có hiệu quả thì phải làm sao… nên chưa đủ điều kiện để trình ra Quốc hội. Phải làm rõ tất cả những vấn đề đó thì Quốc hội mới ban hành nghị quyết được”.

Thực chất vẫn là 70.000 tỉ đồng

Trao đổi với Thanh Niên, một nguồn tin từ Bộ GD-ĐT cho biết: số tiền 34.275 tỉ đồng mới dừng ở mức “khái toán” chứ chưa phải là con số được phê duyệt. Số kinh phí này chưa bao gồm xây dựng cơ sở vật chất như trường lớp, phòng học. Có rất nhiều hạng mục chi tiêu trong Đề án này như: kinh phí cho xây dựng chương trình, SGK và thực hiện thí điểm; xây dựng chương trình, SGK; đào tạo bồi dưỡng giáo viên… Lớn nhất là kinh phí dành cho triển khai đại trà với số tiền dự kiến khoảng 29.000 tỉ đồng. Trong đó hạng mục đầu tư cho trang thiết bị dạy học ước tính khoảng 26.000 tỉ đồng. Đề án này cũng chưa phân nguồn đầu tư cụ thể.

Năm 2011, dư luận xôn xao xung quanh dự thảo đề án phiên bản tháng 6.2011 với dự kiến kinh phí 70.000 tỉ đồng để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn tới các báo (ông Nguyễn Mạnh Hùng lúc bấy giờ là Chánh văn phòng) để giải thích rằng 70.000 tỉ đồng chỉ là con số “khái toán” trong một bản dự thảo đề án đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và đưa ra để lấy ý kiến nhằm bổ sung, điều chỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

Tại công văn này, Bộ GD-ĐT cho rằng: sở dĩ có dự toán 70.000 tỉ đồng là bởi định chi khoảng một nửa cho xây dựng cơ sở vật chất trường học (khoảng 35.000 tỉ đồng), khoảng 30.000 tỉ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học. Còn tiền chi cho việc biên soạn chương trình, SGK khoảng hơn 960 tỉ đồng.

Như vậy, lần này con số 34.275 tỉ đồng mà Bộ GD-ĐT báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực ra cũng không khác là mấy so với con số 70.000 tỉ đồng của lần trước. Vì số tiền đầu tư cơ sở vật chất trường học đã không được đưa vào dự toán này.

Ý kiến

Chỉ tốn một phần nghìn số tiền đó để viết SGK

“Nếu có cả việc xây dựng trường lớp thì tôi còn có thể hình dung được chứ nếu không xây trường mà tiêu bằng đấy tiền thì tôi không hình dung nổi. Chắc chắn chỉ cần chưa đến một phần nghìn số tiền hơn 34.000 tỉ đồng đó để biên soạn SGK của tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12. Nghĩa là 30 tỉ đồng đã là quá thoải mái cho việc biên soạn sách giáo khoa rồi. Bộ cần phải giải trình rõ từng hạng mục chi tiêu để xã hội giám sát”.

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG (Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh - Hà Nội)

 

Nhiều cách giảm chi phí

Đối với các môn tự nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể mua lại chương trình của nước ngoài, giảm chi phí hơn rất nhiều so với biên soạn. Đối với các môn xã hội, chúng ta nên tự làm nhưng có thể đưa chương trình khung lên mạng cho xã hội tham khảo. Sau đó, tổ chức cho các nhóm biên soạn thi viết SGK. Nhóm nào viết hay, sát chương trình khung thì chọn. Có thể treo thưởng cao cho nhóm đoạt giải, điều này sẽ là động lực cho các nhà biên soạn sáng tạo, tạo ra bộ SGK tối ưu. Kinh phí treo thưởng vẫn sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu biên soạn như phương thức hiện nay.

TS HỒ THIỆU HÙNG (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Tuyết Mai - Minh Luân (ghi)

Tuệ Nguyễn

 

>> Dở khóc dở cười ngữ liệu SGK
>> Tiếng Việt trong SGK thiếu chất văn
>> Sắp hoàn thiện đề án đổi mới SGK phổ thông
>> Cần điều chỉnh chương trình SGK phân ban
>> Nên có nhiều bộ SGK
>> Hiệu trưởng có quyền lựa chọn SGK  

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.