Liên kết vùng để phát triển
Trong hơn 10 ý kiến nêu ra tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm khu công nghiệp (KCN) cũ cần phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới, trong đó phải đổi mới công nghệ, liên kết với nhau để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại hội thảo, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm về phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao |
SỸ ĐÔNG |
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhìn nhận TP.HCM đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp nên các KCN phải hoạt động chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo. Nếu chậm chuyển đổi và vẫn tiếp tục thâm dụng lao động, đất đai thì giai đoạn hậu công nghiệp sẽ dậm chân tại chỗ, không tạo ra động lực tăng trưởng mới trong 10 - 20 năm tới.
Do vậy, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài đề xuất TP.HCM cần định hướng phát triển trung và dài hạn theo hướng KCN sinh thái bền vững, kết hợp với khu đô thị, thương mại, dịch vụ giống như các nước: Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Trung Quốc… Bên cạnh kết nối đồng bộ hạ tầng bên trong với bên ngoài thì cần có chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tái chế phế phẩm thành nguyên liệu đầu vào, xử lý chất thải…
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đề xuất mô hình cụm ngành công nghiệp hỗ trợ dựa trên các thế mạnh, từng bước trở thành địa chỉ tin cậy để bất kỳ nhà sản xuất hay nhà đầu tư tiềm năng tìm đến khi cần giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quản trị, nguồn vốn, nguồn cung ứng, xây dựng thương hiệu, hợp tác nghiên cứu và phát triển… Để làm được điều này, chính quyền phải tạo ra các chính sách hỗ trợ, sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết các đề xuất mới mà quy định chưa sẵn có.
Mặt khác, cụm ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM không chỉ bó hẹp phạm vi trong địa giới hành chính của TP.HCM mà phải tiếp cận theo hướng mở rộng ra toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trực tiếp là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu…
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiếp cận, ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức. Ông Byun Ki Jung, Giám đốc Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc - KITECH chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về hỗ trợ công nghệ cho các DN nhỏ và vừa thông qua KITECH như một gợi mở để TP.HCM tham khảo cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác. Vào năm 1989, thời điểm Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt nền tảng phát triển công nghiệp quốc gia, thì KITECH được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các DN vừa và nhỏ.
Với khoảng 1.200 nhân sự chính thức, trong đó có 700 nhân sự trình độ tiến sĩ, KITECH được cấp ngân sách hằng năm khoảng 327 triệu USD, trong đó vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp chiếm 32%, vốn Nhà nước thông qua dự án chiếm 54%, còn lại là vốn DN và các nguồn khác. Hiện tổ chức này có văn phòng đại diện tại 4 quốc gia: VN, Mỹ, Trung Quốc và Indonesia, qua đó hỗ trợ các DN nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, trao đổi công nghệ.
Còn ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, qua khảo sát của đơn vị này, ngày càng có nhiều DN ở Nhật Bản tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và có nhu cầu phát triển mạnh mẽ hơn ở VN. TP.HCM là địa phương cung cấp nhiều vật liệu cơ bản nhưng trọng yếu cho các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Hirai Shinji cũng cho rằng TP.HCM cần liên kết với các khu vực lân cận để tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn với các nước trong khu vực.
Bình luận (0)