Đổi mới dạy môn sử, bắt đầu từ đâu?

01/12/2021 06:28 GMT+7

Trong khi phần lớn học sinh chán môn sử thì cũng nhiều người may mắn có những giờ học sinh động. Thế nhưng, những người thầy truyền cảm hứng vẫn đau đáu nỗi lo còn quá nhiều điều phải làm để học sinh thích học môn này.

Nên dạy sử bằng nội dung truyền cảm hứng

Ít có học sinh (HS) nào học lịch sử ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) mà không yêu mến thầy Nguyễn Viết Đăng Du. Thầy Du là một trong những người có cách dạy lịch sử phong phú, sinh động, được nhiều HS yêu mến hiện nay. Nhưng với thầy Du, để HS yêu thích học lịch sử, còn quá nhiều điều phải làm.

Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, bất kỳ chương trình học môn lịch sử nào, muốn dạy cho sinh động đều có thể thực hiện. Nhưng mấu chốt hiện nay là chương trình và nội dung thi ôm đồm quá nhiều nội dung đến mức giáo viên không thể triển khai phương pháp dạy cho sinh động. Chẳng hạn, một bài học rất dễ truyền cảm hứng về văn hóa dân tộc lại có số lượng rất ít trong khi những bài thuộc phạm trù sự kiện như nghị quyết thì lại quá nhiều.

“Chương trình học lịch sử cần cân đối lại rất nhiều. Phải đi về hướng truyền cảm hứng lịch sử hơn là bắt HS phải nhớ nhiều sự kiện lịch sử. Chẳng hạn, học về Cách Mạng Tháng Tám, điều truyền cảm hứng cho giáo viên và HS là nạn đói diễn ra thế nào, hậu quả ra sao? Những điều mang lại tình cảm thì dễ nhớ, dễ thẩm thấu đi vào lòng người hơn là thông tin ngày bao nhiêu nổi dậy phá kho thóc…”, thầy Du chia sẻ.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (giữa) cùng học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) tham gia các dự án môn sử trước khi dịch bùng phát

NVCC

Là người sâu sát với việc học lịch sử trong trường, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cũng cho biết hiện nay HS không thích học lịch sử là bài học dài, ghi chép quá nhiều và phải nhớ ngày tháng năm, con số cụ thể. HS học rất vất vả. Học lịch sử hiện nay cũng là học chay, không cọ xát thực tế. HS cũng ít được xem phim tài liệu, tư liệu để hình dung về giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử. Thầy cô đang bị phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa (SGK). Trong khi SGK lịch sử lại dài và nặng nề, vì vậy mà bài học trở nên cứng nhắc.

Phải thay đổi tư duy tiếp cận lịch sử

Đánh giá về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, đồng tác giả cuốn Môn Sử không chán như em tưởng, cho rằng nguyên nhân chủ yếu và đầu tiên khiến HS chán học sử là quan niệm sai lầm của những người làm giáo dục lịch sử.

Lẽ ra giáo dục lịch sử là phải nhằm vào rèn luyện cho HS có được nhận thức lịch sử thực chứng, khoa học và logic dựa trên sự tự nhận thức đa dạng của HS thì lại truyền giảng một nhận thức lịch sử duy nhất và yêu cầu HS phải hiểu theo cách đó, thuộc lòng nó. Tức là nhận thức lịch sử chỉ một và duy nhất đúng. Khi học như vậy thì chỉ cần thuộc lòng SGK là nắm trọn hết chân lý.

“Từ sai lầm này sẽ dẫn đến các sai lầm về biên soạn chương trình, nội dung SGK, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, thái độ của giáo viên, phụ huynh và giáo viên với môn lịch sử… Việc số liệu, sự kiện có nhiều thế nào trong dạy học lịch sử cũng không phải là vấn đề lớn nếu như người dạy và người học coi nó là “dữ liệu”, “tư liệu” để suy ngẫm, đọc hiểu, phân tích, đánh giá, rút ra kết luận. Nếu dùng nó như là thứ cần nhớ, thuộc, để minh họa cho một kết luận có sẵn… thì nó không có ý nghĩa và HS sẽ chán”, tiến sĩ Vương nhận định.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thực hiện một dự án (trước dịch Covid-19) về môn lịch sử với hình thức hóa thân các nhân vật trong truyền thuyết và lịch sử

d.n

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du cũng cho rằng nếu soạn SGK nên thay đổi tư duy về việc HS tiếp cận môn lịch sử. Cân nhắc lựa chọn những câu chuyện mang lại cảm hứng cho giáo viên dạy lịch sử và giáo dục tình cảm cho HS hơn là những sự kiện lịch sử. Một khi chương trình như vậy thì cũng phải thay đổi đề thi tương ứng. Thay vì bắt HS nhớ con số, sự kiện thì hãy cho HS viết cảm nghĩ, suy nghĩ; đề thi đánh giá được năng lực, nắm bắt, cảm nhận về sự kiện hơn là kiểm tra sự kiện.

Học lịch sử như “nhà sử học nhỏ tuổi” ?

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương, giáo dục lịch sử cần phải có bước chuyển mới về lý luận như thừa nhận sự đa dạng của nhận thức lịch sử ở HS, từ đó coi quá trình dạy học là quá trình huấn luyện, dẫn dắt, hỗ trợ HS phát triển nhận thức đó, tinh luyện nó làm cho nó logic hơn, thực chứng hơn, tiệm cận chân lý hơn. Nghĩa là HS phải học lịch sử trong tư cách là “một nhà sử học nhỏ tuổi” với đầy đủ các thao tác như phát hiện vấn đề, thu thập, xử lý tư liệu, phê phán, đọc hiểu, giải mã nó, xây dựng các giả thuyết, rút ra các kết luận, đặt ra các câu hỏi nghi vấn. Thảo luận và đối thoại phải là yếu tố cần thiết trong quá trình này.

“Giáo dục lịch sử phải tiến tới đa dạng với 3 hình thái là “thông sử” (như ta đang có), “lịch sử theo chuyên đề”, “lịch sử lội ngược dòng” tức là giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội (hình thái phổ biến trên thế giới). Khi đó giáo dục lịch sử sẽ gắn bó chặt chẽ với giáo dục công dân, giáo dục địa lý để hướng tới nhận thức công dân của HS - người sẽ làm chủ xã hội”, tiến sĩ Vương chia sẻ.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng muốn môn lịch sử hấp dẫn hơn với HS, phải sân khấu hóa, chuyển giai đoạn lịch sử thành phim để bổ trợ bài học cho sinh động. (còn tiếp)

Sẽ đổi mới dạy sử theo hướng sáng tạo, không áp đặt

Ngày 11.11, trả lời chất vấn tại Quốc hội về nguyên nhân điểm thi môn lịch sử trong các kỳ thi thấp hơn các môn học khác, nhiều HS thờ ơ, thái độ học tập đối phó với môn lịch sử, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận vẫn có tình trạng HS không thích môn sử, học đối phó nên điểm thi thấp.

Bộ trưởng cho rằng câu trả lời nằm cả ở việc tổ chức dạy và kiểm tra đánh giá đối với môn học này. Theo đó, việc dạy vẫn thiên về sự kiện, số liệu, chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của HS. Kiểm tra đánh giá vẫn thiên về số liệu, sự kiện, chưa chú ý nhiều về tư duy, ý nghĩa của sự kiện lịch sử. Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, trong thời gian sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ triển khai việc đổi mới giảng dạy và học tập môn lịch sử theo hướng tăng cường tính sáng tạo của HS, không áp đặt. Thi kiểm tra thì không đánh đố bằng các con số nhớ ngày tháng, nhớ địa điểm, địa danh, sự kiện...

Ý kiến

Cần “thay áo mới” cho môn sử

HS đang học sử theo kiểu thuộc lòng hòng lấy điểm số cao chứ không phải học vì niềm yêu thích tìm hiểu lịch sử. HS chọn lịch sử trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội nhằm đủ điểm xét tốt nghiệp THPT và đích nhắm chủ yếu 2 môn còn lại trong tổ hợp: giáo dục công dân và địa lý. Lịch sử bao năm qua vẫn là môn học đang bị chính HS “quay lưng”. Nỗi trăn trở trong lòng người mỗi lúc mỗi lớn dần khi nhìn các bạn trẻ dần rời xa việc tìm về cội nguồn để thấu cảm với quá khứ xa xưa.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã khẳng định chắc nịch trong phiên chất vấn về những đổi mới cần phải có cách để níu giữ vị thế môn sử trong lòng HS. Đã đến lúc môn sử cần thay một “chiếc áo mới”.

Trang Hiếu (Thừa Thiên-Huế)

Cải thiện thu nhập cho giáo viên dạy sử

Giáo dục môn lịch sử trong nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập, thể hiện qua số lượng HS học giỏi môn lịch sử ngày càng ít. Với quan niệm cho rằng, học giỏi môn này sẽ không có tương lai. Bên cạnh đó, giáo viên dạy các môn tự nhiên thường có thu nhập cao hơn so với giáo viên dạy môn lịch sử nên một số trường học hiện nay đang thiếu giáo viên môn này.

Để khắc phục tình trạng này, cần nâng cao nhận thức của giáo viên và HS, phải coi trọng việc dạy và học môn sử trong nhà trường. Ngành giáo dục cần có giải pháp để nâng cao thu nhập của các giáo viên dạy môn lịch sử; đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử thông qua nhiều thể loại như phim, ảnh, truyện tranh, pa nô, áp phích... để thu hút HS.

Đỗ Văn Nhân (tỉnh Kon Tum)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.