Đổi mới để tránh Quốc hội dựa dẫm, ỷ lại vào Đảng

08/12/2015 13:24 GMT+7

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Đảng lãnh đạo Nhà nước không có nghĩa phải quyết định trước Nhà nước, mà điều cơ bản là Đảng tập hợp được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình ra quyết định.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Đảng lãnh đạo Nhà nước không có nghĩa phải quyết định trước Nhà nước, mà điều cơ bản là Đảng tập hợp được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình ra quyết định. 

Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển” sáng nay (8.12) 
- Ảnh: Trường SơnHội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển” sáng nay (8.12) - Ảnh: Trường Sơn

Nhiều ý kiến góp ý đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển” vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay.

Phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH), với vai trò là người lãnh đạo nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam thường là người khởi xướng và người quyết định trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Sau đó Quốc hội chính thức hóa về phương diện nhà nước những quyết định quan trọng đó.

Quy trình này dẫn đến việc Quốc hội quyết định lại vấn đề mà Ban chấp hành T.Ư hoặc Bộ Chính trị đã quyết. Đồng thời không thể tránh khỏi chuyện Quốc hội dựa dẫm, ỷ lại với Đảng hoặc muốn có ý kiến khác cũng không có điều kiện để bày tỏ chính kiến của mình, nhất là ĐBQH là đảng viên.

Vì thế, GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị phải đổi mới quy trình ban hành các quyết định quan trọng của Nhà nước để Quốc hội thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn này một cách thực chất.

“Đảng lãnh đạo Nhà nước không có nghĩa là Đảng phải quyết định trước Nhà nước mà điều cơ bản là Đảng tập hợp được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình ra quyết định. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, GS Đường nói.

Phương án được  GS Đường đưa ra là  trong quy trình ra quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng chỉ giữ vai trò khởi xướng, sau đó giao cho cơ quan có thẩm quyền (thường là Chính phủ) soạn thảo đề án chi tiết và cụ thể để đưa ra tham vấn ý kiến của nhân dân. Toàn bộ ý kiến được  tổng hợp đầy đủ vừa làm tài liệu để Đảng và Quốc hội xem xét, vừa làm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình thực hiện sau này.

Sau khi lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, Đảng chỉ định hướng về chủ trương, không quyết định những nội dung cụ thể của dự án mà Quốc hội phải thay mặt nhân dân quyết định những nội dung cụ thể. Ví dụ như Đảng chỉ quyết định phải mở rộng Hà Nội nhưng mở rộng bao nhiêu, lấy đất của tỉnh nào, theo phương án nào do Quốc hội quyết định. Hay Đảng quyết định trong cơ cấu năng lượng ở Việt Nam nhất định phải có năng lượng hạt nhân, còn làm nhà máy điện ở đâu, công suất bao nhiêu, công nghệ thế hệ thứ mấy do Quốc hội quyết định.

Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, nên thấy thực tế Đảng đổi mới đến đâu, Quốc hội đổi mới đến đó. Theo ông Lịch, trong thảo luận, rõ ràng việc Quốc hội thảo luận các vấn đề để rồi Quốc hội quyết định sẽ hoàn toàn khác việc thảo luận những vấn đề đã được Đảng quyết định trước đó rồi.

Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, cần có sự nghiên cứu thấu đáo nội hàm mối quan hệ trong việc đưa ra quyết định của Đảng và Quốc hội. “Các quyết định của Đảng cũng vì lợi ích của dân thôi chứ không có gì khác nhưng phải làm rõ cơ chế lãnh đạo này… Nhiều vấn đề Quốc hội phải thay mặt 90 triệu dân để quyết định nhưng sau khi Đảng đã có ý kiến thì Quốc hội quyết định khác đi không dễ”, ông nói.

Giám sát là đôi giày "khổng lồ" với Quốc hội?

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, ngoài những kết quả đã đạt được, hoạt  động giám sát của Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội, chất lượng giám sát còn thiếu hiệu quả.

Những bất cập trong hoạt  động giám sát được TS Bùi Sỹ Lợi nêu có khái niệm giám sát tối cao chưa rõ ràng, dẫn đến chưa giới hạn được phạm vi, đối tượng và mục đích giám sát. Bên cạnh đó, đối tượng giám sát chưa thực sự phù hợp, quá rộng, nội dung giám sát không rõ nên chưa xác định đối tượng nào, việc nào là trọng tâm…, khiến hoạt động giám sát thiếu khả thi, xác định đối tượng giám sát không chính xác.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm VPQH cũng cho rằng, “đôi giầy” giám sát mà Quốc hội đang mang có kích cỡ khổng lồ vượt ra ngoài khả năng thực tế. Theo ông Dũng, ở các nước phát triển, giám sát của Quốc hội được coi là việc kiểm soát quyền lực hành pháp. Ở Việt Nam, giám sát của Quốc hội được hiểu là giám sát tối cao hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước. Cách tiếp cận của Việt Nam làm cho phạm vi giám sát của Quốc hội mở ra rất rộng.

Dẫn chứng trường hợp Thụy Điển, ông Dũng cho biết, hiện Quốc hội Việt Nam phải làm rất nhiều việc mà Quốc hội Thuỵ Điển không nhất thiết phải làm, như giám sát nguyên thủ quốc gia, giám sát tư pháp, giám sát chính quyền địa phương, giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương...

“Với thực tiễn Việt Nam, việc Quốc hội có nên giám sát các đối tượng nói trên hay không có thể là điều còn cần được  tranh luận. Điều đã rõ hơn là Quốc hội sẽ khó có đủ thời gian để giám sát nhiều đối tượng và nhiều công việc như vậy đặc biệt là khi có đến 70% các ĐBQH chỉ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.