Một điểm nhấn tại hội thảo là dự án “Cổ nghệ tân phương”, một ứng dụng học viết thư pháp dựa trên công nghệ thực tế tăng cường (AR), do sinh viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo của RMIT phát triển. Người dùng có thể học viết thư pháp trên thiết bị di động với công nghệ AR, mang lại trải nghiệm học tập sống động.
Trong các phiên thảo luận, các chuyên gia như GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Sean McMinn từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, và ông Glen O'Grady, Giám đốc Trải nghiệm học tập của RMIT, đã thảo luận về sự đổi mới trong giáo dục đại học. Các chuyên gia đều nhấn mạnh AI và dữ liệu là công cụ quan trọng giúp cá nhân hóa việc học và nâng cao trải nghiệm giảng dạy.
Tiến sĩ Sean McMinn khẳng định: “AI sẽ thay đổi cách chúng ta giảng dạy và học tập, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng cần thiết trong tương lai, khi AI có tác động lớn đến môi trường làm việc".
Đổi mới giáo dục với AI: Tầm nhìn tương lai từ Đại học RMIT
Triển lãm các dự án sinh viên tại hội thảo cho thấy sự sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ AR, VR và AI vào giáo dục, minh chứng cho tiềm năng của thế hệ trẻ trong việc phát triển các mô hình học tập mới. Giảng viên Trần Thanh Phong từ Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận xét: “AI là công cụ mạnh mẽ giúp giảm đến 50-60% khối lượng công việc giảng viên, nếu áp dụng đúng cách, tạo ra tác động tích cực cho giáo dục".
Hội thảo đã mở ra diễn đàn ý nghĩa, thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới trong giáo dục đại học, góp phần định hình tương lai học tập của khu vực Đông Nam Á.
Bình luận (0)