Ngày 29.8, Trường ĐH Phan Châu Trinh (đóng tại TX.Điện Bàn, Quảng Nam) tổ chức hội nghị khoa học viện – trường 2024 chủ đề "Tương lai nền y học – Đổi mới để đáp ứng thách thức công nghệ".
Hội nghị thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà nghiên cứu, bác sĩ và đại diện từ các tổ chức y tế trên toàn quốc.
Hội nghị tập trung thảo luận về những tiến bộ vượt bậc trong trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ y sinh, từ các thuật toán chẩn đoán chính xác đến các phương pháp điều trị cá nhân hóa dựa trên gien. Những thành tựu này không chỉ mở ra cơ hội mới trong chăm sóc sức khỏe mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đào tạo thế hệ bác sĩ tương lai có khả năng thích ứng và làm chủ các công nghệ mới.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ những ý tưởng, giải pháp đột phá trong y khoa, từ đó góp phần xây dựng một nền y học tiên tiến, nhân văn và bền vững hơn.
Phát biểu tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Phan Châu Trinh, cho biết chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà sự phát triển của công nghệ không chỉ làm thay đổi cách sống mà còn đang tái định hình cách chúng ta hiểu và thực hành y học.
Những tiến bộ vượt bậc trong AI, công nghệ sinh học và y học chính xác đã tạo ra những cơ hội chưa từng có, đồng thời đặt ra những thách thức mới. AI đã và đang thâm nhập mọi khía cạnh của y học, dần trở thành công cụ không thể thiếu của các bác sĩ; từ chẩn đoán bệnh thông qua hình ảnh y khoa đến việc phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa...
Những thuật toán tiên tiến cũng có khả năng phân tích dữ liệu y tế một cách nhanh chóng và chính xác, vượt xa khả năng của con người; giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, mở ra những triển vọng mới trong việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị.
Công nghệ y sinh cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Từ kỹ thuật chỉnh sửa gien CRISPR, các thiết bị y tế thông minh đến các phương pháp điều trị dựa trên tế bào gốc..., mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân mắc các bệnh nan y, làm thay đổi cách tiếp cận đào tạo và giáo dục y khoa.
Theo bác sĩ Tùng, những tiến bộ trong kỹ thuật lâm sàng thành công là minh chứng rõ nét nhất cho việc kết hợp giữa khoa học và y học thực hành. Các kỹ thuật như phẫu thuật robot, phẫu thuật nội soi, các liệu pháp xâm lấn tối thiểu đã nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu rủi ro và thời gian hồi phục cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, đang có thách thức lớn là sự cần thiết phải đổi mới giáo dục y khoa, không thể tiếp tục dựa vào những phương pháp đào tạo truyền thống nếu muốn tạo ra một thế hệ bác sĩ tương lai có khả năng đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Các chương trình đào tạo y khoa cần được cập nhật để tích hợp những kiến thức về AI, công nghệ y sinh và các xu hướng y học mới nhất. Đồng thời, cần đào tạo các bác sĩ không chỉ về kỹ năng lâm sàng mà còn về khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi.
"Đổi mới giáo dục y khoa không chỉ đơn thuần là việc bổ sung những kiến thức mới, mà còn là việc thay đổi tư duy và cách tiếp cận của chúng ta. Chúng ta cần khuyến khích sự hợp tác đa ngành, nơi mà các bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học và nhà quản lý có thể cùng nhau làm việc, để tạo ra những giải pháp y tế toàn diện và tiên tiến nhất", bác sĩ Tùng khẳng định.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Phan Châu Trinh và Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Tâm Trí đã trao tặng Hội giáo dục Y học Việt Nam số tiền 5 tỉ đồng.
Khoản tài trợ này nhằm hỗ trợ cho quá trình thành lập, hoạt động và phát triển của Trung tâm Kiểm định chương trình đào tạo y khoa Việt Nam, đồng thời xây dựng Bộ tiêu chuẩn dựa trên tiêu chuẩn của Liên đoàn Giáo dục y khoa thế giới (WFME).
Mục tiêu là nâng cao và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo y học Việt Nam đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
Bình luận (0)