Đổi mới kiểm tra đánh giá: Giáo viên đối diện với những khó khăn nào?

05/02/2024 16:27 GMT+7

Ngày 5.2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tổng kết, đánh giá sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục. Đặc biệt trong đó có nội dung đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Đổi mới kiểm tra đánh giá: Giáo viên đối diện với những khó khăn nào?- Ảnh 1.

Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) là một trong những trường có nhiều hình thức đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh

PHƯỚC HẢI

Đổi mới đánh giá thúc đẩy, khích lệ học sinh tích cực học tập

Theo đó, giáo viên tại TP.HCM đã thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau nhằm thu được những thông tin phản hồi 2 chiều. Nhờ vậy, giáo viên biết được những điểm mạnh, điểm chưa đạt của học sinh về kiến thức, kỹ năng, thái độ, từ đó có sự điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp.

Việc đổi mới kiểm tra đánh giá còn tạo động lực đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên, nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, với học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy. Học sinh tự đánh giá được kiến thức, kỹ năng của bản thân, kiểm soát được việc học của mình để thay đổi phong cách học giúp cải thiện kết quả học tập.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, việc đánh giá không chỉ dựa vào điểm số mà còn bằng các nhận xét định tính trong quá trình dạy học giúp cho kết quả đánh giá chính xác hơn, có tác dụng thúc đẩy, khích lệ học sinh tích cực học tập.

Thông qua kết quả kiểm tra đánh giá học sinh, tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường điều chỉnh việc quản lý và đưa ra giải pháp phù hợp như: thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp, rút kinh nghiệm; sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực; giáo dục ý thức cầu thị, tự học tập, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm…

Đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của giáo viên

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT chỉ ra những khó khăn. Chẳng hạn, khi thực hiện kiểm tra đánh giá không theo điểm số, giáo viên chưa biết lưu lại các kết quả của học sinh như thế nào cho khoa học để lấy đó làm minh chứng cho đầu việc mình đã thực hiện (mặc dù biết việc đánh giá này có lợi cho học sinh và mang tính toàn diện).

Việc sử dụng nhiều hình thức, phương pháp, công cụ kiểm tra đánh giá đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của giáo viên. Vì vậy, với định mức 17 tiết/tuần, giáo viên khó có thể làm tốt đồng thời cả đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá. Với các đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan, việc trộn đề cho giống đề thi tốt nghiệp THPT (phần dễ trước, phần khó sau) đang làm khó giáo viên.

Đổi mới kiểm tra đánh giá: Giáo viên đối diện với những khó khăn nào?- Ảnh 2.

Học sinh luôn thích thú với những hình thức kiểm tra đánh giá mới

PHƯỚC HẢI


Lãnh đạo trường cần đồng hành với giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học

Từ những khó khăn nói trên, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học phải là quá trình hoạt động tự giác của bản thân giáo viên và phù hợp với yêu cầu từ cơ quan quản lý giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy học là quá trình lâu dài, gian khổ đối với mỗi giáo viên. Quá trình này đòi hỏi giáo viên phải từ bỏ một số thói quen giảng dạy không còn thích hợp khi sử dụng phương pháp dạy học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt, thông báo kiến thức.

Giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập để học sinh tự chiếm lĩnh nội dung học tập. Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh phương pháp học, biết cách tự học, tiếp nhận kiến thức và rèn luyện kỹ năng, tự đánh giá kết quả học tập, đồng thời biết cách tiếp nhận thông tin phản hồi từ đánh giá nhận xét của học sinh về phương pháp giáo dục của mình. Giáo viên có thể lựa chọn một hoặc kết hợp các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu và ý đồ đánh giá, đáp ứng được yêu cầu của định hướng phát triển năng lực của học sinh, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT phụ trách chuyên môn cũng đề nghị lãnh đạo nhà trường phải phấn đấu làm người đi tiên phong hoặc đồng hành với giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học. Kiên trì tổ chức hướng dẫn giáo viên thực hiện đổi mới, chăm lo và tăng cường các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như tổ chức hợp lý việc lấy ý kiến của giáo viên và học sinh về chất lượng giảng dạy, giáo dục của từng giáo viên trong trường. Đánh giá đúng trình độ, năng lực và sự phù hợp trong phương pháp dạy học của từng giáo viên trong trường, từ đó, kịp thời động viên, khen thưởng những giáo viên thực hiện đổi mới mang lại hiệu quả.

Theo ông Quốc, các trường phải quan tâm và đầu tư nguồn lực để đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán theo từng bộ môn. Đội ngũ này phải là những người có đủ năng lực, uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực để giúp giáo viên bồi dưỡng theo các tài liệu bồi dưỡng của Sở và Bộ GD-ĐT. Đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, các hội nghị chuyên đề, hội giảng, giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên của các đơn vị trong cụm trường nhằm giúp nhau tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.

Nhà trường cần tổ chức tập huấn, tập trung bồi dưỡng giáo viên các phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá mới; từng bước thay đổi thói quen, hướng dẫn cách thức ra đề, kiểm tra mở, theo cách tiếp cận năng lực, tránh rập khuôn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.