TAND tối cao vừa tổ chức hội nghị về cải cách tư pháp với sự tham gia của gần 800 chánh án các cấp và các thẩm phán, thủ trưởng đơn vị thuộc TAND tối cao, nhằm thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức TAND năm 2014.
Thanh Niên có cuộc trao đổi cùng GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), xung quanh các đề xuất mới của TAND tối cao về mô hình tổ chức, cũng như quy định liên quan đến các chức danh tư pháp thuộc tòa án.
Phân chia theo bản đồ tư pháp chứ không phải bản đồ hành chính
TAND tối cao cho rằng tổ chức tòa án hiện nay còn nặng về địa giới hành chính, ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử, nên đề xuất mô hình mới, gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm, tòa chuyên biệt và tòa quân sự. Ông đánh giá ra sao về điều này?
Một trong những mục tiêu cao nhất của cải cách tư pháp là tăng tính độc lập của tòa án, cụ thể là độc lập xét xử. Điều này được thể hiện rõ theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành T.Ư về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN trong giai đoạn mới.
Thực tế hiện nay có sự chi phối từ chính quyền địa phương với tòa án, điển hình như câu chuyện đã được đưa ra tới Quốc hội về việc chủ tịch UBND huyện, UBND tỉnh thường xuyên không có mặt trong các phiên tòa hành chính; hay như việc tổ chức bộ máy theo nguyên tắc tập trung dân chủ và thống nhất sự lãnh đạo của cơ quan dân cử cũng tạo ra sự can thiệp đối với tòa án, nhất là ở địa phương. Vì vậy, mô hình tòa án cần được đổi mới để hướng tới loại bỏ được sự chi phối ấy.
Vậy theo ông, đề xuất của TAND tối cao đã giải quyết được bài toán trên hay chưa?
Về mặt tinh thần thì tôi rất ủng hộ, nhưng để đạt được mục đích cần làm rõ hơn về định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện. Việc đổi mới mô hình tòa án phải mới về thực chất trong tổ chức, hoạt động chứ không chỉ dừng lại ở đổi tên gọi các cấp tòa.
Ví dụ, cả nước có tới hơn 700 TAND cấp huyện, có huyện một năm xử vài chục vụ nhưng cũng có huyện xử tới cả nghìn vụ. Tới đây, ngoài việc đổi tên thành tòa sơ thẩm, có thể nghiên cứu gộp vài huyện để thành lập một tòa. Các huyện không nhất thiết phải trong cùng một tỉnh mà có thể gồm địa bàn giáp ranh của nhiều tỉnh, miễn sao thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và tiếp cận công lý. Việc phân chia phải theo bản đồ tư pháp chứ không phải bản đồ địa giới hành chính.
Tương tự, với TAND cấp tỉnh, phải thay đổi một số chức năng và thể hiện được sự độc lập với chính quyền, còn nếu bản chất không thay đổi mà chỉ đổi tên thành tòa phúc thẩm thì cũng không cần. Việc đổi tên thuần túy không mang lại nhiều ý nghĩa, thậm chí lãng phí tiền bạc, phải sửa nhiều luật liên quan…
Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để độc lập xét xử
Trong hồ sơ dự thảo, TAND tối cao đề nghị nghiên cứu việc bổ nhiệm thẩm phán không nhiệm kỳ (bổ nhiệm suốt đời), cụ thể hơn ở dự thảo đề cương đưa ra phương án kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán. Việc này có khả thi không, thưa ông?
Việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nhằm hướng đến mục tiêu lớn nhất là độc lập tư pháp. Nhiều quốc gia đã áp dụng, nhưng đi liền với quyền lợi cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, đạo đức và các quy định kiểm soát rất chặt chẽ. Riêng tại VN, tôi đã ủng hộ quy định này ngay từ khi xây dựng luật Tổ chức TAND năm 2014.
Như hiện tại (nhiệm kỳ đầu 5 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm), nhiều thẩm phán sẽ có tâm lý vừa xử vừa lo, lo vì xử mà không đúng theo ý chỉ đạo hoặc cuộc điện thoại của lãnh đạo thì tới đây liệu có được tái bổ nhiệm hay không? Như vậy sao mà độc lập được. Việc bổ nhiệm suốt đời sẽ giúp thẩm phán yên tâm xét xử, chỉ tuân theo pháp luật, không phải lo lắng kết quả xét xử sẽ ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm về sau.
Theo đề xuất về mô hình mới, TAND sẽ thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt, tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh/thành phố và tùy thuộc vào khối lượng công việc. Trước mắt, TAND tối cao dự kiến lập 3 tòa án sơ thẩm chuyên biệt, gồm: sở hữu trí tuệ (tại Hà Nội), hành chính (sẽ căn cứ vào thực tế để xem xét đề xuất), phá sản (tại Hà Nội và TP.HCM). Việc lập ra tòa án chuyên biệt sẽ tăng tính độc lập của tòa án, nhất là tòa hành chính khi không gắn với địa giới hành chính của một tỉnh nào.
Về ngạch bậc, dự thảo đề xuất thẩm phán sẽ được bố trí ở tất cả các cấp tòa, có 8 bậc. Ngay ở cấp sơ thẩm, thẩm phán cũng có thể phấn đấu đến bậc cao nhất là bậc 8 chứ không nhất thiết phải lên phúc thẩm hay cấp cao. Đồng thời, thẩm phán dù ở cấp sơ thẩm cũng đảm đương được tất cả công việc theo thẩm quyền như là ở cấp phúc thẩm hoặc cấp cao; sẽ không còn tâm lý vụ việc này do ông thẩm phán sơ cấp làm không tốt mà phải do thẩm phán trung cấp, cao cấp, thậm chí là tối cao.
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND tối cao, thông tin tại hội nghị về cải cách tư pháp ngày 26.2
Bên cạnh mặt tích cực, cũng có ý kiến băn khoăn chất lượng đội ngũ thẩm phán như hiện nay đã đủ điều kiện để được bổ nhiệm suốt đời; khi bổ nhiệm rồi liệu có xảy ra tình trạng không còn động lực phấn đấu. Nên chăng tính toán kéo dài nhiệm kỳ trước, khi nào "chín muồi" mới bàn chuyện không nhiệm kỳ, thưa ông?
Lo ngại khi thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời sẽ không còn động lực để phấn đấu là có căn cứ. Nhưng tôi cho rằng, kiểm soát để buộc họ có động lực làm việc và phấn đấu sẽ dễ hơn rất nhiều việc kiểm soát sự chi phối của ông bí thư hay chủ tịch.
Về chất lượng thẩm phán, theo tôi có thể giải quyết được. Chúng ta mạnh dạn thực hiện, lựa chọn thật kỹ. Không phải ào một lúc tất cả thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời mà có thể đánh giá bằng các tiêu chí khắt khe, từ đó lựa chọn một lớp ưu tú trước, tiếp đó là các lớp kế cận. Tức là thực hiện từng bước chứ không làm đại trà. Với những người chưa được bổ nhiệm suốt đời thì vẫn cần kéo dài nhiệm kỳ so với hiện nay.
Và nếu bổ nhiệm suốt đời thì không chỉ bổ nhiệm ở tòa án cấp cao, tối cao; càng ở dưới thì càng cần bố trí thẩm phán giỏi, bởi nơi đó họ xét xử nhiều, hằng ngày đối diện với các vấn đề phức tạp. Nếu tòa sơ thẩm mà xử tốt, tâm phục, khẩu phục thì chẳng ai muốn kháng cáo để "đáo tụng đình". Vì thế, cần bố trí thẩm phán suốt đời ở tòa sơ thẩm càng nhiều càng tốt.
"Thẩm phán tòa án nào cũng là thẩm phán"
TAND tối cao còn đề xuất sửa đổi ngạch thẩm phán theo hướng bỏ ngạch cao cấp, trung cấp và sơ cấp; tới đây sẽ chỉ có thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị. Theo ông, đề xuất này có hợp lý?
Tòa án nào cũng cần thẩm phán và thẩm phán tòa án nào cũng là thẩm phán. Tài năng, đức độ của thẩm phán không quyết định bởi việc họ làm việc ở tòa án nào. Tất nhiên, giữa các ngạch thẩm phán có sự khác biệt về trình độ, kinh nghiệm nhưng không đồng nghĩa thẩm phán cấp huyện phải thua thẩm phán cấp tỉnh, cấp cao trong xử lý vụ việc. Chính những thẩm phán ở tòa án cấp huyện lại là người xét xử nhiều, tiếp xúc nhiều, áp dụng luật nhiều nên rất nhuần nhuyễn.
Việc bỏ ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp để thống nhất là thẩm phán và chia thành nhiều bậc là hợp lý, không chỉ thuận lợi trong công tác cán bộ mà còn tiến tới loại bỏ định kiến thẩm phán sơ thẩm thì kém hơn phúc thẩm, phúc thẩm kém hơn cấp cao, tối cao.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)